.

Kình ngư trẻ bên dòng Nhật Lệ

Thứ Ba, 30/05/2017, 08:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại Giải vô địch bơi, lặn các nhóm tuổi toàn quốc năm 2017 vừa được tổ chức tại thành phố Đồng Hới, đội tuyển lặn Quảng Bình xếp thứ 4 toàn đoàn với 5 HCV, 2 HCB và 5 HCĐ. Trong đó, cả 5 HCV đều thuộc về VĐV Phan Văn Tuân - kình ngư trẻ bên dòng Nhật Lệ.

Khi có ý định viết về VĐV Phan Văn Tuân, cậu bé quê ở thôn Giao Tế (Đức Ninh, Đồng Hới), tôi khá e dè. Vì với độ tuổi của em, đôi khi những lời ca tụng có thể khiến Tuân “ngủ quên trên chiến thắng” mà sự nghiệp thể thao của em mới chỉ bắt đầu. Nhưng, trong cách nói chuyện của cậu bé tuổi 17 ấy cùng với niềm tin trọn vẹn mà bố mẹ trao cho em, đủ thấy Phan Văn Tuân có một nghị lực và quyết tâm sắt đá mà hiếm ai có được. Xa gia đình và bắt đầu cuộc sống từ lập từ năm 10 tuổi, vậy là trọn vẹn 7 năm không có người thân ở bên, rồi vào Nam, ra Bắc, quãng thời gian dài đằng đẵng cùng khoảng cách địa lý cách trở đủ sức mài dũa ý chí, sự quyết tâm cho Tuân.

VĐV trẻ Phan Văn Tuân.
VĐV trẻ Phan Văn Tuân.

Trong câu chuyện ngay sau buổi thi đấu cuối cùng của Giải vô địch bơi, lặn các nhóm tuổi toàn quốc năm 2017, niềm hạnh phúc và tự hào vẫn còn in đậm trên gương mặt rất trẻ của em và vương trên ánh mắt lấp lánh của đấng sinh thành.

Bố em, ông Phan Văn Phước chia sẻ rằng, vì gia đình không có ai theo nghiệp thể thao nên ngày trước, ông chưa một lần nghĩ rằng đứa con trai cả có phần yếu ớt của mình về sau sẽ là một VĐV. Lên 9 tuổi, ông cho con theo học bơi tại Bể bơi tổng hợp tỉnh chỉ với mong muốn đơn giản sẽ trang bị cho em kỹ năng bơi an toàn. Nhưng nhận thấy năng khiếu bẩm sinh từ cậu bé ấy, các HLV tại đây đã động viên gia đình cho em tham gia huấn luyện. Vậy là quãng thời gian xa gia đình để theo đuổi sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp của cậu bé Phan Văn Tuân bắt đầu từ ngày ấy. Tuân trở thành hạt giống nhiều hứa hẹn của đội tuyển lặn Quảng Bình.

Buổi ban đầu, em còn háo hức lắm khi được đặt chân đến Đà Nẵng huấn luyện, nhưng niềm vui con trẻ dần thay thế bằng nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ đến quay quắt. Tuân bảo, ngày đó và kể cả bây giờ, mỗi lần nhớ nhà, em đều trốn lên tầng để tránh ánh mắt trêu đùa của bạn bè rồi cứ thế, thỏa sức khóc thật to. Từ sự bảo bọc của bố mẹ, 10 tuổi, cậu bé đã phải tự lập trong tất cả mọi sinh hoạt. Bảy năm trời là cả một quãng thời gian dài, nhất là với sự khổ luyện đầy nhọc nhằn, vất vả.

“Vợ chồng tôi vẫn biết, nhiều lúc cháu buồn và nản lắm, nhất là quá trình tập luyện quá vất vả. Cũng đã có lần, cháu buồn và bỏ về nhà nhưng rồi gia đình lại động viên, cùng với sự quan tâm của các thầy cô HLV và nhất là sự quyết tâm của chính bản thân cháu, Tuân lại quay trở vô Đà Nẵng, tiếp tục tập luyện”, ông Phan Văn Phước chia sẻ.

Vượt qua những lực cản ấy, cậu bé kình ngư bên dòng Nhật Lệ Phan Văn Tuân đã nỗ lực hết mình, chăm chỉ tập luyện với một quyết tâm duy nhất: mang thành tích về cho đoàn thể thao tỉnh nhà. Bảng vàng thành tích của em ngày càng dày thêm với hàng loạt các huy chương “thu hoạch” được từ những giải đấu khu vực và toàn quốc.

Tại Giải bơi, lặn vô địch quốc gia năm 2016, Phan Văn Tuân mang về cho đoàn thể thao Quảng Bình 1 HCB và 1HCĐ. Cũng trong năm đó, tại Giải bơi, lặn vô địch trẻ quốc gia, em lại xuất sắc giành được 3 HCV và 2 HCĐ.

Mới đây nhất, Phan Văn Tuân đã không phụ lòng gia đình, bạn bè và cả những cổ động viên nhiệt thành ngay trên quê hương mình khi em đạt 5 HCV ở các nội dung lặn lứa tuổi 16 - 17, phá kỷ lục bản thân đã đạt được tại giải đấu này năm 2016. Đúng như lời Tuân nói, những kết quả cậu bé gặt hái được tại giải đấu lần này có công rất lớn từ sự động viên, khích lệ của các cổ động viên ngay trên khán đài. Tại nội dung lặn 1.500 mét vòi hơi chân vịt, lứa tuổi 16 - 17, khi chiến thắng tưởng chừng đã thuộc về VĐV Nguyễn Đặng Nam Hiếu (Phú Thọ) thì Phan Văn Tuân đã có sự bứt phá ngoạn mục ở vòng đua cuối và vươn lên giành HCV với thành tích 13 phút 36 giây.

Chia sẻ về thành tích này của mình, cậu bé chân tình: “Trên đường đua, em luôn nghĩ mình phải cố gắng hết sức có thể để mang huy chương về cho Quảng Bình. Và quan trọng hơn cả, em biết, ngay trên khán đài là bố mẹ, bạn bè và rất đông họ hàng đang dõi theo, động viên, cổ vũ cho em. Dù tập trung thi đấu, nhưng em vẫn nghe rất rõ tiếng cổ vũ của bố mẹ em hét to trên khán đài. Lúc đó em chỉ nghĩ được một điều duy nhất là mình không thể phụ lòng họ”.

Sau những ngày thi đấu căng thẳng, Tuân được trở về thăm nhà trong thời gian ngắn ngủi rồi lại tiếp tục lên đường quay trở vào huấn luyện tại thành phố Đà Nẵng. Hiện Tuân vừa tập luyện vừa theo học chương trình văn hóa lớp 10. Một ngày của em khá bận rộn với lịch tập luyện và lịch học dày đặc. Mỗi tuần em chỉ được nghỉ một ngày và mỗi năm cũng chỉ về thăm nhà một lần vào dịp Tết Nguyên đán. Thời gian và khoảng cách luôn thử thách lòng người, với cậu bé Phan Văn Tuân, điều đó càng đúng hơn khi càng nhớ nhà, càng vất vả, cậu bé càng có động lực để vươn lên. Đánh giá về Tuân, HLV Trần Phương Diện - người trực tiếp huấn luyện cho em suốt 4 năm qua, khẳng định: “Giải đấu lần này, Phan Văn Tuân đã thể hiện rất xuất sắc. Em là vận động viên trẻ của đội tuyển lặn Quảng Bình và sẽ là VĐV kế cận nhiều hứa hẹn trong tương lai”.

Những thành tích mà Phan Văn Tuân đạt được cũng mới chỉ bắt đầu và em còn cả một chặng đường dài phía trước để bước đi. Những trải nghiệm trong những năm xa nhà đủ để cho cậu bé ấy hiểu rằng nghề thể thao cũng lắm chênh vênh, “lên đỉnh nghiệp, xuống đáy đời” là chuyện bình thường. Hôm nay tỏa sáng trên đỉnh cao của sự nghiệp nhưng nay mai giải nghệ, có thể phải chật vật với cuộc mưu sinh. Nhưng Tuân khẳng định chắc nịch rằng đến khi nào còn được thi đấu thì em còn nỗ lực hết mình vì quê hương và vì những ai đã luôn tin tưởng, yêu mến em.

Diệu Hương