.

Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con

Thứ Sáu, 30/06/2017, 09:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con ở tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việc sử dụng các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã giảm được tình trạng trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang, không ít phụ nữ nhiễm HIV cũng đã được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Tuy nhiên, không ít phụ nữ mang thai nhiễm HIV vẫn chưa tiếp cận được với dịch vụ y tế hoặc quá muộn để ngăn ngừa lây truyền tự mẹ sang con…

Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở Quảng Bình triển khai từ năm 2006. Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, hiện nay, Quảng Bình đã phát hiện 18 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trong đó, các trường hợp này đều điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và các trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV.

Tháng 6 là tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2017. Với chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con”, các can thiệp y tế chính được chú trọng là: tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai; điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ họ bằng thuốc kháng HIV (ARV); tư vấn, hỗ trợ hình thức nuôi dưỡng phù hợp cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; chuyển tiếp chăm sóc tiếp tục tại cơ sở điều trị HIV/AIDS cho phụ nữ nhiễm HIV và con của họ sau sinh.

Bên cạnh đó, ngành Y tế tăng cường tổ chức hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức để người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai hiểu về lợi ích của việc quản lý thai, khám thai sớm trong 3 tháng đầu để được tư vấn và xét nghiệm HIV sớm; điều trị bằng thuốc ARV sớm ngay trong những tháng đầu của thai kỳ ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong việc giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Với phụ nữ mang thai nhiễm HIV, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con không chỉ là tình thương, trách nhiệm, quyền lợi của người mẹ với con mà còn là trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Chính vì vậy, phụ nữ khi mang thai nên đi làm xét nghiệm HIV để biết tình trạng nhiễm HIV của mình và nhận các can thiệp y tế phù hợp, nhằm giảm tối đa nguy cơ có thể lây nhiễm HIV cho con.

Cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn cho phụ nữ mang thai.
Cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn cho phụ nữ mang thai.

Theo các chuyên gia y tế, đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV, HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con trong thời gian mang thai (5-10%); khi chuyển dạ, sinh con (15-20%) và giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ (5-10%). Trong đó, nguy cơ lây lan cao nhất rơi vào giai đoạn chuyển dạ, sinh con và cho bú mẹ. Vì thế, việc phát hiện sản phụ nhiễm HIV sớm là vô cùng cần thiết để phòng ngừa nguy cơ lây truyền. Nếu như không có sự can thiệp nào, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể lên tới 25-40%, nhưng nếu người mẹ được dự phòng kịp thời và đầy đủ thì sẽ giảm nguy cơ xuống dưới 2-5%. Do vậy, người nhiễm HIV cần tiếp cận dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV sớm nhất có thể. Đây là bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất để giúp giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Nếu phụ nữ phát hiện HIV sớm ngay trong thời kỳ mang thai và được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus (ARV) theo đúng phác đồ, nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con sẽ rất thấp. Việc điều trị có thể bắt đầu từ khi phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV. Đến khi sinh, thai phụ cũng sẽ được chỉ định dùng thêm thuốc để phòng tránh. Khi trẻ được 18 tháng tuổi, cần xét nghiệm phát hiện kháng thể để xác định sớm tình trạng nhiễm HIV cho trẻ. Các bà mẹ sẽ tiếp tục được cán bộ y tế tư vấn về chăm sóc, điều trị hỗ trợ, đặc biệt là lựa chọn phương thức nuôi con thích hợp với hoàn cảnh, điều kiện.

Các chuyên gia y tế cũng đã khuyến cáo, khi mẹ bị nhiễm HIV, nguy cơ lây bệnh ở những trẻ bú mẹ là khoảng 15%, vì HIV trong sữa mẹ có thể lây sang con theo đường tiêu hóa (nếu trẻ chưa nhiễm HIV). Thời gian bú mẹ càng dài, trẻ càng có nhiều nguy cơ hơn. Vì vậy, người mẹ nhiễm HIV không nên nuôi con bằng sữa mẹ, mà phải dùng sữa ngoài thay thế. Phụ nữ có HIV, phụ nữ mang thai có HIV, trẻ em sinh ra từ mẹ có HIV và người thân của họ cần được xét nghiệm sớm để tầm soát lây truyền.

Thực hiện tốt các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm, sẽ bớt đi những đứa trẻ bị nhiễm HIV, bớt đi nỗi đau của những gia đình có người nhiễm HIV. “Phụ nữ mang thai nhiễm HIV có thể sinh ra trẻ không nhiễm khi được điều trị dự phòng sớm bằng thuốc kháng virut”; “Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cần được nuôi dưỡng an toàn theo chỉ dẫn của cán bộ y tế”; “Nam giới hãy chủ động dự phòng lây nhiễm HIV cho mình và người thân”... là những thông điệp truyền thông muốn chuyển tới cộng đồng nói chung và các bà mẹ mang thai nói riêng. Muốn sinh ra những đứa con khỏe mạnh, phụ nữ mang thai hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm HIV sớm, để được chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc kháng vi rút ARV.

T. Hoa - H.Dũng