.

Vì sức khoẻ của người tiêu dùng

.
09:10, Thứ Tư, 31/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cùng sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể và nỗ lực của ngành Y tế, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về vấn đề này, các đơn vị chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Năm 2017, các đơn vị chức năng đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra và đã phát hiện 1.324 lượt cơ sở vi phạm (trên tổng số 6.299 lượt cơ sở được thanh tra, kiểm tra). Công tác xử lý vi phạm cũng được các cơ quan hữu quan thực hiện nghiêm túc với các hình thức, như: phạt tiền, tiêu hủy toàn bộ sản phẩm kém chất lượng và buộc đóng cửa cơ sở vi phạm nghiêm trọng những nội dung của Luật An toàn thực phẩm.

Từ kết quả công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, hầu hết cơ sở vi phạm là do các nguyên nhân, như:  khu vực sơ chế, chế biến thực phẩm xuống cấp; sản xuất thực phẩm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng người lao động không mang, mặc trang phục bảo hộ theo quy định; điều kiện vệ sinh cơ sở, dụng cụ chế biến chưa bảo đảm theo quy định; kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng; ghi nhãn hàng hoá không đúng quy định; để xảy ra ngộ độc thực phẩm...

Công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm cũng được các đơn vị chức năng chú trọng nên đã phát hiện kịp thời những mẫu thực phẩm có dư lượng tạp chất Agar (thường được sử dụng để tạo độ tươi cho hải sản), thuốc trừ sâu, hàn the... để loại bỏ ra khỏi các thị trường trong tỉnh.

 Cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra các tiêu chí về an toàn thực phẩm ở chợ truyền thống.
Cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra các tiêu chí về an toàn thực phẩm ở chợ truyền thống.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác đăng ký và chứng nhận sản phẩm, hỗ trợ  xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, tổ chức xây dựng các mô hình điểm về bảo đảm ATTP, các cơ quan chức năng còn tăng cường công tác xử lý những sự cố gây mất ATTP.

Trong năm, ngành Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai tốt nhiều hoạt động giải quyết sự cố môi trường biển, như: lấy mẫu hải sản tồn kho gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm chất lượng ATTP; tiêu hủy hải sản tồn kho không bảo đảm an toàn; phối hợp cùng Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam lấy mẫu hải sản kiểm nghiệm giám sát an toàn thực phẩm đối với hải sản tầng đáy trong phạm vi 20km trở vào bờ trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị chức năng đã tổ chức 2 cuộc thanh tra về tạp chất trong tôm sú tại 13 cơ sở và phát hiện 7/12 mẫu có chứa tạp chất Agar. Các mẫu vi phạm đều có nguồn gốc ngoại tỉnh.

Hoạt động nổi bật trong năm là Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai lấy mẫu và kiểm nghiệm nhanh an toàn thực phẩm tại chợ Đồng Hới theo Kế hoạch số 2054/KH-UBND ngày 2-11-2017 của UBND tỉnh về việc triển khai kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại các chợ trung tâm trên địa bàn toàn tỉnh.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh cho biết, trong tháng 11 và tháng 12 năm 2017, các đơn vị đã tiến hành lấy 664 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm nhanh. Kết quả là 649/664 mẫu đạt các yêu cầu về ATTP, chiếm tỷ lệ 97,7%. Sau khi triển khai thí điểm tại chợ Đồng Hới, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các huyện, thị xã đẩy mạnh việc triển khai hoạt động này tại tất cả các chợ từ tháng tháng 1 năm 2018.

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh ta còn tồn tại không ít khó khăn, hạn chế.

Vai trò chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền, đặc biệt ở cấp xã, phường, thị trấn về công tác này chưa được phát huy. Năng lực hoạt động của hệ thống ATTP càng về tuyến dưới càng hạn chế. Lực lượng cán bộ quản lý, cán bộ thanh tra về chuyên ngành trên còn mỏng lại phân tán. Và thực tế cho thấy, mặc dù đã phát hiện vi phạm nhưng việc xử lý vi phạm chưa kiên quyết, nhất là tuyến cơ sở, chủ yếu chỉ dừng lại ở hình thức nhắc nhở, cảnh cáo.

Khó khăn nữa là lực lượng cán bộ chuyên trách cho công tác quản lý chất lượng ATTP còn quá ít, thậm chí ở cấp huyện, xã chưa có cán bộ chuyên trách. Công tác quản lý chất lượng ATTP ở lĩnh vực nông, lâm, thủy sản mới dừng lại ở việc kiểm soát các công đoạn riêng lẻ, chưa có kinh phí để thực hiện quản lý ATTP theo chuỗi đối với từng nhóm hàng hóa, nên hiệu quả mang lại chưa cao. Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP còn hạn chế so với tổng số cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Hoạt động quản lý, kiểm tra chất lượng các sản phẩm nông, thủy sản nhập ngoại tỉnh chưa thực sự chặt chẽ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP từ sản phẩm ngoại nhập không rõ nguồn gốc. Số mẫu lấy phân tích giám sát, cảnh báo mối nguy gây mất ATTP của các cơ quan chức năng còn quá ít so với sản lượng nông, lâm, thủy sản tiêu thụ, do đó chưa bao quát hết tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Thời gian gần đây, hoạt động giết mổ động vật không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y trên địa bàn tỉnh đang là vấn đề đáng báo động. Một số cơ sở giết mổ tập trung đã xuống cấp, hệ thống xử lý môi trường hư hỏng nặng, trong khi đó tình trạng người dân tự giết mổ gia súc tại gia đình và bày bán thịt gia súc ngay trên các tuyến đường đang có xu hướng phổ biến, nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Thực trạng trên không chỉ không bảo đảm ATTP mà còn gây ô nhiễm môi trường trên các địa bàn dân cư...

Nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ cho người tiêu dùng, thời gian tới, Ban chỉ đạo vệ sinh ATTP tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời tổ chức những khoá đào tạo, tập huấn về ATTP để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng trong việc bảo đảm ATTP. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cũng được đẩy mạnh, nhất là những dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Một trong những hoạt động được toàn tỉnh chú trọng là khuyến khích đầu tư sản xuất, chế biến thực phẩm với quy mô lớn theo chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn thực ATTP, duy trì, nhân rộng các mô hình cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, GHP, HACCP, ISO, VietGAP, VietGHAP). Qua đó, kiểm soát được các mối nguy cơ mất ATTP và tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng ATTP.

Và một trong những nhiệm vụ quan trọng được tỉnh ta chú trọng là tăng cường năng lực quản lý về ATTP từ tuyến tỉnh đến cơ sở nhằm cung cấp cho người dân những sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe, quyền lợi cho người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập trong thời kỳ mới.

NH.V

,