.

Triển khai thành công kỹ thuật làm cầu nối động mạch

Thứ Tư, 19/04/2017, 09:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Phẫu thuật tạo rò động - tĩnh mạch (FAV) hay tạo cầu nối động - tĩnh mạch là phẫu thuật bắt buộc đối với bệnh nhân suy thận mãn tính ở giai đoạn cuối trước khi lọc thận nhân tạo. Việc áp dụng kỹ thuật này tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới sẽ giúp bệnh nhân không phải lặn lội lên các bệnh viện ở tuyến trên để phẫu thuật.

Trong thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho những bệnh nhân suy thận mãn có chỉ định chạy thận nhân tạo, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới đã triển khai kỹ thuật phẫu thuật nối động - tĩnh mạch cho chạy thận nhân tạo chu kỳ (FAV), còn được gọi là kỹ thuật phẫu thuật cầu tay để chạy thận nhân tạo. Kỹ thuật này đã phát triển ở các bệnh viện tuyến Trung ương từ lâu, song do trước đây, bệnh viện chưa thực hiện được nên các ca suy thận phát hiện mới đều được chuyển lên các bệnh viện tuyến Trung ương để tiến hành phẫu thuật. Bắt đầu từ tháng 12-2016, Khoa Thận - Tiết niệu – cơ xương khớp phối hợp với Khoa Ngoại Chấn thương để thực hiện kỹ thuật này.

Bệnh nhân đang được chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam Cu Ba-Đồng Hới.
Bệnh nhân đang được chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam Cu Ba-Đồng Hới.

FAV là phẫu thuật vi phẫu, vị trí đầu tiên được chọn lựa để phẫu thuật là ở cổ tay của tay không thuận, nối giữa tĩnh mạch và động mạch quay, đây là vị trí xa nhất để tạo ra đường mạch máu dài nhất có thể được. Trong quá trình thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân được gây tê tại chỗ hoặc tê vùng cánh tay. Nếu thất bại, những lần mổ sau, vị trí lần lượt gần hơn ở cẳng tay cho đến dưới và khuỷu, nối giữa tĩnh mạch đầu và động mạch cánh tay. Vết thương của bệnh nhân chỉ dài khoảng 3-4cm nên thời gian bình phục, liền da rất nhanh. Sau 4 - 6 tuần phẫu thuật, bệnh nhân có một đường tĩnh mạch đã được động mạch hóa có thể gắn kim và đủ lưu lượng để chạy thận trong nhiều năm.

Các bác sỹ cho biết, trước đây, bệnh viện chỉ thực hiện lọc máu chu kỳ điều trị cho những bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối. Tuy nhiên, trước khi kết nối giữa máu người bệnh và máy lọc thận, bệnh nhân phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên để phẫu thuật FAV. Trước tình trạng số lượt người bệnh suy thận mãn đến Khoa Thận nhân tạo của bệnh viện ngày càng tăng và để giảm thiểu khó khăn trong việc đi lại, cũng như kịp thời trong việc điều trị ngay từ khi phát hiện bệnh nhân suy thận mãn cần chạy thận, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới đã triển khai thành công kỹ thuật này.

Khoa Thận - Tiết niệu – đơn vị thận nhân tạo hiện đang điều trị cho 100 bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo. Từ khi triển khai kỹ thuật mới, đã có thêm 30 bệnh nhân có chỉ định chạy thận được thực hiện kỹ thuật FAV, mang lại sự thuận lợi, giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho bệnh nhân.

Giang Sơn