.

Đưa kiến thức dân số và sức khỏe sinh sản vào trường học

Thứ Hai, 05/06/2017, 14:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Ở Việt Nam, trong thời gian gần đây, giáo dục giới tính đã bắt đầu được quan tâm rộng rãi. Lứa tuổi học sinh, sinh viên đang là giai đoạn có sự thay đổi mạnh mẽ về cả sinh lý và tâm lý. Sự bùng nổ thông tin, giao thoa văn hóa đã ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ và hành vi của lứa tuổi này. Vì vậy, nếu được giáo dục định hướng đúng, các em sẽ phát triển toàn diện và vượt qua những khó khăn, trở ngại của cuộc sống.

Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục dân số và kiến thức về sức khỏe sinh sản (SKSS), Trường đại học Quảng Bình đã đưa môn học Giáo dục dân số và môi trường vào giảng dạy, đây là một trong các môn học bắt buộc đối với sinh viên. Đến với môn học, các em được trang bị những kiến thức cơ bản về dân số, KHHGĐ; mối quan hệ giữa sự gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế; dân số và các vấn đề xã hội, như: giáo dục, y tế; những hệ lụy của việc sinh con thứ 3, chênh lệch giới tính khi sinh... Ngoài ra, tại các buổi học các em được nói lên ý kiến, quan điểm của mình về các vấn đề, như: “yêu sớm” của giới trẻ; sống thử thời sinh viên; các kiến thức về SKSS...

Anh Vương Kim Thành, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Chủ nhiệm CLB “Sức khỏe sinh sản” cho biết, trên thực tế, hiện nay, việc giáo dục giới tính cho học sinh, sinh viên chưa được áp dụng rộng rãi và phổ biến ở các trường học mà chỉ trên cơ sở lồng ghép vào một số môn học hoặc nói chuyện chuyên đề với thời lượng ít ỏi. Bước vào môi trường đại học, các em phải sống xa nhà, xa tình yêu thương của gia đình, khi gặp những bế tắc, các em dễ bị cuộc sống ồn ào, mới lạ lôi cuốn, bị ảnh hưởng bởi lối sống “tình yêu thời mở cửa” dẫn đến những sai lầm đáng tiếc. Nhiệm vụ giáo dục DS - SKSS trong nhà trường có ý nghĩa rất quan trọng và là một việc làm thiết thực nhằm trang bị những kiến thức cho các em bước vào đời vững vàng hơn. Ngoài ra, mục đích của nhà trường đưa môn học này vào giảng dạy cho khối sư phạm còn để các em nắm vững kiến thức và sau này ra trường có thể truyền đạt lại cho học trò của mình.

Một tiết học của môn Giáo dục dân số và môi trường của sinh viên Trường đại học Quảng Bình.
Một tiết học của môn Giáo dục dân số và môi trường của sinh viên Trường đại học Quảng Bình.

Bên cạnh việc đưa môn học Giáo dục dân số và môi trường vào giảng dạy, năm 1996, nhà trường thông qua Hội Sinh viên đã thành lập “CLB sức khỏe sinh sản” nhằm tạo ra một diễn đàn mở, dân chủ và lành mạnh cho sinh viên để tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về vấn đề dân số và SKSS. CLB hiện thu hút hơn 50 hội viên tham gia, mỗi tháng sinh hoạt 1 lần, các chủ đề được đề cập đến trong buổi sinh hoạt, như: SKSS, sống thử thời sinh viên, khám sức khỏe tiền hôn nhân...

Không chỉ sinh hoạt hàng tháng, CLB còn mời các chuyên gia của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, Trung tâm SKSS trực tiếp tư vấn cho các bạn sinh viên về các biện pháp phòng tránh thai, hệ quả của việc nạo phá thai, lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân, nguy cơ lây nhiễm các bệnh tình dục và HIV/AIDS... Đặc biệt, trong phòng sinh hoạt CLB, một tủ không khóa đựng bao cao su và các tờ rơi tuyên truyền, tư vấn, sẵn sàng phục vụ các bạn sinh viên trong trường.

Bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng DS - KHHGĐ, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh cho biết, Trường đại học Quảng Bình được đánh giá là một đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền dân số. Không chỉ đưa lĩnh vực dân số vào môn học, nhà trường còn thành lập các CLB “sức khỏe sinh sản”, “giáo dục đồng đẳng” nhằm tuyên truyền kiến thức về DS - SKSS - KHHGĐ cho sinh viên trong trường. Ngoài việc chủ động sinh hoạt thường xuyên tại trường, các CLB này đã làm rất tốt việc phối hợp với các chuyên gia dân số, y tế để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Hiện nay, tại các trường THPT, đại học, cao đẳng..., việc “yêu sớm” của giới trẻ diễn ra rất nhiều, việc làm của Trường đại học Quảng Bình cần được nhân rộng ra các cơ sở giáo dục đào tạo khác trong toàn tỉnh.

Trong thời gian tới, nhà trường và các cơ quan chuyên môn cần tăng cường liên kết, cải tiến nội dung và phương thức hoạt động, như: lồng ghép vấn đề DS - SKSS vào các chương trình văn nghệ, thành lập các CLB thành viên ở các khoa, tổ chức các buổi giao lưu với các đơn vị khác trong tỉnh... Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần tổng kết, đánh giá kết quả và kinh nghiệm trong công tác giáo dục dân số, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, hoạt động của CLB SKSS để có định hướng và điều chỉnh thích hợp.

T. Hoa