.

Nguy cơ nhiễm bệnh tại bể bơi công cộng

Thứ Hai, 19/06/2017, 09:19 [GMT+7]

Bơi lội là một thú vui không thể thiếu trong ngày hè oi ả. Đi bơi thường xuyên không chỉ giúp chúng ta có một sức khỏe tốt, một cơ thể đẹp mà còn làm dịu đi cái nóng bức của mùa hè nắng gắt.

Bơi lội là một thú vui không thể thiếu trong ngày hè oi ả. Đi bơi thường xuyên không chỉ giúp chúng ta có một sức khỏe tốt, một cơ thể đẹp mà còn làm dịu đi cái nóng bức của mùa hè nắng gắt. Tuy nhiên, đằng sau rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, khi quyết định đi bơi tại các hồ bơi công cộng cũng là lúc chúng ta phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nhiều cha mẹ chọn lựa dịp hè để đưa con đi học bơi, tuy nhiên, chính họ cũng không biết liệu tắm ở bể bơi công cộng có đảm bảo về sức khỏe cho bản thân và con cái của mình... Nhiều người còn chủ quan cho rằng, thực ra họ cũng không biết được nước ở các bể bơi sạch đến đâu và được kiểm tra, kiểm soát độ sạch như thế nào? Họ chỉ nhìn thấy mọi người đi bơi thì mình cũng đi.

Nguy cơ nhiễm bệnh tại bể bơi công cộng

Theo các bác sĩ về da liễu, phụ khoa, ở bể bơi công cộng có khá nhiều nguy cơ lây bệnh do đặc điểm nguồn nước có thể không đảm bảo vệ sinh hoặc là mật độ quá đông làm cho ô nhiễm nguồn nước. Nhiều chuyên gia nghiên cứu về nguồn nước cho biết, 60% bể bơi chứa các vi khuẩn độc hại, trong đó 58% chứa vi khuẩn e.Coli - thủ phạm chính gây ra tiêu chảy và các bệnh đường ruột. Bể bơi quá đông sẽ khiến nước càng bẩn và dễ gây bệnh. Chính vì thế, theo các bác sĩ, nếu chúng ta đi bơi ở những bể bơi có nguồn nước không đảm bảo thì nguy cơ mắc một số bệnh như bệnh ngoài da, bệnh đau mắt đỏ, bệnh tai mũi họng, bệnh viêm nhiễm bộ phận sinh dục và cơ quan tiêu hóa rất cao. Khi nước hồ bơi bị nhiễm bẩn, da cũng dễ bị nổi mụn, gây ngứa ngáy khó chịu, trường hợp nặng hơn có thể bị viêm da. Nước hồ bơi khi nhiễm khuẩn có thể làm cho mắt bị viêm kết mạc. Ngoài ra, việc bể bơi không được thay nước thường xuyên, lạm dụng hóa chất sát khuẩn quá nhiều cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây bệnh, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người.

Hiện nay, các bể bơi công cộng đều sử dụng clo để làm sạch nước. Bên cạnh đặc tính khử vi khuẩn rất hữu ích của clo, nó cũng có một số tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm như với nồng độ cao, clo có mùi rất khó chịu, gây khó thở, gây kích ứng cho một số loại da... Bên cạnh đó, trên thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh bể bơi do muốn tiết kiệm chi phí đã không thường xuyên thay nước dẫn đến nguồn nước bị nhiễm bẩn. Chính vì vậy, các chuyên gia đã đưa ra những  khuyến cáo dành cho người dân khi đi bơi tại các bể bơi công cộng nhằm tránh mắc các bệnh lây nhiễm, nhất là đối với trẻ nhỏ thì cần chọn bể bơi có nguồn nước đảm bảo vệ sinh, không quá đông người, không đi bơi khi trên cơ thể có vết thương hở, trang bị bảo hộ như là kính bơi, mũ bơi... và đặc biệt quan trọng khi trẻ em đi bơi cần có sự giám hộ của người lớn để vừa giám sát trẻ, vừa tìm hiểu thông tin về bể bơi có sạch và đảm bảo an toàn hay không.

Theo Minh Hòa (Sức khỏe & Đời sống)