.

Thẩm định Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng đệm theo hướng bảo tồn VQG PN-KB

Thứ Tư, 24/09/2014, 08:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiều 23-9, UBND tỉnh đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng đệm theo hướng bảo tồn Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì. Tham dự có đại diện lãnh đạo một số ban, ngành liên quan và các thành viên trong Hội đồng thẩm định.

Toàn cảnh cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp.

Dự án quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng đệm VQG PN-KB đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là một dự án tổng hợp thực hiện trên địa bàn 13 xã, thuộc phạm vi quản lý của 3 huyện Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa.

Đây là một dự án có tính khả thi cao, toàn bộ nội dung của dự án thể hiện mục tiêu trung tâm là cải thiện đời sống cho người dân trong vùng đệm, tăng cường hiệu quả của công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, các giá trị về sinh thái và đa dạng sinh học của VQG.

Tại cuộc họp, đại diện đơn vị tư vấn dự án đã trình bày báo cáo tóm tắt Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng đệm theo hướng bảo tồn VQG PN-KB đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đơn vị tư vấn đưa ra ba phương án có thể diễn ra đối với việc tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đệm và đã quyết định lựa chọn phương án 2.

Theo phương án 2, tổng giá trị sản xuất đến năm 2015 tăng 7,1%; đến năm 2020 tăng 8,5% và dự kiến đến năm 2030 tăng 10,5%. Theo đơn vị tư vấn, đây là phương án tích cực và bảo đảm phát triển bền vững; phương án có tính đến việc quan tâm, ưu tiên đầu tư theo quy hoạch cũng như có những chính sách hỗ trợ thiết thực để vùng đệm phát triển bền vững. Theo phương án này, mức tăng trưởng giá trị sản xuất của vùng đệm gần bằng mức tăng trưởng của các huyện có xã vùng đệm; khả năng kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ODA, nguồn vốn của tỉnh và các nguồn vốn khác…

Sau khi nghe báo cáo tóm tắt quy hoạch, các thành viên của Hội đồng thẩm định đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý, phản biện như: về quy hoạch phát triển kinh tế vùng, cần nêu rõ các ngành, lĩnh vực phát triển kinh tế cụ thể đối với mỗi địa phương; về mục tiêu phát triển, đưa ra các mục tiêu cụ thể, bổ sung thêm phần mục tiêu bảo vệ môi trường rừng; quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng về cơ cấu đầu tư giữa các ngành chưa hợp lý; về nguồn số liệu nên lấy số liệu theo niên giám thống kê  năm 2013…

Kết luận cuộc họp, đồng chí Trần Văn Tuân yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến phản biện để hoàn chỉnh bản quy hoạch. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đưa ra một số yêu cầu như: về số liệu, thống nhất lấy số liệu niêm giám thống kê 2013; nội dung quy hoạch phải đánh giá thực trạng rõ nét hơn, tập trung vào các vấn đề liên quan đến phát triển sinh kế của vùng đệm; đánh giá ưu điểm, thế mạnh và hạn chế của từng vùng để đưa ra giải pháp thích hợp; quy hoạch cần lồng ghép với các quy hoạch của các xã vùng đệm; quy hoạch cần bổ sung thêm hiệu quả kinh tế-xã hội sau quy hoạch; gắn trách nhiệm cho từng ngành, địa phương liên quan đối với quy hoạch…

Lê Mai