.

Nỗ lực phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

Thứ Hai, 17/07/2017, 08:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Hàng năm, vào các thời điểm giao mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường dẫn đến các bệnh liên quan đến đường tiêu hoá, hô hấp. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh được ngành Y tế rất chú trọng. Toàn ngành đã tăng cường các hoạt động giám sát, chuẩn bị thuốc men, hóa chất, vật tư, củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ chuyên môn.

Thực tế cho thấy, tình trạng nắng nóng kéo dài, thiếu nguồn nước sinh hoạt, ô nhiễm môi trường... là một trong những yếu tố rất dễ làm phát sinh các loại dịch bệnh vì đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loại vi rút gây bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt là các bệnh: chân- tay -miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu, dịch tiêu chảy cấp, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1... đe dọa sức khỏe, tính mạng của cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế cho biết, để ứng phó với các nguy cơ dịch bệnh trong thời điểm giao mùa, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tập trung vào việc giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát các ca bệnh có nguy cơ lây truyền cao tại các cơ sở điều trị. Với phương châm “phòng hơn chống”, ngành đã tổ chức các đoàn kiểm tra về công tác phòng, chống dịch bệnh ở từng huyện, thị xã, thành phố, tập trung ở những thôn, bản thuộc vùng sâu, vùng xa.

Tại huyện Minh Hóa, một trong những địa phương có nhiều địa bàn từng là trọng điểm của dịch sốt rét, đến thời điểm này, mọi chỉ số giám sát về côn trùng đều thấp, chưa có dịch bệnh xảy ra. Bác sĩ Lê Đình Thi, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Minh Hóa cho hay, để có được kết quả trên, trung tâm thường xuyên tổ chức các đợt điều tra giám sát dịch ở cơ sở, nhất là các vùng giáp biên giới, các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Ngoài việc tổ chức các chiến dịch phun hóa chất, tẩm màn tại các vùng sốt rét lưu hành và vùng trọng điểm, tập trung các hoạt động giám sát vệ sinh môi trường, cán bộ y tế làm công tác dự phòng còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân cách phát hiện các loại dịch bệnh và biện pháp dự phòng tại cộng đồng. Ở nhiều thôn, bản, cán bộ y tế còn giúp dân thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm quanh nhà, tạo không gian sinh hoạt thoáng đãng để ngăn chặn sự phát triển của muỗi và các loại côn trùng có khả năng truyền bệnh khác.

Cán bộ nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng Minh Hóa khử trùng nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân.
Cán bộ nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng Minh Hóa khử trùng nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Mạng lưới y tế dự phòng từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, theo dõi, giám sát dịch bệnh trên địa bàn, nhất là các ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời. Nhờ nắm chắc tình hình diễn biến của các loại dịch bệnh, chủ động triển khai các hoạt động dự phòng có hiệu quả, nên từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh luôn được kiểm soát tốt, không để xảy ra các ổ dịch trên các cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao, nên ngành đã xây dựng các phương án cụ thể để ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra, trong đó, chú trọng đến việc kiện toàn những đội cơ động chống dịch ở các Trung tâm Y tế dự phòng huyện, thị xã, thành phố; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện và các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh đã chủ động bố trí đủ về cơ sở vật chất, sắp xếp cải tiến quy trình khám bệnh hợp lý để thu dung, cách ly nhằm điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân mắc các loại bệnh dịch, không để mầm bệnh phát tán gây dịch trong bệnh viện hoặc lan ra cộng đồng.

Điều đáng ghi nhận là trước những diễn biến phức tạp do vi rút Zika gây ra, ngành Y tế tỉnh ta đã kịp thời xây dựng các biện pháp ứng phó và triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh. Ngành đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về phương pháp phát hiện, chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân trúng, đúng, kịp thời. Công tác phối hợp đồng bộ giữa ngành Y tế và các lực lượng chức năng tại các cửa khẩu, cảng biển trong giám sát đối với người, phương tiện và hàng hóa nhập cảnh từ các quốc gia, vùng có dịch bệnh do vi rút Zika được tăng cường để phát hiện sớm các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh hay có yếu tố dịch tễ liên quan. Bên cạnh đó, ngành còn lồng ghép hoạt động phòng, chống vi rút Zika với việc giám sát trọng điểm bệnh sốt xuất huyết, tập trung vào những nơi có chỉ số muỗi Aedes cao. Ngành cũng đã chuẩn bị đẩy đủ nguồn nhân lực, thiết bị, phương tiện để triển khai các biện pháp bao vây, khống chế, xử lý dịch kịp thời khi phát hiện sự xâm nhập của vi rút Zika, không để dịch bùng phát trên diện rộng. Tại các bệnh viện, việc khám, sàng lọc dịch bệnh ngay từ phòng khám cũng được chú trọng; đồng thời thành lập đội cấp cứu, chống dịch ngoài bệnh viện, bảo đảm đủ cơ sở số thuốc điều trị tại chỗ và dự phòng, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh.  

Xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc giúp người dân chủ động chăm sóc bảo vệ sức khỏe, ngành Y tế mà vai trò hạt nhân là Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức, như: truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức nhiều đợt nói chuyện, tư vấn kiến thức chăm sóc sức khỏe lưu động tại các địa bàn xã, phường trọng điểm trên toàn tỉnh. Qua đó, cán bộ y tế đã phổ biến cho người dân những kiến thức cơ bản về phòng chống dịch bệnh, như: nguyên nhân, triệu chứng, cách phát hiện bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng; vận động nhân dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm, giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh các nhân, rửa tay bằng xà phòng và thực hiện ăn chín uống sôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, hiện đang là thời điểm giao mùa, nhiệt độ môi trường thay đổi liên tục, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển và lây lan, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do vi rút gây nên. Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là người cao tuổi, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai... nên việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cần phải được thực hiện hiệu quả ngay từ cơ sở. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực phòng chống dịch bệnh của ngành Y tế, mỗi người dân cần nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường sống và chủ động đến các cơ sở y tế khi có triệu chứng mắc bệnh để được khám, điều trị kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe và tránh lây lan ra cộng đồng.

Nh.V