.

Điều trị mất ngủ bằng y học cổ truyền

Thứ Ba, 31/10/2017, 08:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Giấc ngủ ngon chính là chìa khóa cho sức khỏe của mỗi người. Song để có giấc ngủ sâu đối với nhiều người lại là một vấn đề rất khó khăn. Tuy không phải là bệnh nguy hiểm, nhưng mất ngủ lại là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh khác và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để tìm hiểu thêm về bệnh mất ngủ và cách điều trị, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Lê Loan, Phụ trách Khoa Châm cứu-Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

- P.V: Mất ngủ đang là một bệnh khá phổ biến và ngày càng có nhiều người mắc. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về căn bệnh này. Vậy xin bác sĩ cho biết đâu là nguyên nhân dẫn đến bệnh mất ngủ?

- Bác sĩ Lê Loan: Mất ngủ hay khó ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ, người bệnh rơi vào tình trạng không thể đi vào giấc ngủ hay giấc ngủ chập chờn khó duy trì hoặc ngủ dậy vẫn cảm thấy mệt. Tuy nhiên, nhiều người thường bỏ qua những ảnh hưởng do mất ngủ hoặc thiếu ngủ gây ra, vì nghĩ rằng điều này không quá nghiêm trọng. Tác động đầu tiên và dễ thấy của người ngủ ít là da xỉn màu và quầng thâm dưới mắt. Ngoài ra, thiếu ngủ còn khiến khả năng hoạt động của trí óc giảm sút, gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe, như: đau cơ, mệt mỏi, tăng cân, căng thẳng... Mất ngủ mạn tính còn có thể dẫn tới nhiều nguy cơ liên quan đến sức khỏe và lối sống. Đây là một bệnh thường gặp ở người cao tuổi, do rất nhiều nguyên nhân. Để điều trị hiệu quả bệnh lý này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa người bệnh và thầy thuốc.

Tình trạng mất ngủ khởi phát có đặc trưng là khó đi vào giấc ngủ và mất khả năng duy trì giấc ngủ suốt đêm. Mất ngủ mạn tính được coi là nghiêm trọng hơn nhiều so với mất ngủ thoáng qua hay không liên tục, thường xuất hiện hằng đêm trong một tháng hoặc hơn và nếu không được điều trị, bệnh có thể kéo dài trong nhiều năm. Người bị mất ngủ thường có các dấu hiệu sau: trằn trọc, hay tỉnh giấc giữa chừng, khó quay trở lại giấc ngủ sau khi tỉnh giấc; có thể rơi vào giấc ngủ một cách mệt mỏi nhưng chỉ ngủ được khoảng 1 giờ, sau đó tỉnh giấc và không thể ngủ lại được; cảm giác rất buồn ngủ nhưng khi lên giường thì không thể ngủ được; thức giấc sớm và tỉnh giấc nhiều lần trong đêm; ban ngày cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi hay kiệt sức, cáu gắt, hay quên, khó tập trung...

Các yếu tố gây mất ngủ ở nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi bao gồm: giảm hoạt động thể lực, ít tiếp xúc với ánh sáng, thay đổi nhịp sinh học, giảm khả năng hồi phục các chức năng cơ thể khi cơ thể bị lão hóa... Ngoài ra, mất ngủ còn có thể do các bệnh lý toàn thân, như: sa sút trí tuệ, bệnh lý tim mạch, bệnh lý mạch máu não, viêm nhiễm đường hô hấp, đau xương khớp, trầm cảm.... Tất cả các yếu tố trên đều làm giảm chất lượng giấc ngủ.

- P.V: Sử dụng các phương pháp y học cổ truyền có mang lại tác dụng cao trong điều trị bệnh mất ngủ không, thưa bác sĩ?

- Bác sĩ Lê Loan: Mất ngủ trong y học cổ truyền gọi là chứng “thất miên”, “bất mị”, “bất đắc miên”... và thường kèm thêm các triệu chứng: đau đầu, váng đầu, tâm phiền, hay quên... Nguyên nhân là do suy giảm chức năng của các tạng tâm, tỳ, can, thận... làm cho tinh khí hư tổn, thần không được yên. Ở những người cơ thể bẩm sinh hư nhược, hay bị mắc bệnh lâu ngày nên thận âm bị hao tổn không giao hòa được với tâm, gây ra chứng tâm thận bất giao, hậu quả là tâm âm hư, tâm hỏa vượng, dẫn đến mất ngủ. Nguyên nhân nữa là do ăn uống không điều độ, ăn thức ăn khó tiêu trước khi ngủ. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như hay suy nghĩ căng thẳng, tâm bất an và nếu tình trạng này kéo dài cũng dẫn đến mất ngủ.

Đối với y học hiện đại, để điều trị mất ngủ, người bệnh thường được dùng các thuốc nhóm Benzodiazepin hoặc các thuốc chống trầm cảm an dịu, như: Doxepin, Trazodin, Trimipramin và Amitriptilin liều thấp. Tuy nhiên, những thuốc này đa phần là điều trị triệu chứng. Nếu dùng các thuốc này kéo dài sẽ gây nên hiện tượng phụ thuộc thuốc, khiến cho người bệnh phải tăng dần liều và có thể phải dùng các biện pháp cai khi ngừng thuốc.

Bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đang thực hiện phương pháp châm cứu để cải thiện chứng mất ngủ cho người bệnh.
Bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đang thực hiện phương pháp châm cứu để cải thiện chứng mất ngủ cho người bệnh.

Trong y học cổ truyền, điều trị mất ngủ thường phối hợp chặt chẽ giữa phương pháp dùng thuốc và phương pháp không dùng thuốc, đặc biệt là người bệnh phải thay đổi lối sống mới có kết quả tốt.

Ở Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, người bệnh sau khi được thăm khám để xác định căn nguyên dẫn đến bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn kỹ lưỡng và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Các bác sĩ của bệnh viện thường sử dụng nhiều vị thuốc nam, như: tâm sen, lá vông, lạc tiên, long nhãn, bình vôi, hà thủ ô để điều trị cho người bệnh. Các loại thuốc này đã được nghiên cứu dược lý và đưa vào áp dụng điều trị lâm sàng đối với người bệnh mất ngủ mang lại hiệu quả cao, không gây tác dụng phụ.

Trên thực tế, y học cổ truyền có rất nhiều phương pháp để có thể điều trị hiệu quả bệnh mất ngủ, như: châm cứu, xoa bóp ấn huyệt, thủy trị liệu... Các bác sĩ còn hướng dẫn người bệnh tập các bài tập luyện ý, luyện thở trong khí công, tập dưỡng sinh kết hợp điều trị bằng laser công suất thấp nội mạch. Các phương pháp này đã được chứng minh là mang lại hiệu quả cao trong  điều trị bệnh mất ngủ.

- PV: Cuộc sống hiện đại khiến cho bệnh mất ngủ ngày càng phổ biến và có nhiều người trong độ tuổi lao động mắc bệnh, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng làm việc và sức khỏe. Vậy làm thế nào để cải thiện chất lượng giấc ngủ trong điều kiện không thể tới cơ sở y tế, thưa bác sĩ?

- Bác sĩ Lê Loan: Mất ngủ đã được đề cập đến từ lâu và trở thành một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội hiện đại. Mất ngủ kéo dài sẽ dẫn đến giảm trí nhớ, khó tập trung chú ý, giảm sút khả năng lao động và hậu quả tất yếu là làm giảm chất lượng sống. Mất ngủ còn dẫn đến nguy cơ phát sinh một số bệnh hoặc làm nặng thêm bệnh đang mắc.

Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, một trong những yếu tố quan trọng là người bệnh cần thay đổi lối sống, cần chú trọng hơn đến vấn đề chăm sóc giấc ngủ và phòng bệnh mất ngủ. Người bệnh cần duy trì chế độ luyện tập đều đặn với các bài tập dưỡng sinh hay đi bộ, bơi lội...

Người mắc các triệu chứng của bệnh mất ngủ cần xây dựng lịch sinh hoạt khoa học, không nên thức quá khuya hoặc dậy quá sớm, nên đi ngủ đúng giờ, hạn chế tối đa các tác động tâm lý gây lo lắng, bất an. Người bệnh cũng cần hạn chế ngủ quá nhiều vào ban ngày và cần duy trì thói quen dậy đúng giờ để luyện tập.

Trong chế độ ăn, người bệnh phải tránh ăn no vào buổi tối, nên ăn bữa tối trước giờ ngủ ít nhất 3 tiếng và nên có sự cân bằng về thành phần thức ăn, chú trọng đến các món ăn dễ tiêu, như: rau, cá, thịt gà, thịt lợn...

Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng một số món ăn, bài thuốc có tác dụng an thần, như: thảo quyết minh sao đen sắc uống hoặc hãm chè uống hằng ngày; tâm sen sao vàng mỗi ngày 15g sắc uống thay trà; ăn chè long nhãn; dùng hoa thiên lý nấu thành canh, cháo để ăn hằng ngày. Người bệnh cũng cần uống đủ lượng nước cho cơ thể nhưng không nên uống nhiều nước vào buổi tối trước khi đi ngủ vì dễ gây hiện tượng tiểu đêm, dẫn tới mất ngủ.

Mặt khác, người bệnh được khuyến khích tham gia vào các hoạt động xã hội, tránh tình trạng nhàn rỗi quá mức dễ dẫn đến hiện tượng ngủ gà vào ban ngày, mất ngủ vào ban đêm và cần chú trọng hơn đến việc chăm sóc giấc ngủ nhằm phòng chống bệnh mất ngủ để nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

- P.V: Cảm ơn bác sĩ!

Nhật Văn (thực hiện)