.
Hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam 26-12:

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh: Chìa khóa nâng cao chất lượng dân số

Thứ Ba, 26/12/2017, 14:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhấn mạnh, đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số, thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; thực hiện lồng ghép hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cả nước, của từng ngành, từng địa phương.

Nghị quyết cũng đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030: tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

Trong đó, chỉ số 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến là một thử thách đặt ra cho công tác dân số trong tình hình mới và trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về mọi mặt như hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải có những bước đi, những giải pháp tích cực để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết đã đưa ra.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay, mô hình bệnh tật trên thế giới đang có xu hướng chuyển từ các bệnh nhiễm khuẩn sang tai nạn thương tích, di truyền và các bệnh về rối loạn chuyển hoá. Trong đó, các bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hoá và di truyền thường ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất, trí tuệ và tinh thần của con người, như: đần độn, chậm lớn, chậm phát triển thể chất, rối loạn phát triển giới tính, hạn chế khả năng học tập và lao động.

Vấn đề chất lượng dân số đang là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Một trong những nội dung liên quan đến chất lượng dân số là quy mô người khuyết tật có xu hướng ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phải kể đến dị tật bẩm sinh. Dị tật bẩm sinh là bất thường gặp ở thai nhi và trẻ sơ sinh, là nguyên nhân gây nên tử vong và bệnh tật của trẻ trong những năm đầu của cuộc sống. Các dị tật bẩm sinh tuỳ theo mức độ nặng nhẹ sẽ ảnh hưởng đến khả năng sống, khả năng sinh hoạt bình thường, tuổi thọ và sự hoà nhập cộng đồng của trẻ bị dị tật. Nếu không được tích cực dự phòng và điều trị sớm thì tỷ lệ dị dạng, dị tật bẩm sinh tiếp tục tăng cao và để lại hậu quả nặng nề cho từng gia đình, cộng đồng và xã hội. Nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển xã hội luôn là mục tiêu hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Sàng lọc trước sinh, sơ sinh là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng dân số thông qua việc sử dụng các biện pháp thăm dò đơn giản, dễ áp dụng, có độ chính xác tương đối cao để phát hiện các cá thể trong một cộng đồng có nguy cơ hoặc sẽ mắc một bệnh lý nào đó.

Diễu hành hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam trên các trục đường chính tại TP. Đồng Hới, huyện Bố Trạch, Quảng Trạch và TX. Ba Đồn.
Diễu hành hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam trên các trục đường chính tại TP. Đồng Hới, huyện Bố Trạch, Quảng Trạch và TX. Ba Đồn.

Theo nghiên cứu của WHO với số liệu từ 25 trung tâm thống kê dị tật bẩm sinh (DTBS) của 16 quốc gia, trên 4,2 triệu lần sinh thì tỉ lệ DTBS ở trẻ sơ sinh là 1,73%. Tại Việt Nam, kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy, có  12,1 triệu người khuyết tật, chiếm 15,5% dân số từ 5 tuổi trở lên. Trong đó, có 574.000 người khuyết tật loại đặc biệt nặng (không thể nhìn, nghe, vận động hoặc ghi nhớ) chiếm 0,7% dân số từ 5 tuổi trở lên. Kết quả nghiên cứu những dị tật được chẩn đoán sau sinh trên cơ sở khám lâm sàng, cận lâm sàng trong 3 năm tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, số trường hợp sinh ra bị dị dạng chiếm tỷ lệ 2,7%, tỷ lệ này cao hơn các kết quả nghiên cứu tiến hành trước năm 2000 (dao động từ 0,7-1,64%). Mặc dù chưa có nghiên cứu toàn diện về dị tật bẩm sinh ở Việt Nam, nhưng qua các nghiên cứu quốc tế, tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở Việt Nam nằm trong khoảng 1,5-2%. Với ước tính này, hàng năm, cả nước có 22.000 - 30.000 trẻ sinh ra có dị tật bẩm sinh.

Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng. Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh là các cấp dự phòng cho chất lượng dân số.

Tại Quảng Bình, theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ước tính mỗi năm có khoảng 250 trẻ em (khoảng 2%) bị DTBS được sinh ra, con số này sẽ tiếp tục tăng lên nhiều lần nếu như không có các biện pháp can thiệp kịp thời.

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai tại Quảng Bình trong khuôn khổ chương trình mục tiêu quốc gia dân số-KHHGĐ từ năm 2009 đến nay với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Tổng cục Dân số-KHHGĐ và Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh thuộc Trường đại học Y-Dược Huế. Qua thời gian thực hiện, nhận thức của người dân đã có sự cải thiện đáng kể, số trẻ em và phụ nữ mang thai được tư vấn và tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh tăng dần qua các năm. Trong năm 2017, với tổng số gần 500 ca sàng lọc sơ sinh đã phát hiện 7 ca có nguy cơ cao thiếu men G6PD và 1 ca suy giáp bẩm sinh. Tuy nhiên, so với tổng số phụ nữ mang thai và trẻ sinh ra trong năm, số lượng thai phụ và trẻ sơ sinh được sàng lọc còn hạn chế, có thể là do nhiều người còn e ngại khi thực hiện sàng lọc. Sự e ngại này bắt nguồn từ các quan niệm xã hội và sự hiểu biết chưa đầy đủ, chưa sâu về tính nhân văn cũng như tính khoa học của chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị và yếu tố nhân lực ở các cơ sở y tế tại các tuyến cũng là một trong những khó khăn ảnh hưởng đến tính toàn diện khi triển khai thực hiện chương trình.

Trước thực trạng đó, để nâng cao chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh, cần có cơ chế, chính sách phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện, như: hỗ trợ nguồn lực và dần thực hiện xã hội hóa các dịch vụ sàng lọc trước sinh - sơ sinh để người dân tự chi trả một phần chi phí nhằm chia sẻ gánh nặng ngân sách, Nhà nước chỉ tập trung hỗ trợ cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế - dân số về kỹ năng tư vấn, tuyên truyền, thực hiện kỹ thuật dịch vụ; tập trung truyền thông, vận động, tư vấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chương trình sàng lọc trước sinh - sơ sinh. Các thai phụ và sản phụ cần được tuyên truyền, tư vấn về sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, coi đó là phương châm phòng bệnh sớm, can thiệp sớm và là chiến lược sức khỏe con người; chú trọng sự phối hợp, vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể đối với chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Sinh ra những đứa con khỏe mạnh là điều mà tất cả các bậc cha mẹ đều mong muốn. Bởi, điều đó không chỉ mang lại hạnh phúc cho gia đình mà còn mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội. Chủ đề “Thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số” của Ngày Dân số Việt Nam 26-12 năm nay đã tiếp tục thể hiện tinh thần nhất quán trong việc đầu tư cho chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực của Đảng và Nhà nước. Hãy cùng nhau đẩy mạnh công tác truyền thông về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho toàn cộng đồng, nhất là phụ nữ đang mang thai để góp phần đưa chất lượng dân số ngày một nâng cao, đáp ứng công cuộc hội nhập và phát triển.

Nguyễn Thị Ngọc Hà
(Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ)