.

Hội thảo quốc tế "Sản xuất sắn bền vững, kinh nghiệm từ Campuchia, Lào và Việt Nam"

Thứ Tư, 22/10/2014, 16:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng 22-10, tại TP Đồng Hới, Sở Nông nghiệp-PTNT phối hợp với Tổ chức phát triển Hà Lan-SNV tổ chức hội thảo quốc tế "Sản xuất sắn bền vững, kinh nghiệm từ Campuchia, Lào và Việt Nam". Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, doanh nghiệp liên quan và các hộ trồng sắn ở huyện Quảng Ninh, Bố Trạch…

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Được biết, mục tiêu của dự án nhằm cải thiện thu nhập ổn định và sinh kế cho nhà sản xuất quy mô nhỏ bằng cách nâng cao năng suất và tính bền vững trong sản xuất sắn, bao gồm cả mối quan hệ có lợi nhuận với nhà chế biến.

Bên cạnh đó, dự án cũng chú trọng phát triển và thúc đẩy mô hình sản xuất và kinh doanh bền vững, trong đó nông dân áp dụng phương pháp sản xuất sắn và được lồng ghép vào các chuỗi giá trị của doanh nghiệp chế biến để hình thành mối quan hệ kinh doanh lâu dài có lợi nhuận bền vững về môi trường cho cả khâu sản xuất và chế biến.

Theo đó, tại hội thảo, đại diện Tổ chức phát triển Hà Lan-SNV tại Lào, Campuchia, Việt Nam đã cùng nhau chia sẻ kết quả, kinh nghiệm trồng sắn bền vững tại các địa phương thực hiện dự án.

Tại Campuchia, dự án đã được triển khai thực hiện từ năm 2013, lựa chọn doanh nghiệp chế biến Song Heng là nơi tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho cây sắn, doanh nghiệp này hiện có công suất 300 tấn/12 giờ, chuẩn bị áp dụng chứng chỉ GMP và HACCP, có kế hoạch thu gom 50.000 tấn sắn củ tươi vào cuối tháng 4-2015. Chọn 3 trung tâm thu gom có khả năng thu nhập củ sắn tươi khoảng 30.000 tấn/vụ.

Tại Lào, dự án cũng đã liên kết được với 3 doanh nghiệp để thu mua sắn tươi và sắn khô cho nông dân. Nhờ đó, khối lượng sắn thu mua của các doanh nghiệp tăng lên qua mỗi năm (năm 2012 và 2014, Công ty ASIAN Agronomy có khối lượng mua củ sắn tươi và khô tăng 305,82%; Nhà máy tinh bột sắn KNP có khối lượng mua củ sắn tươi tăng 45,25%).

Tại Việt Nam, dự án cũng được triển khai thực hiện ở một số tỉnh. Đặc biệt, tại Quảng Bình, bước đầu dự án đã mang lại những kết quả khả quan. Với lợi thế có hai nhà máy tham gia chế biến tinh bột sắn là Công ty CP Pococev Quảng Bình, Công ty CP tư vấn và đầu tư Long Giang Thịnh và các nhà máy ở tỉnh Quảng Trị tham gia tiêu thụ sắn nguyên liệu đã tạo đầu ra hết sức thuận lợi cho người trồng sắn trong tỉnh.

Trong năm 2014, toàn tỉnh đã có 67 hộ nông dân tại xã Trường Xuân, Hiền Ninh, Vạn Ninh (Quảng Ninh); Hưng Trạch, Nam Trạch, Phú Định (Bố Trạch) tham gia trồng sắn theo mô hình thí điểm của dự án. Các giống sắn được trồng chủ yếu là KM94, KM98-7, Rayong72, Rayong9, KM21-12. Với các hình thức trồng độc canh sắn, xen canh 2 hàng lạc, xen canh 3 hàng lạc… (theo đánh giá chung thì hình thức xen canh 3 hàng lạc sắn 1.2 x 0.8 m mang lại năng suất cao nhất).

Dự kiến thời gian tới, Quảng Bình sẽ nhân rộng mô hình, phát triển ổn định diện tích sắn 5.500-6.000ha trên các vùng đồi, phấn đấu năng suất  đạt 25-30 tấn/ha vào năm 2020.

Lê Mai