.

Đẩy mạnh truyền thông trong công tác dân số

Thứ Hai, 05/06/2017, 08:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Xác định truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hành vi, nâng cao nhận thức trong công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hướng tới mục tiêu thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh, không phân biệt giới tính, không ngừng nâng cao chất lượng dân số...

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động và cung ứng dịch vụ DS - KHHGĐ trên địa bàn toàn tỉnh được chú trọng, thường xuyên với các hình thức truyền thông trực tiếp và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh đã chỉ đạo các Trung tâm DS - KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố duy trì những hoạt động tuyên truyền, tư vấn, nói chuyện chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác DS - KHHGĐ trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt là vấn đề nâng cao chất lượng dân số, giảm thiểu chênh lệch giới tính khi sinh...

Năm 2016, toàn tỉnh đã tổ chức được 2.579 buổi truyền thông lưu động, nói chuyện chuyên đề, truyền thông nhóm nhỏ, tư vấn tại hộ gia đình, lồng ghép các buổi sinh hoạt CLB về DS - SKSS - KHHGĐ và các mô hình nâng cao chất lượng dân số, thu hút hơn 30.000 lượt người tham gia; đăng, phát 2.260 tin bài, tuyên truyền về công tác DS – KKHGĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh đã tổ chức 3 cuộc diễu hành, cổ động, treo hơn 500 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11-7), chiến dịch truyền thông nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tổ chức tư vấn, truyền thông tại 12 xã thuộc vùng có mức sinh cao, vùng khó tiếp cận và tại địa bàn có tỷ lệ chênh lệch giới tính cao khi sinh nhằm hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26-12, thu hút 600 đối tượng tham gia.

Báo Quảng Bình luôn tích cực tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Báo Quảng Bình luôn tích cực tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Bên cạnh đó, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh đã thường xuyên phối hợp với Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Gia đình - Xã hội... thực hiện các chương trình, chuyên trang, chuyên mục về những vấn đề nổi cộm, các tấm gương người tốt, việc tốt trong lĩnh vực DS-KHHGĐ. Nhiều thông tin chỉ dẫn thiết thực được chuyển tải đến người dân một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và giàu sức thuyết phục. Đặc biệt, việc tuyên truyền các hoạt động truyền thông dân số cho vị thành niên, thanh niên cũng được các báo, đài quan tâm, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của vị thành niên, thanh niên về công tác DS - KHHGĐ, chăm sóc SKSS vị thành niên, trang bị những kiến thức cơ bản về SKSS, tránh xa các tệ nạn xã hội...

Theo ông Vũ Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Tuyên Hóa, truyền thông có vai trò rất quan trọng trong công tác dân số. Xác định được tầm quan trọng này, năm 2016, Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Tuyên Hóa đã phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện tuyên truyền với chủ đề: “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên”; đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn treo băng rôn, khẩu hiệu nhân kỷ niệm Ngày Dân số thế giới (11-7); Ngày Dân số Việt Nam (26-12)... Đơn vị còn phối hợp với Công ty cổ phần quốc tế Thăng Long tổ chức 36 hội nghị truyền thông về chăm sóc SKSS cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thu hút 1.900 lượt người tham gia.

Còn theo chị Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Bố Trạch, truyền thông là cánh tay phải của công tác dân số. Xác định được tầm quan trọng của truyền thông, thời gian qua, huyện Bố Trạch nỗ lực duy trì và tăng cường công tác này trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành vi của người dân trong việc thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ. Công tác truyền thông giáo dục đã đổi mới không chỉ về mặt tổ chức mà còn chú trọng về nội dung và phương pháp, bằng nhiều loại hình, mô hình phù hợp với tâm lý, phong tục, tập quán của từng đối tượng, hướng đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nội dung tuyên truyền cũng phong phú hơn, ngoài việc vận động giảm sinh, thực hiện các biện pháp tránh thai, còn tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc SKSS, các hoạt động nâng cao chất lượng dân số...

Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay, công tác truyền thông nâng cao nhận thức về DS - KHHGĐ, thay đổi hành vi cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn một số hạn chế, như: truyền thông chưa đủ mạnh để thay đổi hành vi, nhận thức của người dân về vấn đề DS - KHHGĐ chưa cao; tập quán và tư tưởng lạc hậu vẫn chi phối đời sống và hành động. Mặt khác, kinh phí hỗ trợ cho công tác DS - KHHGĐ còn hạn chế nên hoạt động truyền thông chưa có chiều sâu, thiếu tính sáng tạo và đổi mới về nội dung lẫn hình thức...

Trong thời gian tới, công tác truyền thông cần tập trung ưu tiên các địa bàn có mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cao, hướng đến các đối tượng có nguy cơ và tình trạng SKSS kém, chủ động và đa dạng hoá mô hình, hình thức truyền thông, nhất là tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở ở huyện, xã nhằm đưa thông tin tới người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Thanh Hoa