Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 20 (vòng III) tại Quảng Bình:

Công tác tuyên truyền trên báo chí phải góp phần thiết thực giảm thiểu tai nạn giao thông

Cập nhật lúc 13:51, Thứ Sáu, 11/05/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Sáng 11-5, tại thành phố Đồng Hới, đã diễn ra Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 20 (vòng III) với chủ đề “ Báo Đảng địa phương với việc tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT)” do Báo Quảng Bình đăng cai tổ chức. Tham dự hội thảo có các đồng chí Trương Minh Tuấn, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương; Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông. Về phía tỉnh Quảng Bình có các đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Văn Hoàn, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh. Tham dự hội thảo có các đồng chí nguyên là lãnh đạo các báo Đảng địa phương có sáng kiến tổ chức hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung và Tây Nguyên cùng 19 đoàn các báo Đảng trong khu vực.

>> Góp phần tích cực để thực hiện thắng lợi "Năm An toàn giao thông - 2012"

 

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: N.H
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: N.H

Mở đầu hội thảo, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và tỉnh Quảng Bình đã có các bài phát biểu chào mừng, chỉ đạo và tỏ ý tin tưởng rằng hội thảo sẽ rút được những kinh nghiệm, những bài học bổ ích trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền về TTATGT, góp phần cùng cả nước thực hiện tốt năm ATGT 2012.

Đề dẫn tại hội thảo do đồng chí Hoàng Minh Tiến, Tỉnh uỷ viên, Tổng Biên tập Báo Quảng Bình trình bày đã nêu rõ: “ Tại hội thảo này nhiệm vụ của chúng ta là lựa chọn nội dung phù hợp để bàn bạc trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm hay, hiệu quả trong công tác tuyên truyền về lĩnh vực ATGT” . Đề dẫn cũng đã  gợi mở những vấn đề cần quan tâm trong tuyên truyền như về văn hoá giao thông, nguy cơ TNGT từ cơ sở hạ tầng yếu kém, công tác quản lý nhà nước về giao thông có những bất cập...

Đã có 19 tham luận gửi tới hội thảo và trình bày tại hội thảo. Tham luận của các tỉnh đều nhấn mạnh trách nhiệm của báo Đảng địa phương trong việc tuyên truyền về TTATGT. Báo Quảng Ngãi đã nêu rõ “ Báo Đảng bộ địa phương là lực lượng xung kích không thể thiếu trong quá trình triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về “Công tác đảm bảo TTATGT”. Từ đó, các báo Khánh Hoá, báo Thanh Hoá, báo Quảng Bình...đã đề cập đến cách làm cụ thể để thực hiện nhiệm vụ trên, báo Bình Định cho rằng “Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng như Ban An toàn giao thông tỉnh, các ngành Công an, Giao thông- Vận tải là rất cần thiết khi định hướng tuyên truyền và cập nhật thông tin trên mặt báo”. Cùng với phối hợp thực hiện là tổ chức các trang báo, chuyên mục chuyên đề trên tờ báo của mình. Ngoài việc tuyên truyền cập nhật những thông tin nóng về TTATGT, các báo đã mở các chuyên đề, chuyên mục như báo Gia Lai mở chuyên mục “Hãy góp phần giảm thiểu TNGT”, “Ý kiến người dân”, hay “Ống kính phòng viên”... báo Quảng Nam có chuyên mục “Góc nhìn giao thông”; “Câu chuyện giao thông” của báo Nghệ An; báo Đà Nẵng có chuyện mục “Xây dựng nếp sống văn hoá- đô thị”...

Các báo đều thống nhất nội dung cần tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về TTATGT của Đảng và Nhà nước, các biện pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương bằng nhiều hình thức sinh động, cụ thể, thiết thực, tạo sự nhận thức sâu sắc trong cộng đồng và biến nhận thức thành hành động cụ thể. Báo Nghệ An chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các lĩnh vực ATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa... Công tác tuyên truyền phải theo đặc thù của từng loại hình giao thông để có cách tuyên truyền phù hợp. Báo Quảng Trị cho rằng trong lĩnh vực giao thông đường bộ, chú trọng tuyên truyền phòng chống uống rượu bia khi lái xe, đội mũ bảo hiểm, không chở vượt quá số người quy định, không lạng lách đánh võng, phải có thái độ nhường nhịn khi tham gia giao thông...

Các báo tập trung phân tích từ số liệu của cơ quan chức năng từng địa phương là tai nạn do ý thức chấp hành của người tham gia giao thông kém có tỷ lệ rất cao. Vì vậy đây được coi là một nội dung quan trọng cần tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Việc làm này không thể một sớm một chiều mà phải thực hiện theo phương châm “ Mưa dầm thấm lâu” (báo Quảng Bình, báo Phú Yên). Còn báo Bình Thuận lại khái quát: “Qua thực trạng về TNGT để thấy vấn đề cốt lõi, quyết định nhất là phải nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông và đạo đức của người tham gia giao thông, đặc biệt là người điều khiển phương tiện giao thông. Mà bao trùm là tập trung xây dựng văn hoá giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân, từ trẻ em đến người lớn, trong cán bộ, công chức...”

Cùng với nguyên nhân chủ quan ở con người, một nguyên nhân quan trọng khác mà các báo đã đề cập, đó là hạ tầng giao thông yếu kém. Báo Thanh Hoá cho rằng “ Với sự gia tăng đột biến của các loại phương tiên giao thông, trong khi mạng lưới giao thông còn nhiều bất cập, kết cấu chưa đồng bộ, kém về chất lượng...”. Đây là vấn đề cần được tập trung phân tích, để từ đó kiến nghị  các cơ quan chức năng trong việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, cũng như cảnh báo cho người tham gia giao thông ở một đoạn đường cụ thể, một “điểm đen” cụ thể. Là địa phương đang bùng nổ hoạt động du lịch, báo Bình Thuận đã chỉ ra những hạn chế trong giao thông đường bộ nội thành Phan Thiết, các điểm giao cắt giữa nội thành với Quốc lộ... Qua đó tỉnh đã đầu tư mở rộng nhiều tuyến đường, lắp đặt thêm đèn tín hiệu giao thông, đặt hàng rào ngăn cách ở các tuyến đường đông xe... nên đã giảm thiểu TNGT, bảo đảm an toàn cho khách du lịch, tạo thêm uy tín cho du lịch địa phương...

Vấn đề nữa được các báo quan tâm là làm thế nào để nâng cao chất lượng tuyên truyền về TTATGT.  Báo Bình Định cho rằng “Thông tin, tuyên truyền phải kịp thời, không chỉ đúng, trúng mà phải hay, đa dạng và hấp dẫn mới thu hút bạn đọc để góp phần nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông. Tuyên truyền về TTATGT không chỉ là con số tăng, giảm mà phải có những câu chuyện, số phận. Một bài báo ghi lại hoàn cảnh thương tâm từ một vụ tai nạn có nguyên nhân từ bia, rượu ắt hẳn có hiệu quả hơn bài viết chung chung về tác hại của bia, rượu khi tham gia giao thông”. Báo Đà Nẵng đã có loạt bài phóng sự, phóng sự điều tra phản ánh sinh động, sát thực về tình trạng các phương tiện “siêu tải” cày nát đường lại luồn lách, phóng nhanh vượt ẩu gây nhiều vụ tai nạn giao thông... tạo tiếng vang lớn, buộc cơ quan chức năng vào cuộc.Tuyên truyền phải kết hợp phê phán, xử lý nhưng cũng cần nêu gương, nhân rộng những cách làm hay...

Tuy nhiên, để có những bài viết hay, Báo Dak Lak cho rằng, các nhà báo phải nỗ lực nhiều hơn, tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực, kiến thức, đặc biệt là ý thức trách nhiệm với chuyên mục mà mình thực hiện...

Có thể khẳng định rằng, qua một ngày hội thảo các báo Đảng địa phương đã đúc rút được nhiều vấn đề có tính định hướng và cả những cách làm cụ thể trong công tác tuyên truyền về bảo đảm TTATGT trong thời gian tới. Các ý kiến chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là các kinh nghiệm của các báo bạn sẽ là giúp mỗi tờ báo có thêm sự phong phú, đa dạng trong tuyên truyền về TTATGT trên địa phương mình, góp phần cùng Đảng bộ địa phương thực hiện tốt “Năm an toàn giao thông 2012”.

Chiều nay hội thảo tiếp tục làm việc. Theo chương trình ngày 12-5 các đại biểu sẽ đi tham quan một số danh thắng ở Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, viếng các liệt sỹ trên đường 20 Quyết thắng.

                                                                                                                   V. P
 
 

,
.
.
.