.
Ban quản lý Dự án "Hỗ trợ sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam":

Tổ chức tham vấn giữa các bên liên quan về Redd+

Thứ Năm, 09/10/2014, 11:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong hai ngày 6 và 7-10, Ban quản lý Dự án "Hỗ trợ sẵn sàng thực hiện Redd+ ở Việt Nam" đã tổ chức tham vấn giữa các bên liên quan về Redd+ tại địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Tham gia các buổi tham vấn có đại diện của Dự án "Hỗ trợ sẵn sàng thực hiện Redd+ ở Việt Nam" ở 3 tỉnh Đắc Nông, Quảng Bình, Quảng Trị; các đơn vị, địa phương, chủ rừng trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi từ dự án...                                                                   

Dự án "Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện Redd+ ở Việt Nam" do Quỹ đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phê duyệt tại Quyết định số 58/QĐ-BN-HTQT ngày 10-1-2013 và Tổng cục Lâm nghiệp là chủ dự án. Tổng kinh phí của dự án này là 4,432 triệu USD (trong đó vốn viện trợ không hoàn lại 3,8 triệu USD; vốn đối ứng 632.000 USD). Dự án sẽ được thực hiện trong thời gian 3 năm (2013-2015).

Redd+ là sáng kiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ hệ thống khí hậu của trái đất thông qua các nỗ lực bảo vệ quản lý, sử dụng bền vững và phát triển tài nguyên rừng tại các nước đang phát triển với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của cộng đồng quốc tế.

Việc thực hiện Redd+ ở Việt Nam hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; tạo nguồn tài chính mới góp phần bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao giá trị của rừng, phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời thể hiện thiện chí của Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ khí hậu trái đất. Quảng Bình là một trong 3 tỉnh (Đắc Nông, Quảng Bình, Quảng Trị ) được Ngân hàng Thế giới lựa chọn thực hiện dự án Hỗ trợ sẵn sàng thực hiện Redd+ ở Việt Nam (bảo vệ quản lý, sử dụng bền vững và phát triển tài nguyên rừng)...

Tại các buổi tham vấn, các bên liên quan tham gia dự án Hỗ trợ sẵn sàng thực hiện Redd+ ở Việt Nam đã chia sẻ với nha về kinh nghiệm, khó khăn nổi cộm trong vấn đề giao đất, giao rừng như: Các vấn đề chính sách trong quản lý, bảo vệ rừng; khả năng của người dân nhận đất trồng rừng; các thủ tục hành chính trong việc giao, nhận đất; đánh giá hiện trạng rừng trước khi giao cho nhân dân; giao đất trồng rừng cằn cỗi không phù hợp với sản xuất trồng trọt hoặc trồng rừng... Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện Redd+ ở Việt Nam cũng đã đưa ra các chính sách, yêu cầu của Ngân hàng Thế giới và Quỹ đối tác các-bon trong lâm nghiệp; các phương án tham vấn tại cộng đồng...

Được biết, mục đích tổ chức tham vấn các bên liên quan về Redd+  nhằm giúp người dân địa phương, bà con dân tộc thiểu số, phụ nữ... nhận thức đúng đắn hơn về Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện Redd+ ở Việt Nam; cơ cấu bộ máy tổ chức thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh; thu thập tương đối đầy đủ các thông tin và ý kiến của người dân địa phương về quản lý bảo vệ rừng, giao đất và giao rừng, nâng cao năng lực thực hiện Redd+, quản lý và phát triển rừng bền vững ...

Văn Minh