.

Nơi gìn giữ vốn quý của nền võ học dân tộc

Thứ Năm, 19/11/2015, 10:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm năm qua, kể từ ngày thành lập, ngoài sự hỗ trợ giúp đỡ của các ban, ngành chức năng, Hội Võ thuật cổ truyền (VTCT) tỉnh Quảng Bình là nơi tập hợp những con người tâm huyết với mong muốn đưa VTCT tỉnh ngày càng phát triển đến với người dân, đồng thời đóng góp vào sự nghiệp TDTT của tỉnh nhà.

Theo đó, các thành viên của Hội đã tích cực tuyên truyền đường lối, quan điểm công tác TDTT của Đảng và Nhà nước, đồng thời tăng cường tuyên truyền các lợi ích của việc luyện tập TDTT, võ thuật đối với sức khỏe, tinh thần đến hội viên và nhân dân.

Không ngừng củng cố phát triển số lượng, chất lượng của các môn phái, câu lạc bộ (CLB), đến nay, Hội VTCT tỉnh có gần 100 huấn luyện viên (HLV), hướng dẫn viên, 1.000 hội viên, 35 CLB và môn phái tham gia với gần 2.000 võ sinh theo tập mỗi ngày. Nhiều môn phái, CLB đã phát triển chi nhánh ra các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đặc biệt đã truyền bá VTCT đến các tỉnh như: Thanh Hóa, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Bên cạnh việc rèn luyện võ thuật tăng cường sức khỏe, Hội đã quan tâm chỉ đạo các thành viên giáo dục tinh thần thượng võ cho các võ sinh, học viên, qua đó đã tạo sức lan toả thu hút nhiều đối tượng tham gia nhằm mang lại những kiến thức bổ ích về các môn phái võ thuật của dân tộc.

Hoạt động thi đấu và biểu diễn võ thuật cổ truyền
Hoạt động thi đấu và biểu diễn võ thuật cổ truyền

Việc nâng cao chất lượng công tác chuyên môn cho đội ngũ võ sư, HLV, trọng tài và vận động viên (VĐV) đã được Hội quan tâm và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong quá trình hoạt động của mình. Do vậy, đã có hàng chục lượt võ sư, HLV tham gia các lớp tập huấn chuyên môn do Liên đoàn VTCT Việt Nam tổ chức; tập huấn các bài quyền quy định của Liên đoàn cho các học viên thuộc Hội và thành lập Hội đồng tuyển chọn VĐV thi đấu các giải do Liên đoàn tổ chức... Bên cạnh đó, các môn phái như Bạch Hổ Lâm, Võ Kinh Vạn An, Thiếu Lâm Mai Hản, các võ đường Hoàng Minh, Lệ Giang... đã tích cực quan tâm đầu tư công tác chuyên môn, nâng cao năng lực đào tạo, công tác tập huấn cho đội ngũ võ sư, HLV trung-cao cấp. Ngoài ra, hàng năm Hội đã mời các võ sư có uy tín cấp Liên đoàn về tập huấn chuyên môn, bao gồm võ thuật, dưỡng sinh, y học... cho các hội viên, góp phần gìn giữ những vốn quý của nền võ học dân tộc.

Trao đổi với chúng tôi, võ sư Trần Đình Nghĩ, Chủ tịch Hội VTCT tỉnh cho biết, nhằm nâng cao chuyên môn nhiều võ sư thuộc Hội đã không ngừng cập nhật các kiến thức võ học mới cũng như nghiên cứu áp dụng phương pháp khoa học trong giảng dạy, luyện tập, sáng tạo trong biễu diễn... để làm phong phú, sâu sắc hơn nền võ học của tỉnh Quảng Bình nói riêng, võ dân tộc nói chung.

Đến nay, Hội đã có 8 võ sư cấp 18; 8 HLV cấp 17; 50 HLV trung cấp 15, 16; 2 VĐV cấp kiện tướng; 3 VĐV cấp 1 Quốc gia. Với số lượng võ sinh đông đảo và chất lượng, Hội đã tăng cường phối hợp với các ban, ngành chủ quản, chủ động cử nhiều đoàn VĐV, HLV, trọng tài tham gia các giải thi đấu của quốc gia và trong khu vực đạt nhiều thành tích cao. Cụ thể, trong nhiệm kỳ qua, các đoàn VĐV của Hội đã giành được 75 huy chương các loại, đặc biệt VTCT Quảng Bình được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào hệ thống nội dung của Đại hội TDTT tỉnh nhà. Bên cạnh đó, nhằm quảng bá hình ảnh của VTCT, Hội đã tổ chức nhiều liên hoan VTCT ở các địa phương được các ban, ngành chức năng đánh giá cao, đồng thời thu hút hàng ngàn lượt người hâm mộ đến xem và cổ vũ.

Tuy đã đạt được một số thành quả đáng ghi nhận trong việc phát huy, gìn giữ các môn võ thuật của dân tộc, nhưng Hội VTCT tỉnh vẫn không tránh khỏi những hạn chế trong quá trình hoạt động của mình. Đó là, đội ngũ võ sư, trọng tài quốc gia chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hội; VĐV có trình độ cao thi đấu tại các giải quốc gia vẫn còn ít, thiếu tính bền vững; việc phối hợp với các ban, ngành chức năng nhằm phát triển VTCT vào hệ thống trường học vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Là một trong những Hội có số lượng hội viên danh dự đông đảo, thành phần trí thức nhiều, có tâm huyết, thực sự yêu thích và mong muốn đóng góp vào sự phát triển Hội nói riêng, VTCT nói chung, nhưng Hội chưa có kế hoạch mang tính ổn định để tạo điều kiện cho lực lượng này tham gia đóng góp nhằm nâng cao uy tín, trình độ, năng lực chuyên môn của Hội...

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, Hội sẽ tập trung phát triển phong trào võ thuật tại các địa phương, phấn đấu đưa VTCT vào một số trường học trong tỉnh; nâng cao chất lượng tập luyện, đội ngũ HLV, VĐV; đầu tư cơ sở vật chất của các môn phái, CLB; từng bước bảo tồn và phát triển tinh hoa của võ học dân tộc, của môn phái kết hợp nghiên cứu áp dụng phương pháp khoa học trong giảng dạy, luyện tập; tích cực tham gia hưởng ứng các ngày lễ lớn của đất nước, hoạt động từ thiện xã hội, TDTT của địa phương, võ sư Trần Đình Nghĩ cho hay.

M.Văn