.

Dịch sốt xuất huyết đang có nhiều diễn biến phức tạp

Thứ Sáu, 27/10/2017, 16:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Tính đến ngày 27-10-2017, toàn tỉnh có 490 người mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 300 người so với cùng kỳ năm 2016. Thành phố Đồng Hới là địa bàn có số người mắc cao nhất (trên 100 trường hợp).

Theo nhận định của ngành Y tế, dịch sốt xuất huyết đang có nhiều diễn biến phức tạp và có thể bùng phát thành dịch lớn nếu không có các biện pháp chủ động phòng chống kịp thời.

Cán bộ y tế thực hiện phun hóa chất làm sạch môi trường nhằm ngăn ngừa sự phát triển của côn trùng gây bệnh truyền nhiễm.
Cán bộ y tế thực hiện phun hóa chất làm sạch môi trường nhằm ngăn ngừa sự phát triển của côn trùng gây bệnh truyền nhiễm.

Kết quả điều tra giám sát dịch tễ của các đơn vị y tế cho thấy, hiện tại, các chỉ số về côn trùng truyền bệnh ở một số địa phương tăng. Nguyên nhân của tình trạng trên là do khí hậu biến đổi thất thường, độ ẩm trong không khí cao, công tác vệ sinh môi trường ở một số nơi chưa được chú trọng, dẫn đến véc-tơ truyền bệnh phát triển. Hiện tại, toàn ngành đang tập trung nguồn lực phòng, chống sốt xuất huyết, trong đó chú trọng giám sát dịch tễ, kiểm soát môi trường, phun hóa chất diệt muỗi ở các địa phương có chỉ số véc-tơ truyền bệnh cao, như: các phường Nam Lý, Đồng Phú, Hải Thành (TP. Đồng Hới); các xã Cam Thủy (Lệ Thủy); Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn); Duy Ninh (Quảng Ninh); Quảng Xuân, Quảng Phú (Quảng Trạch); Đại Trạch, Đức Trạch (Bố Trạch).

Tuy nhiên, để phòng chống sốt xuất huyết có hiệu quả, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp vệ sinh môi trường, trong đó chú trọng đến các hoạt động diệt loăng quăng/bọ gậy để hạn chế nguy cơ phát triển của muỗi - tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết. Khi phát hiện có dấu hiệu mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời nhằm tránh biến chứng của bệnh có thể xảy ra và ngặn chặn các nguy cơ lây bệnh do muỗi ra cộng đồng.

NH.V