.

Đưa y học cổ truyền đến gần dân

Thứ Tư, 28/06/2017, 08:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, mạng lưới khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền được củng cố, phát triển rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, mạng lưới y học cổ truyền cơ bản đã đến được với nhiều xã trên địa bàn toàn tỉnh, tạo niềm tin trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là những bệnh nhân có bệnh mãn tính, phải điều trị dài ngày.

Tuyến y tế cơ sở có 157 trạm y tế xã, phường, thị trấn thì có 72 trạm y tế có hoạt động khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và có vườn thuốc nam mẫu. Ở nhiều tuyến xã trong tỉnh, chi hội Đông y hoạt động lồng ghép với trạm y tế để thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Hiện tại, kết quả khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại tuyến xã trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 23% trong tổng số khám và điều trị chung. Gần 50% trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh có tổ chức khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho tuyến điều trị sử dụng phương pháp y học hiện đại, do chi phí điều trị thấp, thuốc y học cổ truyền có thể sử dụng dài ngày, không gây tác dụng phụ.

Để bảo đảm thực hiện được mục tiêu tất cả mọi người dân có thể tiếp cận dễ dàng và thuận tiện với nền y học cổ truyền, ngay tại mỗi trạm y tế, Sở Y tế đã bố trí chuyên trách 1 y sĩ y học cổ truyền trực tiếp thăm, khám bệnh; dành riêng 1 phòng y học cổ truyền với đầy đủ các trang thiết bị, như: giường bệnh, quầy thuốc đông dược, máy điện châm, đèn hồng ngoại... để thuận tiện cho việc khám chữa bệnh nội trú. Mỗi trạm y tế còn được đầu tư xây dựng 1 vườn thuốc nam với nhiều loại cây thuốc quý, kịp thời cung ứng các bài thuốc hay, tạo cảnh quan môi trường tốt; đồng thời, qua đó, giới thiệu, phổ biến và hướng dẫn cho nhân dân địa phương cách trồng và sử dụng một số loại cây thuốc thông dụng để phòng và điều trị một số bệnh thông thường.

Trạm y tế xã Dương Thủy từ khi xây dựng đã dành riêng một phần diện tích cho vườn thuốc nam. Đến nay, vườn đã có trên 20 loại cây thuốc với 8 nhóm thuốc. Mỗi nhóm đều có bảng ghi tên khoa học, tên thường gọi và công dụng. Để vườn thuốc  nam phát triển tốt, cán bộ trạm y tế thường xuyên sưu tầm thêm cây thuốc đưa về trồng, đồng thời, hướng dẫn cho người dân biết ý nghĩa của cây, từ đó nhân giống trồng tại nhà.

Việc triển khai khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại tuyến cơ sở đã tạo cơ hội cho người dân lựa chọn thêm một phương pháp điều trị khác ngoài y học hiện đại.
Việc triển khai khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại tuyến cơ sở đã tạo cơ hội cho người dân lựa chọn thêm một phương pháp điều trị khác ngoài y học hiện đại.

Anh Phạm Thanh Hải, Trạm trưởng Trạm y tế xã Dương Thủy cho biết: "Trạm y tế xã Dương Thủy mỗi năm thu hút khoảng 4.000-5.000 lượt bệnh nhân, trong đó, trên 35% bệnh nhên điều trị bằng y học cổ truyền. Trạm có một bác sĩ y học cổ truyền có kinh nghiệm, ứng dụng tốt các phương pháp chữa bệnh đa dạng, từ châm cứu, xoa bóp bấm huyệt... Nhờ thế, bệnh nhân có những bệnh lý, như: viêm khớp, di chứng tai biến mạch máu não, đau thần kinh tọa, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, thoái hóa cột sống..., đều phục hồi với hiệu quả rất cao". Công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở Dương Thủy đã góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến, giảm chi phí đi lại, chi phí điều trị.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều trưởng trạm y tế cho biết, trung bình mỗi ngày, phòng khám y học cổ truyền của mỗi trạm y tế đều thu hút trên 10 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Đa số bệnh nhân đến đây để điều trị bệnh khớp, thần kinh tọa, suy nhược cơ thể, bong gân, đau mỏi cơ... Đến khám, người bệnh được áp dụng đầy đủ các phương pháp về y học cổ truyền theo đúng quy định chuyên môn, từ việc khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc cho đến việc áp dụng các phương pháp không dùng thuốc, như: xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu..., nên kết quả đem lại rất cao mà chi phí thấp. Ngoài ra, đối với các bệnh thông thường, trạm còn hướng dẫn người dân sử dụng thuốc nam để điều trị, đem lại hiệu quả không nhỏ. Từ đó, người dân ngày càng có ý thức hơn trong việc tự trồng một số loại cây thuốc nam thông dụng ở nhà để tiện trong việc sử dụng.

Đánh giá về hiệu quả khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại tuyến xã, ông Phan Nam Bình, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế cho biết: "Việc đưa y học cổ truyền về tuyến xã đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nhiều phương pháp chữa bệnh, hạn chế được nhiều chi phí cho người dân. Đồng thời, việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho tuyến điều trị sử dụng phương pháp hiện đại, nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân".

Mạng lưới khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm y tế xã phát triển khẳng định ưu thế của y học cổ truyền trong phòng, chữa bệnh tại cộng đồng. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, như: thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực...

Trạm y tế xã Cam Thủy có hoạt động khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tốt hơn ở các trạm y tế khác trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Mỗi năm, trạm y tế xã thu hút khoảng 4.000 lượt người đến khám và chữa bệnh, trong đó, có khoảng 30-35 % bệnh nhân khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Vườn thuốc nam có trên 50 loại, tạo điều kiện cho người dân sử dụng điều trị một số bệnh đơn giản. Tuy nhiên, trạm không có phòng đông y riêng, không có phòng bốc thuốc, trang thiết bị khám chữa bệnh còn sơ sài, nên việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền chỉ mới dừng lại ở phương pháp không dùng thuốc, như: châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt và hướng dẫn người dân sử dụng cây thuốc nam.

Để đẩy mạnh hoạt động khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại tuyến xã, ngành Y tế và các địa phương cần tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm y tế trên cơ sở, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực y học cổ truyền...

Phạm Hà