.
Kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành Thể dục Thể thao Việt Nam (27-3-1946- 27-3-2016)

"Phát huy truyền thống vẻ vang, ngành Thể thao Quảng Bình luôn nỗ lực để không ngừng phát triển"

Thứ Tư, 23/03/2016, 09:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Đồng chí Lê Văn Xuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quảng Bình.

- PV: Xin đồng chí cho biết vài nét về lịch sử ra đời của Ngày truyền thống ngành Thể dục thể thao (TDTT) Việt Nam?

- Đồng chí Lê Văn Xuân: Cùng với sự phát triển của lịch sử dân tộc, nền TDTT cách mạng Việt Nam được hình thành và phát triển trong 70 năm qua. Mặc dù phải trải qua nhiều gian khổ, chịu nhiều mất mát hy sinh, nhưng được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, TDTT đã trở thành một bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng và phát triển thành phong trào quần chúng rộng lớn, mở ra mối quan hệ giao lưu, hội nhập bạn bè quốc tế, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Cách đây 70 năm, khi đất nước giành được độc lập chưa tròn một năm, cách mạng Việt Nam còn gặp muôn vàn khó khăn, cùng một lúc phải chống ba loại giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, vận mệnh đất nước như ngàn cân treo sợi tóc, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng với tầm nhìn xa của một lãnh tụ thiên tài, ngày 27-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Nha Thanh niên và Thể thao thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục, trong đó có Phòng TDTT Trung ương- tiền thân của tổ chức TDTT ngày nay, chính thức khai sinh nền TDTT cách mạng.

Cùng ngày, trên báo Cứu quốc, Cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh đã công bố lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Hồ Chủ tịch. Với câu văn ngắn gọn, súc tích, lời lẽ giản dị, tha thiết, Bác đã nêu cao tư tưởng, mục tiêu hành động của TDTT cách mạng. Bác viết: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, xây đời sống mới, việc gì cũng có sức khỏe mới thành công. Mỗi người dân yếu ớt tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần, mỗi người dân mạnh khỏe tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe”, “Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước” và “Dân cường thì nước thịnh, tôi mong đồng bào ai cũng tập thể dục, tự tôi ngày nào cũng tập”. Quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo đó, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, của Bác Hồ, được sự ủng hộ của nhân dân, ngành TDTT Việt Nam, trong đó có thể thao Quảng Bình đã từng bước đi lên và ngày càng phát triển.

- PV:  Được biết, thời kỳ chiến tranh ác liệt, Quảng Bình không chỉ sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi mà còn là nơi có phong trào TDTT mạnh. Đồng chí có thể nói về những thành tích của ngành TDTT Quảng Bình thời kỳ hào hùng đó?

- Đồng chí Lê Văn Xuân: Gắn chặt với những thành quả to lớn của Đảng và nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, TDTT nước ta nói chung, TDTT tỉnh ta nói riêng đã gắn mình vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng, sống còn của cách mạng.

Các phong trào “Khỏe vì nước” (thời kỳ chống Pháp), “Chạy, nhảy, bơi, bắn, võ”, “Luyện vai trăm cân, chân ngàn dặm” (thời kỳ chống Mỹ) đã được nhân dân ta, đặc biệt là lực lượng vũ trang tích cực hưởng ứng. Nổi lên nhiều đơn vị điển hình TDTT như xã An Thủy (Lệ Thủy), làng chạy Đồng Trạch (Bố Trạch), Quảng Phú (Quảng Trạch), làng bơi Bảo Ninh (Thành phố Đồng Hới), phong trào TDTT của thanh niên, dân quân tự vệ của Võ Ninh (Quảng Ninh)... Cũng từ phong trào TDTT đó đã hình thành nhiều đoàn thể thao Quảng Bình thi đấu đạt giải cao như: Đoàn VĐV bơi lội, chạy việt dã, bóng chuyền, 5 môn phối hợp đạt giải nhất, nhì toàn miền Bắc. Thời kỳ này xuất hiện nhiều kiện tướng, VĐV ưu tú như Trương Ngư, Trương Ngọc Thành, Hồ Tiến Quốc (bơi lội) Hoàng Minh Phước, Dương Thị Cầm (điền kinh), Nguyễn Thị Kim Tuyến, Đoàn Thị Soa (Bắn súng)... làm rạng danh đất lửa Quảng Bình.

Năm 1975, nước nhà thống nhất, sự nghiệp TDTT có thêm nguồn lực mới để phát triển toàn diện. Năm 1976, sát nhập 3 tỉnh Bình Trị Thiên, 13 năm chung lưng đấu cật, TDTT Bình Trị Thiên tỉnh luôn đoàn kết xây dựng phong trào. Bảo Ninh (Đồng Hới), An Thủy (Lệ Thủy) được phong tặng là xã Yết Kiêu, Nông trường Việt Trung, Xí nghiệp Dược Quảng Bình là những nơi có phong trào TDTT tốt nhất trong lực lượng CNVC. Nhiều tài năng bơi lội như Nguyễn Văn Thỉ, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Sáng, Hoàng Quang Minh, Hoàng Thị Thanh, Trần Thị Kiều của Quảng Bình là những VĐV kiện tướng quốc gia đã mang về cho quê hương nhiều tấm huy chương vàng quý giá.

Lễ khai mạc Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ VII
Lễ khai mạc Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ VII

- PV: Trong công cuộc đổi mới, phong trào TDTT tỉnh ta có những tiến bộ gì?

- Đồng chí Lê Văn Xuân: Năm 1989, Quảng Bình trở lại địa giới cũ. Phát huy truyền thống quê hương "Hai giỏi", được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự đồng lòng đồng sức của các cấp các ngành, sự nỗ lực cố gắng vượt lên mọi khó khăn của đội ngũ cán bộ, HLV, VĐV đã đưa sự nghiệp TDTT Quảng Bình giành nhiều thành tựu mới.

Thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác TDTT trong thời kỳ mới, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, thể thao Quảng Bình đã từng bước đi lên và ngày càng phát triển.

Ngoài các phong trào thể thao quần chúng phát triển rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, trong hệ thống trường học, lực lượng vũ trang, đoàn thể xã hội, phong trào thể thao đã thu hút đông đảo thanh niên, thiếu niên, các bậc cao tuổi... Cơ sở vật chất tập luyện TDTT ngày càng được củng cố, tăng cường. Ở tỉnh đã có nhà thi đấu quần vợt, sân vận động 12.000 chỗ ngồi. Hiện đại nhất là công trình bể bơi tổng hợp, quà tặng của Thủ tướng Chính phủ, được đưa vào sử dụng hiệu quả, phục vụ cho thanh thiếu nhi, quần chúng nhân dân, lực lượng VĐV bơi lội tỉnh nhà tập luyện, thi đấu.

Từ năm 2002 đến năm 2006, sau khi tổ chức thành công Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ IV và lần thứ V, phong trào chuyển biến mạnh. Hằng năm, tỷ lệ người tham gia tập luyện thể thao thường xuyên tăng từ 3%- 5%/năm. Số cuộc thi đấu từ cơ sở đến toàn tỉnh đạt từ 950 đến 1.200 cuộc/năm. Có 239 CLB, 1.696 điểm tập luyện. Số đội tuyển thể thao từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh tăng lên 320 đội. Phong trào phát triển không những về số lượng người tập mà còn phát triển cả về số lượng các môn thể thao.

Ngày trở lại địa giới, cả tỉnh mới chỉ có 10 môn thể thao, đến nay đã có trên 20 môn thể thao. Đáng mừng là các môn thể thao dân tộc cổ truyền được quan tâm như đua thuyền truyền thống, cướp cù, cờ tướng, cờ người, kéo co, vật, võ vovinam... Thể thao thành tích cao tham gia thi đấu toàn quốc và quốc tế gặt hái nhiều thành tích. Từ năm 2003 đến năm 2015, bình quân đạt được 150 đến 230 huy chương các loại, trong đó có nhiều HCV. Nhiều VĐV thể thao xuất sắc của Quảng Bình được tham gia đội tuyển thể thao quốc gia, thi đấu quốc tế mang vinh quang về cho quê hương và Tổ quốc.

- PV: Từ năm 2008, sau khi thực hiện Nghị định 13 của Chính phủ, Quyết định 529 của UBND tỉnh, ngành TDTT Quảng Bình có những thành tựu mới gì?

- Đồng chí Lê Văn Xuân: Tháng 4-2008, chấp hành chỉ thị cấp trên, sau khi hợp nhất với ngành Văn hóa, tiếp nhận chức năng du lịch từ Sở Thương mại Du lịch, tiếp nhận chức năng gia đình từ Ủy ban Dân số - kế hoạch hóa gia đình thành Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở, sự đoàn kết nhất trí cao của toàn ngành, phong trào TDTT tiếp tục duy trì và phát triển mạnh mẽ.

Năm 2009-2010, ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã triển khai kế hoạch chuẩn bị tốt công tác tổ chức Đại hội TDTT lần thứ VI. Đồng thời tích cực đào tạo, huấn luyện lực lượng VĐV thành tích cao để tham gia thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI với mục tiêu cải thiện vị thế của thể thao Quảng Bình trong bảng tổng sắp của thể thao cả nước. Bằng nghị lực và quyết tâm cao, trong điều kiện tỉnh nhà còn nhiều khó khăn về ngân sách, nhưng với những bước đi thích hợp, biết xác định được thế mạnh để đầu tư có trọng tâm cùng sự hỗ trợ tích cực của các trung tâm đào tạo Quốc gia, đoàn VĐV Quảng Bình đã xuất sắc giành được 25 huy chương các loại, trong đó có 12 HCV, đưa vị thế của thể thao Quảng Bình từ vị trí 33/66 địa phương tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V, năm 2006, lên vị trí thứ 13/66 tỉnh, thành tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI, năm 2010.

Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngân sách đầu tư cho thể thao thành tích cao được nâng lên đáng kể. Đội ngũ cán bộ HLV, VĐV thể thao Quảng Bình được củng cố với phương châm “Ý chí, kỷ luật, khổ luyện, sáng tạo” với nhiều giải pháp tích cực để có lực lượng mạnh tham gia đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, năm 2014. Tuy nhiên, do có sự đổi mới trong điều lệ bất lợi cho thể thao thành tích cao các tỉnh nhỏ, kinh tế còn khó khăn, nên đoàn VĐV Quảng Bình chỉ giành được 25 huy chương các loại, trong đó có 10 HCV, 7 HCB, 8 HCĐ xếp thứ 20/65 tỉnh, thành, ngành. Cũng trong năm 2013- 2014, đại hội TDTT từ cơ sở đến toàn tỉnh đã được tổ chức nghiêm túc. Đại hội TDTT toàn tỉnh thi đấu 12 môn, huy động hàng nghìn VĐV tham gia thi đấu. Đặc biệt là lễ khai mạc Đại hội TDTT toàn tỉnh kết hợp với đại lễ Kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình được diễn ra hoành tráng, huy động hàng vạn người tham gia với nhiều nội dung hấp dẫn, đẹp mắt để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Quảng Bình cũng như bạn bè cả nước. Đây được xem là một trong những kỳ đại hội TDTT toàn tỉnh có lễ khai mạc ấn tượng nhất từ trước tới nay.

Nhìn lại chặng đường 70 năm hình thành và phát triển của TDTT tỉnh, chúng ta vô cùng tự hào và không khỏi bồi hồi xúc động tưởng nhớ đến công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc, Người đã khai sinh ra nền TDTT cách mạng. Và cũng không thể quên công lao to lớn của những người đặt nền móng cho TDTT tỉnh trong những năm tháng gian khổ khó khăn của đất nước. Các thế hệ hậu sinh nguyện viết tiếp trang sử vẻ vang mà thế hệ cha anh đã để lại. Một yếu tố hết sức quan trọng không thể tách rời sự nghiệp TDTT Quảng Bình là sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh qua các thời kỳ, sự phối hợp giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của đông đảo quần chúng nhân dân. Là những người làm công tác TDTT, chúng ta luôn tri ân công lao, sự quan tâm và sự ủng hộ quý giá này để nỗ lực phấn đấu đưa sự nghiệp TDTT tỉnh không ngừng phát triển đi lên, góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đào tạo con người, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước nói chung, quê hương Quảng Bình nói riêng.

- PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi nhiều ý nghĩa này.

Phan Hòa (Thực hiện)