.
Kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành Thể dục Thể thao Việt Nam (27-3-1946 - 27-3-2016):

Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Tấm gương sáng về rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại

Thứ Tư, 23/03/2016, 16:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò gần gũi và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, không chỉ là vị tướng huyền thoại văn võ song toàn mà còn là tấm gương sáng về rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại.

 

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường xuyên rèn luyện TDTT.
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường xuyên   rèn luyện TDTT.

Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, tháng 12 năm 2014, chúng tôi gặp ông Nguyễn Chấn Hưng, từng làm công tác huấn luyện bơi lội tại CLB bơi lội Quân đội. Ông xúc động kể lại cho chúng tôi nghe những kỷ niệm sâu sắc về tấm gương rèn luyện sức khỏe của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng rất ham thích môn bơi lội, thường xuyên luyện tập tại CLB bơi lội Quân đội. Trừ thời gian công tác đặc biệt, lịch bơi của Đại tướng rất đều đặn, không vi phạm vào giờ làm việc. Đại tướng bơi rất giỏi. Có lần nghỉ dưỡng tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Đại tướng bơi ra xa bờ, anh em bảo vệ vốn trẻ khỏe như thế vẫn không bơi theo kịp.

Đại tướng thường dậy từ lúc 5 giờ sáng, đi bộ tập thở, tập thiền rồi mới ăn sáng. Ngay chế độ dinh dưỡng cũng rất đều đặn và khoa học. Đại tướng từng khuyên: Cần phải nạp năng lượng mỗi ngày. Nó đặc biệt cần thiết với người lao động trí óc.

Riêng lĩnh vực TDTT, Đại tướng thích nhiều môn thể thao. Thói quen này đã giúp Đại tướng khoẻ mạnh. Sức khỏe đã giúp Đại tướng có cường độ làm việc phi thường. Đại tướng cũng là nhà quân sự thiên tài có tuổi thọ cao nhất trong số những nhà quân sự lỗi lạc của lịch sử quân sự thế giới từ cổ chí kim.

Theo hồi ức của nhiều chính khách, khi còn giữ trọng trách Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm phát triển thể thao trong quân đội.

Đại tướng có tầm nhìn chiến lược trong việc quan tâm hoạch định kế hoạch phát triển các môn thể thao thành tích cao phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, chú trọng phong trào thể thao quần chúng. Ngay từ khi quân đội còn non trẻ, Đoàn công tác TDTT quân đội đã được thành lập, sau đó lần lượt ra đời các đội bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, thể dục dụng cụ, 3 môn thể dục dụng cụ, bắn súng, bơi lội...

Đặc biệt, ngay từ rất sớm, quân đội ta đã có các đội tuyển thể thao phục vụ quốc phòng. Nhiều đội tuyển của quân đội ta đã sớm xuất ngoại tham gia thi đấu thành công các giải thể thao quốc tế do quân đội các nước trong khối XHCN tổ chức. Đội bóng đá CLB quân đội mang tên Thể Công lừng lẫy một thời cũng được ra đời sớm.    

Đại tướng cũng là người luôn quan tâm theo dõi động viên các môn thể thao truyền thống của quê hương Quảng Bình. Nhiều lần về thăm quê, Đại tướng đã trực tiếp xem lễ hội đua thuyền trên dòng sông Kiến Giang. Ánh mắt dõi theo của Đại tướng là niềm khích lệ động viên lớn cho môn thể thao giàu truyền thống. Những bức ảnh chụp được còn lưu mãi hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại lễ hội đua thuyền Lệ Thủy năm nào.

Người về thăm quê dù bận trăm công nghìn việc vẫn dành nhiều thời gian để theo dõi, động viên những cuộc đua bơi trên quê hương. Trở thành biểu tượng khắc tạc vào lịch sử thể thao tỉnh nhà là hình ảnh Đại tướng ngồi trên ca nô để theo dõi lễ hội bơi trải Lệ Thủy trước sự chứng kiến của hàng vạn người dân.

Năm tháng trôi qua, nhưng những gì mà Đại tướng đã để lại cho nền thể thao và tấm gương rèn luyện thân thể của Đại tướng là biểu tượng sáng ngời của tinh hoa thượng võ của dân tộc Việt Nam, thể hiện niềm say mê TDTT của con người quê hương Quảng Bình. Đó là bài học quý giá để mọi thế hệ người Việt Nam noi theo.

Phan Hòa