.

Tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch Quảng Bình

.
16:12, Thứ Hai, 21/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 21-5, Sở Du lịch Quảng Bình phối hợp với Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch Quảng Bình. Tham dự có hơn 150 doanh nghiệp hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Bình và TP. Hồ Chí Minh.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Du lịch và hơn 150 doanh nghiệp của Quảng Bình và TP. Hồ Chí Minh.
Tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch Quảng Bình.

Quảng Bình và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương có nhiều lợi thế về phát triển du lịch. Tại Quảng Bình, chỉ tính riêng trong năm 2017, tổng số khách đạt 3,3 triệu lượt, tăng 70,9% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch đạt 3.706,3 tỷ đồng, tăng 64,7% so với cùng kỳ. Quảng Bình trở thành điểm đến hấp dẫn thứ 4 tại Việt Nam theo bình chọn của website du lịch lớn nhất thế giới Trip Advisor xếp trên Huế, Đà Nẵng, Hạ Long...; Tạp chí du lịch uy tín hàng đầu thế giới Lonely Planet xếp hạng Phong Nha-Kẻ Bàng ở vị trí thứ 2 chỉ sau Hội An trong danh sách 15 điểm đến đáng trải nghiệm nhất Việt Nam năm 2017. Quảng Bình được báo chí và chuyên gia quốc tế nhận định là Kinh đô du lịch mạo hiểm của Châu Á.

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước, nơi đón nhận và trung chuyển khách du lịch tại Việt Nam. Theo báo cáo của Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, năm 2017, TP. đã đón khoảng 6,4 triệu lượt khách quốc tế và 24,9 triệu lượt khách nội địa. Doanh thu năm 2017 của ngành du lịch ước đạt 115,9 nghìn tỷ đồng. TP. Hồ Chí Minh là trung tâm luân chuyển khách hàng đầu đến Quảng Bình mỗi năm, với tỷ lệ bình quân hơn 50% trong cơ cấu khách.

Trong chuyến khảo sát kéo dài từ ngày 19 đến 21-5, đại diện Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cùng 40 doanh nghiệp lữ hành và các cơ quan thông tấn báo chí đã đến tham quan, khảo sát một số địa điểm du lịch nổi bật tại Quảng Bình.

Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều ý kiến đóng góp để phát triển, hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ du lịch Quảng Bình; đề xuất các giải pháp tăng cường kết nối, phát triển các sản phẩm du lịch giữa hai địa phương. Trong đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống của địa phương, chú trọng đẩy mạnh các hoạt động truyền thống, quảng bá du lịch...

Nhân sự kiện này, các doanh nghiệp hai địa phương đã trao đổi, liên kết, tìm kiếm cơ hội hợp tác và ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ.

Diệu Hương

,