.

Cảnh báo tình trạng lạm dụng chích lể ở trẻ em

Thứ Tư, 06/09/2017, 09:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Chích lể là một trong những phương pháp chữa bệnh dân gian được nhiều người áp dụng, đặc biệt là đối với trẻ em. Tuy nhiên, phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro vì dễ lây nhiễm các bệnh qua đường máu, như: viêm gan, HIV/AIDS... Đặc biệt là thời gian gần đây, nhiều trẻ sơ sinh chỉ mới vài tháng tuổi đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, bị đe dọa tính mạng vì chích lể.

Chích lể chữa sài, đẹn

Ở vùng nông thôn vẫn còn nhiều bậc cha mẹ dùng phương pháp chích lể để chữa bệnh cho con, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Nhiều người cho rằng, lứa tuổi này trẻ hay quấy khóc do bị sài, đẹn cần phải chích lể nặn máu độc ra ngoài.

Chị Nguyễn Thị Vân, ở xã Quảng Xuân (Quảng Trạch) cho biết, mấy ngày trước, buổi tối, con của chị cứ vặn người liên tục, lăn qua lăn về ngủ không ngon giấc. Được chị hàng xóm chỉ cho cách đưa đi chích lể chữa sài đẹn. Chị liền đưa con đến bà lang ở phường Quảng Long (thị xã Ba Đồn) để chích lể.

“Khi chích lể, rất nhiều máu đen ở sau lưng con tôi được bà lang nặn ra ngoài. Bà lang nói đây là máu độc chỉ cần nặn ra hết là cháu sẽ khỏi. Sau 5 ngày đưa con đi chữa trị, buổi tối cháu ít quấy khóc và ngủ cũng ngon hơn. Nhưng không biết về lâu dài có ảnh hưởng gì không”, chị Vân chia sẻ. Cũng chung cảnh ngộ như chị Vân, chị Mai ở xã Quảng Phú cũng vừa đưa con đến bà lang cùng xã để chích lể. Chị cho biết, con chị mới 20 ngày tuổi, cháu lười ăn, quấy khóc cả đêm đã nhiều ngày liền. “Tôi đưa cháu đi chích lể được 2 ngày rồi nhưng không thấy tiến triển gì. Không biết có lành không, chắc vài ngày nữa phải đưa cháu vào viện khám xem sao!”, chị Mai cho hay.

Nhiều trẻ sơ sinh được đưa vào Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình cấp cứu trong tình trạng mất máu nặng vì chích lể.
Nhiều trẻ sơ sinh được đưa vào Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình cấp cứu trong tình trạng mất máu nặng vì chích lể.

Để tận mắt chứng kiến phương pháp chữa bệnh của các “lang vườn”, tôi tìm đến nhà bà lang tên P. ở xã Quảng Phú (Quảng Trạch), được giới thiệu là có tay nghề cao vì có ba đời làm nghề này. Sau khi trình bày về tình trạng khóc đêm của cháu trai mới hai tháng tuổi, bà lang cho hay, nên đưa cháu đến đây để bà chích lể, bảo đảm 3-5 ngày là khỏi. Khi tôi thắc mắc về dụng cụ để chích lể, bà lang đưa ra một bịch kim tiêm và cho biết mỗi trẻ dùng một kim, bảo đảm sạch sẽ và an toàn. “Trẻ con thường hay nóng sốt, quấy khóc là do bị sài đẹn, chỉ cần kiên trì chích lể vài lần là khỏi hẳn. Từ khi hành nghề cho đến nay, đã có hàng trăm trẻ sơ sinh được tôi chữa lành bệnh. Cô cứ yên tâm đưa cháu đến đây tôi chích cho”, bà P. nói.

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Kim tiêm là dụng cụ mà bà lang ở xã Quảng Phú (Quảng Trạch) dùng để chích lể cho trẻ sơ sinh.
Kim tiêm là dụng cụ mà bà lang ở xã Quảng Phú (Quảng Trạch) dùng để chích lể cho trẻ sơ sinh.

Vào giữa tháng bảy, phòng hồi sức cấp cứu, Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình đã tiếp nhận một trường hợp trẻ 32 ngày tuổi bị hôn mê, suy hô hấp, mất máu nặng do người nhà chữa bệnh bằng phương pháp chích lể. Người nhà cháu cho biết, trước đó cháu có biểu hiện sốt nhẹ, bú kém nên mời bà lang trong xóm về chữa bệnh. Bà lang nói cháu bị gió, đẹn nên dùng dao lam chích lể và nặn máu toàn thân. Vài giờ sau, trẻ li bì, thở yếu nên người nhà hoảng hốt đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Khi tiếp nhận tại phòng hồi sức cấp cứu Khoa Nhi, các bác sỹ ghi nhận, cháu có biểu hiện hôn mê, thở yếu, sốt, rất nhiều vết chích lể ở vùng mặt, ngực, bụng và tứ chi, đang chảy máu. Xét nghiệm cấp cứu cho thấy cháu có tình trạng thiếu máu nặng. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu cho trẻ thở oxy, truyền dịch, cầm máu.

Do bệnh quá nặng cháu được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới và sau đó được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị.

Theo bác sĩ Uông Đình Thái, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, việc điều trị bệnh bằng chích lể cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh là một quan niệm sai lầm, gây ra những biến chứng nguy hiểm, như: thiếu máu nặng, xuất huyết não do rối loạn đông chảy máu, nhiễm trùng huyết từ vết chích lể... Nhiều trường hợp trẻ tử vong do biến chứng quá nặng. Hằng năm,  Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình đã tiếp nhận không ít trường hợp trẻ bị biến chứng do chích lể vào điều trị.

Tại một số xã, phường tại thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch vẫn còn khá nhiều người dân thực hiện chữa bệnh cho trẻ em bằng phương pháp này. Đây là một cách thức chữa trị chưa được chứng minh rõ rằng về hiệu quả, mà ngược lại có thể dẫn tới rất nhiều các biến chứng nguy hiểm. Chích lể có thể gây ra chảy máu nhiều, nhất là nếu rạch phạm vào các mạch máu nông hoặc các tĩnh mạch nông bị giãn, hoặc gây chảy máu không cầm trên những người mắc bệnh máu khó đông hay đang dùng thuốc loãng máu. Tĩnh mạch nông bị chích vào sẽ dễ diễn tiến tạo máu đông và viêm đau. Cục máu đông này có nguy cơ phát triển tiếp tục, lan rộng đến các tĩnh mạch sâu gây tắc mạch, hoặc nguy hiểm hơn sẽ di chuyển theo dòng máu về phổi, gây ra thuyên tắc tĩnh mạch phổi và tử vong. Mặt khác, chích lể không vô trùng rất dễ dẫn tới nhiễm trùng da và nguy cơ nhiễm trùng huyết. Dùng chung các vật dụng chích lể không được tiệt trùng đúng quy cách sẽ làm lây lan nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như: viêm gan siêu vi B,C.... hay bệnh AIDS.

Bác sĩ Thái chia sẻ, khi trẻ nhỏ bị sốt, hay có các biểu hiện bệnh khác, gia đình nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và có phương pháp điều trị thích hợp. Không nên tự ý chích lể trẻ gây ra các biến chứng, hậu quả đáng tiếc.    

Lan Chi