.

TP. Đồng Hới: Tập trung phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Thứ Tư, 30/08/2017, 08:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã có trên 100 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). TP. Đồng Hới là địa bàn có số người mắc cao nhất với trên 50 bệnh nhân. Đáng lo ngại là các chỉ số về bọ gậy ở một số địa phương trên địa bàn thành phố đang có xu hướng tăng và đây là một trong những yếu tố nguy cơ có thể gây nên dịch bệnh SXH nếu không có những biện pháp chủ động phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả.

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn TP. Đồng Hới có nhiều diễn biến phức tạp, tất cả các xã, phường đều có người mắc SXH. Đáng lo ngại là hiện nay đang vào mùa mưa, độ ẩm trong không khí cao dễ tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sinh sản, phát triển trong khi tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực công cộng, khu nhà trọ vẫn chưa được kiểm soát, xử lý chặt chẽ. Mặt khác, số lượng người tăng mạnh do đang trong mùa du lịch và học sinh, sinh viên ở các cấp học trên địa bàn bước vào năm học mới... Đây là các yếu tố gây nguy cơ có thể bùng phát thành dịch SXH trên địa bàn thành phố.

Để chủ động phòng, chống SXH, TP. Đồng Hới đã xây dựng các phương án phòng, chống dịch từ rất sớm. UBND thành phố đã tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, huy động các cấp, ngành từ thành phố đến cơ sở tập trung nhiệm vụ phòng, chống dịch SXH. Các cấp, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống SXH, tăng cường các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi.

 Lật úp các dụng cụ chứa nước là cách tốt nhất để loại bỏ bọ gậy phát triển thành muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Lật úp các dụng cụ chứa nước là cách tốt nhất để loại bỏ bọ gậy phát triển thành muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Bác sĩ Trần Thị Loan, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Đồng Hới cho biết, trung tâm đã xây dựng các biện pháp chủ động phòng, chống dịch với mục tiêu phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, xử lý kịp thời không để dịch lây lan trên diện rộng.

Theo đó, trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các trạm y tế, Bệnh viện đa khoa thành phố và chính quyền các địa phương trong tổ chức các hoạt động, như: giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến của dịch, tăng cường điều tra chỉ số côn trùng, đồng thời, tổ chức khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để. Cán bộ y tế và các đơn vị liên quan đã triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi nhằm loại trừ nơi sinh sản, trú ngụ của muỗi vằn, nhất là tại các trường học và giám sát véc tơ chặt chẽ ở những địa bàn trọng điểm của SXH, như: tổ dân phố 7 phường Nam Lý, tổ dân phố 11 phường Đồng Phú...

Đặc biệt, công tác truyền thông trên địa bàn được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, như: tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, phát tờ rơi, lồng ghép trong hoạt động khám sức khỏe ở các bệnh viện, trạm y tế... Trung tâm Y tế thành phố và các đơn vị liên quan đã xây dựng phương án dự phòng cụ thể nhằm huy động toàn lực dập dịch diện rộng khi có dấu hiệu bùng phát trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ra quân làm sạch môi trường, loại bỏ những nơi muỗi có thể sinh sản hoặc trú ngụ.

Tại Bệnh viện đa khoa TP. Đồng Hới, công tác tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân SXH cũng được tập trung triển khai từ việc sàng lọc bệnh nhân tại phòng khám bệnh đến bố trí giường bệnh, nhân lực và các yếu tố cần thiết để đáp ứng tốt công tác điều trị và dự phòng lây nhiễm bệnh SXH đến các bệnh nhân khác đang điều trị tại bệnh viện. Nhờ chủ động xây dựng các phương án đối phó với dịch SXH, nên bệnh viện đã thực hiện tốt công tác điều trị và cách ly người bệnh. Tất cả bệnh nhân tham gia điều trị đều đáp ứng tốt, chưa có trường hợp xảy ra các biến chứng do SXH.

Nói về khó khăn trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống SXH trên địa bàn Đồng Hới, bác sĩ Loan cho hay, do tình hình biến động dân cư diễn ra mạnh mẽ nên việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, nhất là công tác tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, cán bộ y tế đã tăng cường giám sát các địa bàn trọng điểm để triển khai một số hoạt động, như: hướng dẫn vệ sinh môi trường, cách diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi, song do các hộ dân khóa cửa để đi làm suốt ngày nên việc xử lý không triệt để. Ngoài ra, đa số người dân còn xem nhẹ hoạt động diệt bọ gậy tại hộ gia đình, khu dân cư, trong khi đây được xem là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh SXH. Không ít hộ dân sử dụng nước trong các thau nhỏ; đựng nước trong chén, bát để cách ly kiến tìm tới thức ăn hoặc dùng nước để trồng các loại cây dây leo trong nhà... Và đó là những nơi rất thuận lợi để bọ gậy phát triển thành muỗi vằn truyền bệnh. Nhiều hộ dân còn tư tưởng trông chờ vào việc phun hóa chất diệt muỗi của ngành Y tế.

Theo bác sĩ Loan, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch SXH,  ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, người dân cần nêu cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, quan trọng nhất là đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; đồng thời thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, lật úp thau, chậu sau khi sử dụng, thường xuyên thay nước bình hoa, loại bỏ các vật liệu phế thải... và nhất định phải ngủ màn, mặc quần áo dài để phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Mặt khác, người dân cần tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch và khi có các dấu hiệu nghi mắc bệnh, như: sốt cao, chảy máu cam, xuất huyết dưới da..., nên đến ngay cơ sở y tế để được cán bộ y tế khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà để tránh các biến chứng có thể xảy ra.

NH.V