.
Hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31-5-2017

Cùng hành động vì môi trường xanh

Thứ Tư, 31/05/2017, 10:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn chủ đề “Thuốc lá - mối đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia”. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới đề cập tới những tổn thất về sức khỏe và kinh tế, những tác động tiêu cực tới mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu cũng như của từng quốc gia do việc sử dụng thuốc lá gây ra.

Theo WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, trong đó, 80% số ca tử vong sớm là ở các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, theo thống kê tại Bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách y tế năm 2011 cũng cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam chiếm 75% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Cùng với các tổn thất về sức khỏe, sử dụng thuốc lá cũng gây ra các tổn thất về kinh tế và là một trong những nguyên nhân của sự nghèo đói. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở những người trưởng thành tại Việt Nam cho thấy, năm 2015, số tiền người dân Việt Nam chi mua thuốc lá là 31 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm bởi 5 nhóm bệnh, trong số 25 bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra là ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, là hơn 23 nghìn tỷ đồng/năm.

Đoàn Thanh niên Sở Y tế tham gia diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5 và Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc.
 Đoàn Thanh niên Sở Y tế tham gia diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5 và Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc.

Những năm vừa qua, các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình đã triển khai các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, các tổ chức và quần chúng đã thực hiện các quy định về cấm hút thuốc lá trong công sở và ở nơi công cộng. Tuy nhiên, quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát cho thấy tình trạng hút thuốc lá tuy có giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến trong công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và ở các đám cưới, đám tang, sinh hoạt tập thể của gia đình, bạn bè và ở nơi công cộng. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện các quy định cấm hút thuốc lá và chưa thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Nhằm đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp, các tổ chức và quần chúng đối với công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới lấy ngày 31-5 hàng năm là Ngày thế giới không thuốc lá.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh về việc tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31-5-2017, Ban chỉ đạo Chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh đã tập trung tổ chức triển khai các hoạt hoạt động, như: mít-tinh, diễu hành hưởng ứng Ngày thế giới không khói thuốc 31-5 và Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc từ ngày 25-5 - 31-5-2017. 

Để thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá, Ban chỉ đạo tỉnh sẽ tiếp tục duy trì công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về quy định cấm hút thuốc tại: nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, khách sạn, các nơi làm việc trong nhà của nhà hàng, bến tàu, bến xe, nhà ga, trên các phương tiện giao thông công cộng; quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, người đứng đầu, người quản lý các địa điểm cấm hút thuốc trong phòng, chống tác hại của thuốc lá; quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại thuốc lá cũng như nghĩa vụ của người hút thuốc lá; các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; quy định cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá dưới mọi hình thức; quy định cấm bán thuốc lá tại các địa điểm có quy định cấm hút thuốc; tác hại của hút thuốc đối với sức khỏe và kinh tế; ý nghĩa của việc thực hiện môi trường không khói thuốc, các mô hình, tấm gương cơ quan đơn vị thực hiện tốt các quy định về môi trường không khói thuốc, tấm gương cá nhân bỏ thuốc.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị; đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước; lồng ghép phong trào xây dựng Làng văn hóa - sức khỏe với xây dựng cộng đồng dân cư không có người hút thuốc lá, thuốc lào, xây dựng cộng đồng dân cư không thuốc lá; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại các nơi làm việc, nhà hàng, trên các phương tiện giao thông công cộng và các địa điểm theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.

Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia ưu tiên thúc đẩy các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, lồng ghép trong các chương trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, đồng thời khuyến khích sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động này.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; lồng ghép việc kiểm tra tình hình thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá trong các đoàn kiểm tra liên ngành trên địa bàn quản lý, đặc biệt là kiểm tra việc tổ chức treo biển báo cấm hút thuốc, tình hình tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá tại các địa điểm có quy định cấm, trách nhiệm của người đứng đầu và xử phạt nghiêm theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP và các nghị định xử phạt khác có liên quan đến lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đồng thời, tỉnh chú trọng việc giáo dục, truyền thông, thực hiện môi trường không khói thuốc trong các trường phổ thông, trung học, cao đẳng, đại học để học sinh, sinh viên chính là những tuyên truyền viên trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Mặt khác, để giảm tỷ lệ hút thuốc trong nam giới và trong các đơn vị, cần đưa ra các mục tiêu rõ ràng và có cam kết cụ thể. Đối với người không hút thuốc cần cam kết, phấn đấu không hút thuốc; người đang hút cần giảm hút và tiến tới bỏ thuốc lá; có khu vực hút thuốc lá dành riêng cho người hút thuốc tại các cơ quan đơn vị...

Để phòng, chống các bệnh có thể xảy ra do nguyên nhân từ sử dụng thuốc lá, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, chúng ta hãy chung tay cùng hành động vì một môi trường xanh.

L.H