.

Phát huy vai trò cộng tác viên dân số

Thứ Bảy, 26/08/2017, 20:24 [GMT+7]

(QBĐT) - “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động người dân thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là hình ảnh không còn xa lạ với nhiều người dân về các cộng tác viên (CTV) dân số. Họ không chỉ góp phần đưa các chính sách dân số đến gần với người dân mà còn giúp ổn định mức sinh trên địa bàn và không ngừng nâng cao chất lượng dân số.

Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, hiện toàn tỉnh có 1.738 CTV dân số. Giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động truyền thông DS-KHHGĐ ở cộng đồng, những năm qua, đội ngũ CTV dân số đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, cung cấp cho người dân những kiến thức cơ bản, cần thiết về KHHGĐ, cách lựa chọn và áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp, chăm sóc sức khỏe sinh sản; phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em... Hoạt động của đội ngũ CTV dân số đã góp phần quyết định vào việc nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về vấn đề DS-KHHGĐ trên địa bàn toàn tỉnh.

Với vai trò tích cực của đội ngũ CTV dân số, thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tốt. Năm 2016, các chỉ số, như: tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3, tỷ lệ chênh lệnh giới tính giảm đáng kể. Các chỉ tiêu về tuổi thọ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại không ngừng tăng. Cụ thể, tỷ suất sinh là 15,53o/oo, giảm 0,11o/oo so với năm 2015. Số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên là 1.750 cháu, chiếm tỷ lệ 14,65%, giảm 0,85% so với năm 2015. Tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh năm 2016 là 109 nam/100 nữ, giảm so với năm 2015 (112 nam/100 nữ). Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đạt 102% so với kế hoạch...

Bà Nguyễn Thị Nhàn, CTV dân số tổ dân phố 13, phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới), có thâm niên 6 năm làm CTV dân số, cho biết: “Với phụ cấp hàng tháng không đáng là bao, nhưng ngay từ đầu, tôi đã gắn bó với công tác này bằng tinh thần tình nguyện vì cộng đồng. Vì thế, dù chế độ rất thấp, chúng tôi vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Được biết, tổ dân phố 13 hiện có hơn 250 hộ dân, nhờ làm tốt công tác dân số nên nhiều năm liền tỷ lệ sinh con thứ 3 rất thấp (năm 2015 chỉ 1 trường hợp sinh con thứ 3, năm 2016, không có trường hợp nào), các chỉ tiêu dân số hàng năm đều hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra.

CTV dân số là người luôn giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động truyền thông DS-KHHGĐ ở cộng đồng.
CTV dân số là người luôn giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động truyền thông DS-KHHGĐ ở cộng đồng.

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã Ba Đồn cho biết, hiện toàn thị xã có 159 cộng tác viên/ 16 xã, phường. Đội ngũ CTV dân số là lực lượng chính trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về DS-KHHGĐ. Tuy nhiên, chế độ bồi dưỡng cho đội ngũ CTV đã thấp lại chậm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công việc của họ. Nếu tình trạng này kéo dài, không có những chính sách quan tâm hỗ trợ, động viên kịp thời, đội ngũ CTV sẽ khó duy trì, mặc dù đa phần CTV dân số gắn bó với công việc chủ yếu xuất phát từ tâm lý muốn đóng góp cho cộng đồng xã hội. Nếu được quan tâm nhiều hơn, họ sẽ có thêm động lực để làm tốt công việc của mình.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Hưng, để thực hiện tốt công tác dân số, không thể thiếu đội ngũ CTV. Họ có những quan hệ gần gũi với các đối tượng, nên có điều kiện để kiên trì tuyên truyền, vận động người dân từ chỗ chưa hiểu biết đến hiểu biết, rồi có thái độ tích cực và chuyển đổi hành vi. TX. Ba Đồn là địa bàn có hơn 35% dân số theo công giáo, nhiều địa phương người dân còn có tư tưởng “đông con hơn đông của” nên tỷ lệ sinh con thứ 3 còn cao. Nếu không có CTV thường xuyên đến tuyên truyền, vận động theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu”, việc chuyển đổi hành vi và nhận thức của người dân là rất khó.

Mặt khác, nhiều địa phương ở tỉnh ta có địa bàn rộng, địa hình đi lại tương đối khó khăn, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa..., nếu không có đội ngũ CTV dân số thì việc cập nhật các thông tin, biến động về sinh, tử, con thứ 3 sẽ không chính xác và không kịp thời. Ví dụ như xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, nhiều bản cách trung tâm UBND xã hàng chục km, nếu không có CTV thì rất khó để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách DS-KHHGĐ. Hoặc địa bàn phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới có gần 4.000 hộ dân ở 15 tổ dân phố, nếu không có đội ngũ CTV cập nhật tình hình biến động dân số trên địa bàn thì cán bộ chuyên trách dân số phường khó có thể bao quát mọi việc, nhất là để cập nhật thường xuyên, chính xác số liệu về công tác DS-KHHGĐ.

Vì vậy, để có một mạng lưới CTV dân số cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, cần có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, tạo điều kiện tốt nhất để xây dựng đội ngũ CTV cơ sở có năng lực, lòng nhiệt tình trong công tác. Ngoài ra, đối với CTV dân số, cần tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ hiểu biết và kỹ năng nghiệp vụ; có thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ, động viên, khuyến khích kịp thời...

Thanh Hoa