.

Lên đại ngàn… diệt muỗi!

Chủ Nhật, 01/10/2017, 08:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong chuyến đi cùng bác sỹ Lê Đình Thi, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Minh Hóa lên các xã miền núi triển khai công tác phòng, chống sốt rét, chứng kiến công việc của các bác sĩ, tôi mới thấy được nỗi vất vả cũng như cái tâm của người thầy thuốc đối với sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số.

Gần 5 giờ sáng, Minh Hóa vẫn còn mờ sương, chúng tôi xuất phát. Trước sân đơn vị, chiếc xe 7 chỗ ngồi đã chất đầy thuốc, hóa chất, màn chống muỗi và những dụng cụ y tế khác. Một lát sau, xe lăn bánh đưa các bác sĩ lên với đại ngàn Trường Sơn làm công tác phòng, chống sốt rét cho đồng bào. Xe đến ngã ba Khe Ve rồi chạm đất Trọng Hóa. Từ bản Y Leeng xã Dân Hóa, đoàn rẽ qua con đường nhỏ vào với bà con vùng Lòm ở xã Trọng Hóa qua những cung đường uốn lượn dưới chân núi Giăng Màn.

Trên đường đi, bác sỹ Lê Đình Thi giới thiệu: “Chuyến này chúng ta sẽ lên với bản Dộ, Tà Vờng, Lòm, nơi đó có gần 150 hộ dân là người Mày thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều sinh sống. Cuộc sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn về kinh tế, nhận thức xã hội. Nơi này còn được mệnh danh là “sào huyệt” của sốt rét bởi bà con ở giữa rừng, lại giáp với biên giới nước bạn Lào, hàng năm có nhiều người bị mắc bệnh”. Theo bác sỹ Thi, muỗi truyền sốt rét ở Lào nhiều hơn ở nước ta. Sốt rét ở Lào thường gọi là sốt rét ngoại lai, bệnh nặng hơn sốt rét nội địa. Trong khi đó, công tác phòng, chống sốt rét cho bà con ở khu vực biên biên giới Việt – Lào còn gặp nhiều hạn chế. Mặt khác, người dân hai nước thường qua lại làm ăn với nhau nên dễ mắc bệnh. Theo số liệu thống kê của ngành y tế, hàng năm, tỷ lệ người dân các bản trên tuyến đường vào Lòm mắc bệnh sốt rét chiếm phần lớn của toàn huyện.

 Cán bộ Trung tâm y tế dự phòng huyện Minh Hóa tẩm màn phòng chống sốt rét cho người dân.
Cán bộ Trung tâm y tế dự phòng huyện Minh Hóa tẩm màn phòng chống sốt rét cho người dân.

Trước nguy cơ mắc bệnh sốt rét của đồng bào, Trung tâm y tế dự phòng huyện Minh Hóa luôn đầu tư nhân lực, hóa chất, trang thiết bị để làm công tác tuyên truyền, phòng chống sốt rét. Công việc này đòi hỏi phải hoàn thành trước mùa mưa lũ.

Điểm đầu tiên đoàn dừng chân là bản Dộ. Bản này nằm bên một dòng suối nhỏ, có 40 hộ dân. Sau những cái bắt tay, chào đón thân mật với bà con, cán bộ trong đoàn mỗi người nhanh chóng bắt tay vào việc, như: phun hóa chất, khám, kiểm tra sức khỏe cho đồng bào, tẩm màn cũ, phát màn mới... Bác sỹ Lê Đình Thi gọi trưởng bản Hồ Phoong cùng 6 người dân đến, nhẹ nhàng lấy từng bộ quần áo của đồng bào đang phơi trên một sợi dây trước nhà, vừa gấp lại, vừa làm ông vừa giảng giải: “Bà con thấy chưa, quần áo chúng ta vắt nhiều lên dây thế này sẽ làm nơi trú ẩn cho muỗi. Và đây là loại muỗi gây sốt rét. Muốn không bị muỗi đốt, không bị sốt rét, bà con thay quần áo ra phải giặt sạch sẽ, phơi khô rồi cho vào bao hoặc hòm để cất giữ, không cho muỗi trú ẩn và đốt chúng ta”.

Ở bên dưới nhà sàn, anh Đinh Nhật Huy, Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh cùng vài người dân khác nhặt lại những cái bát hỏng, đồ nhựa, chum vại còn đọng nước đổ đi rồi úp lại cẩn thận. Anh giải thích: “Những thứ đọng nước lâu ngày sẽ là nơi để muỗi sinh sản, gây ra sốt rét, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con. Vì vậy, chúng ta phải thường xuyên kiểm tra, đổ nước cặn lâu ngày trong các vật dụng của gia đình để ngăn chặn muỗi phát triển”.  

Ở cạnh con suối nhỏ, hàng chục hộ dân đã tự giác đưa màn chống muỗi cho cán bộ y tế nhuộm hóa chất và phát màn mới. Một cán bộ y tế khác cũng đang phối hợp với trạm y tế xã, bộ đội biên phòng phun hóa chất xung quanh các nhà dân. Anh Hồ Kăn, người dân bản Dộ nói: “Trước đây, bà con chỉ sợ con thú, con ma rừng thôi chứ có ai sợ con muỗi đâu. Cứ mỗi lần đau ốm thì dùng lá cây điều trị, trị không lành thì gọi thầy đến cúng để bắt con ma rừng, nhưng mấy ai hết bệnh. Giờ được cán bộ y tế tuyên truyền, nói về tác hại của con muỗi, của sốt rét bà con mới thấy sợ. Chừ trong bản ai cũng phải vệ sinh môi trường, để nhà cửa, vườn tược sạch sẽ. Đi ngủ phải mắc màn để không bị muỗi đốt. Nếu mắc bệnh sốt rét phải ra trạm xá điều trị chứ không dùng lá để uống, không gọi thầy cúng, thầy mo về xua đuổi tà ma nữa”.

 Bác sỹ đang khám sức khỏe cho bà con.
Bác sỹ đang khám sức khỏe cho bà con.

Khi mặt trời đã đứng bóng, công việc của các thầy thuốc vừa kết thúc. Ăn xong bữa cơm trưa đạm bạc cùng bà con, đoàn lại cuốc bộ trên con dốc dựng đứng lên bản Tà Vờng. Tại đây, đoàn cán bộ cùng với dân bản thay nhau xuống suối gánh nước lên để tẩm màn, phun hóa chất phòng, chống sốt rét. Đồng thời, các bác sĩ tuyên truyền cho bà con về vệ sinh môi trường, ăn chín, uống sôi để phòng, chống một số loại dịch bệnh và nâng cao sức khỏe. Khi mặt trời khuất sau dãy núi Giăng Màn, trưởng bản Hồ Khiên nói: “Cảm ơn các cán bộ đã vất vả lên chăm lo sức khỏe cho đồng bào miềng. Nhưng tiếc quá, hôm nay đang là mùa làm cỏ lúa rẫy nên còn nhiều người ở trên nương lắm, chắc họ không biết phòng, chống sốt rét đâu. Chừ miềng biết, miềng nói nhưng chưa chắc bà con nghe, chỉ có cán bộ nói, họ mới tin, mới làm theo”. Không ngần ngại, bác sỹ Lê Đình Thi cùng một cán bộ trong đoàn mang theo chút lương khô, nước uống, võng, màn rồi nhờ trưởng bản dẫn lên nương.

Đến nơi, trưởng bản Hồ Khiên gọi toàn bộ người dân trên rẫy tập trung về một chỗ. Bác sỹ Lê Đình Thi bắt một con muỗi rồi nói với giọng nhẹ nhàng: “Thưa bà con, đây là muỗi A nô phen, chúng thường gây ra bệnh sốt rét cho chúng ta. Vì vậy, khi ngủ ở nhà hay ở rừng, chúng ta cũng phải mắc màn để chống muỗi nhé”. Tiếp đó, bác sỹ hướng dẫn bà con cách sử dụng màn cho đúng cách. Đêm đó, đoàn ở lại và tranh thủ chuyện trò với bà con về cách phòng, chống rốt rét.

Ngày hôm sau, đoàn đến bản Lòm làm những công việc như thường lệ. Trong chiến dịch phòng, chống sốt rét cho đồng bào các xã biên giới, Trung tâm y tế dự phòng huyện Minh Hóa đã đi nhiều chuyến lên với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm với nhân dân, nên tình trạng sốt rét trên địa bàn đã được khống chế. Nếu như năm 2016, toàn huyện có 60 ca mắc bệnh sốt rét thì năm 2017 này chỉ có 18 trường hợp xảy ra và đã được điều trị kịp thời. Thành công đó có sự đóng góp rất lớn của những người thầy thuốc. Bác sỹ Lê Đình Thi tâm sự: “Đây là trách nhiệm của cán bộ y tế chúng tôi. Dù vất vả, nhưng quan trọng là nhận thức về việc phòng, chống sốt rét của người dân được nâng lên, bệnh sốt rét được khống chế là niềm vui, niềm hạnh phúc nhất của người thầy thuốc”...

X.V