.

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, thực hiện sớm, hiệu quả cao

.
08:06, Thứ Ba, 26/06/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc được triển khai trong nhiều năm qua ở Việt Nam. Tại tỉnh ta, chương trình đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Để giúp người dân hiểu rõ hơn về các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Anh Đông, Phó Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh về những nội dung chính của chương trình.
Dịch vụ xét nghiệm HIV tự nguyện ở Trung tâm phòng chống HIV/AIDS ngày càng thu hút nhiều đối tượng tham gia
Dịch vụ xét nghiệm HIV tự nguyện ở Trung tâm phòng chống HIV/AIDS ngày càng thu hút nhiều đối tượng tham gia
P.V: Xin bác sĩ cho biết những lợi ích của việc thực hiện dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con?
 
- Bác sĩ Nguyễn Anh Đông: Lây truyền HIV từ mẹ sang con là sự lây truyền vi rút HIV từ người mẹ bị nhiễm HIV sang con trong suốt thời kỳ mang thai, lúc sinh, hoặc trong thời gian cho con bú. Người mẹ bị nhiễm HIV nếu không thực hiện các biện pháp dự phòng thì nguy cơ lây truyền HIV cho con chiếm khoảng  25 - 40%. Lây truyền HIV từ mẹ sang con là 1 trong 3 con đường chính (quan hệ tình dục không an toàn, qua đường máu bằng việc tiêm chích ma túy) làm gia tăng tỷ lệ người nhiễm HIV. Tuy nhiên, nếu thực hiện hiệu quả công tác can thiệp dự phòng thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chỉ còn khoảng 2 - 6%, thậm chí thấp hơn. Như vậy, dự phòng sớm, điều trị đúng phác đồ có thể loại trừ được lây truyền HIV từ mẹ sang con. Điều này đồng nghĩa với việc người phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh.
 
P.V: Vậy tỉnh ta đã thực hiện chương trình trên như thế nào thưa bác sĩ?
 
- Bác sĩ Nguyễn Anh Đông: Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được ngành Y tế tỉnh ta được triển khai và thực hiện thường xuyên theo kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS hàng năm và đẩy mạnh vào tháng 6 (tháng cao điểm) với nhiều hoạt động, trong đó tập trung vào công tác truyền thông nhằm cung cấp cho người dân những thông tin cần thiết của chương trình để thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham gia. Hiện nay, chương trình này đang đ­ược triển khai mở rộng trong toàn tỉnh, chú trọng vào các nội dung, như: đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, bản thân người nhiễm HIV cùng người nhà của họ tham gia vào những hoạt động hỗ trợ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em nhiễm HIV tại cộng đồng.
 
Đồng thời, chương trình còn chú trọng đến các hoạt động dự phòng sớm nhằm phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, trong đó tập trung vào việc vận động thực hiện hành vi tình dục an toàn, khuyến khích xét nghiệm HIV trước khi kết hôn cho cả nam và nữ, tư vấn cho phụ nữ khi mang thai và trước khi sinh tự nguyện xét nghiệm HIV, tăng cường quản lý thai sớm để phát hiện nguy cơ và điều trị sớm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con... Những phụ nữ nhiễm HIV mang thai khi tham gia chương trình này sẽ được bác sĩ tư vấn các biện pháp bảo vệ sức khỏe, chăm sóc thai nghén. Với các gói dịch vụ dự phòng, bao gồm dịch vụ chăm sóc, điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV), thực hành sản khoa an toàn…, phụ nữ nhiễm HIV sẽ được hỗ trợ trong suốt quá trình mang thai, sinh con. Mặt khác, cán bộ y tế luôn theo dõi sức khỏe, cung cấp cho bà mẹ nhiễm HIV những kiến thức cơ bản trong nuôi dưỡng trẻ sơ sinh.
 
Theo số liệu quản lý được, từ khi triển khai thực hiện chương trình này, đã có 20 phụ nữ mang thai nhiễm HIV tham gia. Sau quá trình điều trị dự phòng đã có 19 đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh (1 trường hợp do tham gia điều trị quá muộn nên không có kết quả như mong đợi). Từ đầu năm đến nay, đã có hai trường hợp tham gia điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và kết quả sau khi được can thiệp dự phòng là các bà mẹ đã sinh con khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
 
P.V: Đây là một chương trình rất đậm tính nhân văn, vậy theo bác sĩ phải làm gì để đẩy mạnh chương trình này?
 
- Bác sĩ Nguyễn Anh Đông: Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ song việc triển khai thực hiện chương trình vẫn còn tồn tại không ít khó khăn. Thực tế là một số người nhiễm HIV chưa mạnh dạn công khai tình trạng bản thân để tham gia các dịch vụ chăm sóc, điều trị do sợ sự kỳ thị phân biệt đối xử của cộng đồng. Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác truyền thông dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chống phân biệt kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS nói chung và trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV nói riêng là điều hết sức cần thiết.
 
Để nâng cao hiệu quả của chương trình, những năm qua, chúng tôi luôn tăng cường việc cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai… và cung cấp các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các cơ sở sản khoa để phụ nữ mang thai nhiễm HIV dễ tiếp cận. Mặt khác, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với những cơ sở sản khoa và cơ sở y tế để phát hiện sớm nhằm tư vấn sức khỏe cũng như thực hiện các biện pháp can thiệp kịp thời cho người mẹ và những đứa trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV.
 
P.V: Khi có nhu cầu, người dân cần đến những cơ sở y tế nào để tham gia chương trình, thưa bác sĩ?
 
- Bác sĩ Nguyễn Anh Đông: Đến nay, hầu hết các cơ sở y tế công lập trong tỉnh đều triển khai xét nghiệm sàng lọc HIV, song chỉ có Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS được Bộ Y tế cấp phép xét nghiệm khẳng định HIV dương tính và là đơn vị duy nhất trong tỉnh thực hiện điều trị ngoại trú cho bệnh nhân HIV/AIDS, đồng thời điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Vì vậy, những người có nhu cầu có thể đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm HIV. Những đối tượng bị nhiễm HIV mang thai cần phải được tiếp cận sớm với các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vì điều trị dự phòng càng sớm thì hiệu quả mang lại sẽ càng cao.
 
P.V: Xin cảm ơn bác sĩ.
 
                   Nhật Văn (thực hiện)
,