.

Thông tin mới nhất về 7 bệnh nhân ngộ độc methanol tại Bệnh viện Bạch Mai

Thứ Tư, 01/03/2017, 15:59 [GMT+7]

 Điều đáng chú ý là 5/7 bệnh nhân này đến từ nhiều tỉnh khác nhau nhưng đều uống rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc trên địa bàn Hà Nội.

Theo ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, hiện Trung tâm đang điều trị cho 7 bệnh nhân bị ngộ độc methanol (cồn công nghiệp), trong đó có 2 bệnh nhân bị ngộ độc methanol do uống cồn y tế, 5 bệnh nhân được xác định ngộ độc do uống phải rượu độc chất, được pha bởi cồn công nghiệp methanol.

Điều đáng chú ý là 5/7 bệnh nhân này đến từ nhiều tỉnh khác nhau nhưng đều uống rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc trên địa bàn Hà Nội. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng toan chuyển hóa nặng, giảm thị lực, hôn mê, tụt huyết áp... Trong đó 3 ca đang trong tình trạng hôn mê.

 Một trong 7 bệnh nhân ngộ độc rượu đang điều trị tại BV Bạch Mai
Một trong 7 bệnh nhân ngộ độc rượu đang điều trị tại BV Bạch Mai

Trường hợp điển hình là bệnh nhân L.V.T, sinh năm 1969, quê Hà Tĩnh trú tại Phúc Thọ, Hà Nội - nhập viện ngày 27-2. Theo vợ bệnh nhân, anh T. làm ở Hà Nội hai tuần về nhà một lần. Thứ bảy vừa qua (tức 25-2), anh T. về nhà vẫn bình thường, nhưng đến sáng 26-2 thấy mờ mắt, thậm chí không đi được dép. Gia đình lập tức đưa anh vào Bệnh viện 105 Sơn Tây và sau đó chuyển lên Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai.

BSCKII. Đặng Thị Xuân - Phó giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân L.V.T bị ngộ độc rất nặng: Khi vào viện, bệnh nhân đã không nhìn thấy gì. Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm, bệnh nhân đã được kịp thời cấp cứu theo hướng ngộ độc rượu. Kết quả xét nghiệm cho thấy methanol trong máu bệnh nhân này lên tới 47,6 mg/dL (trong khi bình thường 20 mg/dL đã là rất nặng phải lọc máu).

Một trường hợp khác là bệnh nhân nam 38 tuổi, quê Nam Định, cũng vào viện ngày 27-2 trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn đã được cấp cứu ở tuyến dưới. Hiện tại bệnh nhân đang trong tình trạng rất nguy kịch…

Theo lời của người nhà, trong các ngày 20, 21, 22-2 bệnh nhân có uống rượu ở quán cơm bình dân gần nơi trọ ở Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội. Sau ngày đầu tiên, bệnh nhân xuất hiện tình trạng khó chịu nhưng những hôm sau vẫn tiếp tục uống.

Đến trưa 25-2, bệnh nhân bị hôn mê sâu và ngừng tuần hoàn, được đưa vào Bệnh viện Hà Đông cấp cứu, sau đó chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Theo các bác sĩ, mặc dù các phương tiện truyền thông đại chúng đã liên tục cảnh báo về tình trạng ngộ độc rượu chứa methanol nhưng vẫn còn rất nhiều bệnh nhân ngộ độc methanol phải vào viện.

Được biết, đa số các ca bệnh ngộ độc rượu là rượu trắng không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi ngoài thị trường, các nhà sản xuất ham lợi nhuận đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán thu lời.

BS Nguyên khuyến cáo: có một số ít người ngộ độc cồn y tế vì lầm tưởng loại cồn này có thể uống được. Đã có trường hợp ngộ độc cồn y tế rất nặng, thậm chí tử vong.

BS Nguyên nhấn mạnh: “Cồn y tế cũng là methanol, chỉ dùng để sát trùng chứ không thể uống. Methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ đc tích lũy dần gây các tổn thương cho người bệnh. Đa số bệnh nhân nhập viện muộn, mờ mắt (thậm chí bị mù), hôn mê, rối loạn chuyển hóa nặng, tổn thương não, hoại tử não... Chúng tôi mong các cơ quan chức năng có những phương án quyết liệt hơn nữa trong các khâu quản lý cồn công công nghiệp nhằm ngăn chặn tình trạng ngộ độc methanol do uống rượu được pha chế từ cồn công nghiệp đáng báo động như hiện nay".

BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết: "Rượu bia cực kỳ độc với hệ thần kinh, nhất là trong tình hình hiện nay rượu pha chế cồn công nghiệp (methanol) đang trôi nổi nhiều trên thị trường. Vụ ngộ độc rượu tập thể tại Lai Châu tháng 2-2107 vừa qua là một ví dụ.

Tại Trung tâm Chống độc, các bác sĩ cũng đã từng tiếp nhận có trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ methanol lên đến 687mg/lít, bệnh nhân tử vong không thể qua khỏi. Hoặc không ít các ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng não, mắt rất nặng nề, não căng phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não…Người bệnh tuy được cứu sống nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội"./.

Theo Thu Thủy/VOV.VN