.

Điều trị nghiện bằng Methadone: Khó chồng khó - Bài 2

Thứ Tư, 23/08/2017, 09:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone được tỉnh ta triển khai từ tháng 8-2014. Sau gần 3 năm thực hiện, chương trình này đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone vẫn tồn tại hạn chế, việc duy trì bền vững kết quả điều trị gặp không ít khó khăn, thách thức.

Bài 2: Gỡ khó cho chương trình Methadone

Với những lợi ích và hiệu quả thiết thực nên việc điều trị thay thế nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Khi uống Methadone người nghiện có thể “quên” được cơn nghiện ma túy, hồi phục sức khỏe nhanh, lao động, sinh hoạt bình thường. Nếu người nghiện có thái độ tích cực và điều trị đúng phác đồ thì hoàn toàn có thể từ bỏ được ma túy. Tuy nhiên, qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, công tác điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone cho các đối tượng nghiện ma túy tại tỉnh ta còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bác sĩ Ngô Đình Thống, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS nhận định, hiện số người nghiện heroin tham gia điều trị thay thế bằng Methadone thấp hơn nhiều so với số người nghiện trên thực tế. Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên khó có thể thống kê đúng số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Một số địa phương vì sợ ảnh hưởng đến các tiêu chí thi đua nên "ngại" cung cấp cho cơ quan chức năng số người nghiện ma túy trên địa bàn. Một thực tế đáng buồn là sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS khi tái hòa nhập cộng đồng vẫn khá nặng nề, nên không ít người nghiện và gia đình có người nghiện ma túy đã che dấu tình trạng bản thân... Thực trạng đó làm cho công tác tiếp cận, vận động đối tượng tham gia điều trị của ngành Y tế gặp không ít khó khăn. Đáng quan tâm là, số bệnh nhân bỏ điều trị đang có xu hướng gia tăng, chiếm khoảng 40%.

 Người bệnh đang uống Methadone ở cở sở điều trị Trung tâm phòng chống HIV/AIDS.
Người bệnh đang uống Methadone ở cở sở điều trị Trung tâm phòng chống HIV/AIDS.

Theo bác sĩ Thống, việc người bệnh bỏ ngang đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chung của chương trình. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đặc thù điều trị nghiện ma túy bằng Methadone phải thực hiện lâu dài, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế và phải trực tiếp đến cơ sở y tế để uống thuốc mới có hiệu quả cao. Vì thế, không ít người bỏ điều trị do thiếu quyết tâm hoặc vì công việc làm ăn hay mắc các bệnh khác phải nằm viện... Chưa kể đến một số trường hợp sau thời gian điều trị đã không còn sử dụng ma túy nên họ chủ quan tự bỏ chương trình và chỉ sau một thời gian ngắn lại tái nghiện.

Anh N.K ở TP. Đồng Hới chia sẻ, anh đã từng điều trị khá thành công tại cơ sở điều trị Trung tâm phòng chống HIV/AIDS. Song do không có việc làm ổn định, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, nên anh đã bỏ điều trị để vào Nam kiếm sống với quyết tâm sẽ không sử dụng ma túy. Thế nhưng, chỉ sau 1 tháng rời Methadone, anh lại tìm đến ma túy và càng lún sâu hơn và không có cách nào dứt ra. Được sự động viên, hỗ trợ của gia đình, anh trở về quê và tiếp tục quay lại với chương trình Methadone.  

Tình trạng tội phạm ma túy trà trộn trong các cơ sở điều trị Methadone với tư cách là người bệnh đang tham gia điều trị để lôi kéo các đối tượng khác sử dụng ma túy cũng là vấn đề đáng lo ngại hiện nay. Một số người đang điều trị nhưng thường xuyên bị các đối tượng bán lẻ ma túy theo dõi, tiếp cận chào bán ma túy nên dần sa vào con đường cũ mà bỏ dở quá trình điều trị, khiến cho tình trạng nghiện ma túy ngày càng trầm trọng hơn. Nhiều trường hợp không thể theo hết chương trình Methadone là do vi phạm pháp luật (trộm cắp tài sản, buôn bán ma túy... ) bị các cơ quan thực thi pháp pháp luật bắt, giam giữ.

Bác sĩ Nguyễn Anh Đông, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS và cũng là người tham gia công tác điều trị, tư vấn, tiếp xúc với nhiều người bệnh tại cơ sở điều trị Methadone cho hay, cai nghiện ma túy là chuyện rất khó và đã có rất nhiều trường hợp cai đi cai lại ở các trung tâm cai nghiện, nhưng hiệu quả không mấy khả quan.

Tại cơ sở điều trị này, số người bệnh bỏ chương trình rồi quay lại chương trình cũng khá cao vì họ hầu như không tìm được phương pháp điều trị nào hiệu quả hơn Methadone.

Hầu hết các trường hợp bỏ dở chương trình là do không nhận được sự quan tâm giúp đỡ tích cực từ gia đình và cộng đồng xã hội. Nhiều gia đình vì chán nản do con em họ đã cai nghiện nhiều nơi không thành công hoặc do công việc làm ăn bận rộn nên không mặn mà với hình thức này. Họ phó mặc cho con em mình tự tìm đến cơ sở y tế, tự lo bản thân trong khi người nghiện là đối tượng rất dễ bị kẻ xấu dụ dỗ dẫn đến vi phạm pháp luật hoặc tiếp tục sử dụng ma túy. Thêm nữa, mặc dù đơn vị đã thực hiện tốt công tác chuyển tiếp việc hỗ trợ cai nghiện bằng Methadone cho các đối tượng khi có nhu cầu đến các địa phương khác, song không ít đối tượng khi đến nơi ở mới lại không tham gia, hoặc tham gia không đều nên kết quả mang lại không như mong muốn.

Ngược lại, những đối tượng được người thân quan tâm, tạo điều kiện thì hiệu quả điều trị rất cao. Có những người tham gia từ năm 2014 đến nay và mỗi lần đến cơ sở điều trị để được uống thuốc đều có người thân đi cùng. Nhiều người vợ sẵn sàng bỏ thời gian, công sức để đưa chồng đến cơ sở uống Methadone bất kể trời mưa hay nắng.

Tính đến nay, lũy tích số bệnh nhân đã tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone trên địa bàn tỉnh ta là 433, song chỉ có 251 số người đang uống thuốc hàng ngày. Tại cơ sở điều trị ở Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, lũy tích số bệnh nhân đã tham gia điều trị là 376 người nhưng hiện tại chỉ có 189 người đang tuân thủ điều trị. Đáng lo ngại là đa số bệnh nhân đều đang trong độ tuổi lao động, không ít người có tuổi sử dụng ma túy trên 10 năm.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc người nghiện bỏ điều trị nhiều dù họ được cải thiện rất tốt về sức khoẻ, tinh thần là do thiếu việc làm ổn định, dẫn đến tâm lý buồn chán, tái sử dụng ma tuý hoặc nghỉ điều trị Methadone để tìm kiếm việc làm... Điều đó tác động lớn đến kết quả điều trị. Khó khăn nữa là hiện các cơ sở điều trị Methadone chưa được triển khai rộng khắp, mới chỉ có 3 điểm ở trung tâm TP. Đồng Hới, huyện Tuyên Hóa và huyện Lệ Thủy, trong khi theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có khoảng 2.500 người có liên quan đến ma túy, phân bố trên địa bàn 129 xã, phường, thị trấn. Do đó, người bệnh muốn điều trị bằng Methadone phải lặn lội một quãng đường khá xa mới tiếp cận được. Hầu hết những người bỏ ngang không theo đủ chương trình điều trị  đã quay lại sử dụng ma túy.

Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được xác định là cần phải thực hiện lâu dài và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ Y tế. Do vậy, để nâng cao hiệu quả và duy trì kết quả điều trị, thiết nghĩ các cơ quan chức năng  cần nghiên cứu việc kết hợp chương trình điều trị với dạy nghề, hỗ trợ  việc làm phù hợp, lâu dài cho người bệnh nhằm tạo động lực cho người nghiện tìm tới các cơ sở điều trị Methadone cai nghiện. Mặt khác, công tác này cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các ban, ngành, địa phương, nhất là cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động.

Nhật Văn

>> Điều trị nghiện bằng Methadone: Khó chồng khó- Bài 1