.

Minh Hóa: Gian nan công tác dân số

Thứ Bảy, 04/03/2017, 19:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Minh Hóa là huyện miền núi nghèo, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như: Dân Hóa, Trọng Hóa, Thượng Hóa...

Những năm qua, mặc dù Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Minh Hóa đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nâng cao chất lượng dân số tại địa phương, nhưng tỷ lệ sinh con thứ 3, chênh lệch giới tính khi sinh vẫn còn cao, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn còn tái diễn...

Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo địa phương, sự phối hợp với các ngành, đoàn thể của huyện công tác DS-KHHGĐ của Minh Hóa đã đạt được một số kết quả. Năm 2016, các chỉ tiêu dân số quan trọng cơ bản được hoàn thành. Cụ thể, tỷ suất sinh là 17,59o/oo, giảm 1,01o/oo so với năm 2015; tổng số trẻ sinh ra là 942 cháu, giảm 15 cháu so với năm 2015; tổng số người áp dụng biện pháp tránh thai đạt 100% kế hoạch, trong đó, đình sản đạt 100% kế hoạch, thuốc tiêm tránh thai đạt 116% KH, thuốc uống tránh thai đạt 102% KH...

Việc thực hiện các dự án, đề án, mô hình thuộc chương trình DS-KHHGĐ được thực hiện hiệu quả. Các mô hình “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”, “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”, “Can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” được duy trì chất lượng tại các xã có đề án triển khai. Công tác tuyên truyền, vận động và cung ứng dịch vụ DS-KHHGĐ đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, nhất là trong việc nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, áp dụng các biện pháp tránh thai cho vị thành niên, thanh niên.

Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ huyện Minh Hóa hiện vẫn gặp không ít thách thức. Cụ thể, mức sinh còn cao, tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm chậm và đang có chiều hướng gia tăng trở lại ở một số địa phương. Năm 2016, số trẻ sinh ra là 942 cháu, trong đó, con thứ 3 trở lên là 189 cháu (chiếm tỷ lệ 20,06%). Nhiều xã vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có tỷ lệ sinh con thứ 3 còn cao,  như: Dân Hóa (tỷ lệ sinh con thứ 3 chiếm 40,9%), Hóa Phúc (40%), Tân Hóa (32,3%)....

Công tác dân số của huyện gặp nhiều khó khăn là do phần lớn đường giao thông liên xã ở vùng sâu, vùng xa là đường đồi núi khó đi, trong khi đó dân cư lại sống rải rác tại các bản như: ở Dân Hóa, Trọng Hóa, Thượng Hóa... Nơi đây, người dân có những tập quán, quan niệm riêng về chuyện sinh đẻ, nên việc thay đổi nhận thức của bà con không dễ. Bên cạnh đó, đời sống còn nhiều khó khăn, bà con chỉ tập trung vào việc làm ăn, phát triển kinh tế, ít quan tâm đến những chính sách dân số. Giao thông cách trở khiến cho đội ngũ làm công tác dân số vất vả trong mỗi lần đi tuyên truyền tại các xóm, bản hoặc tại nhà dân. Hiệu quả của những buổi làm việc như vậy cũng không cao, bởi thời gian đi, về nhiều trong khi thời gian trao đổi, tiếp xúc với bà con lại rất ít, thậm chí tới nhà cũng không gặp được, vì bà con bận lên nương, rẫy. Muốn tuyên truyền cho bà con về các chính sách DS-KKHGĐ, hầu hết cán bộ dân số ở các xã phải lồng ghép vào các buổi họp xóm. Mặt khác, kinh phí cho các hoạt động của công tác này còn quá thấp, khiến cho cán bộ dân số và cộng tác viên dân số ở các địa phương không mấy mặn mà với công việc.

Ông Hoàng Trung Thông, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Minh Hóa cho biết, là huyện miền núi nghèo, bà con dân tộc thiểu số đông, nhận thức của bà con còn hạn chế, nên công tác dân số nơi đây vẫn còn bộn bề những khó khăn. Không những tỷ lệ sinh con thứ 3 còn cao, trên địa bàn huyện Minh Hóa vẫn còn tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở một số đồng bào dân tộc thiểu số, để lại những hậu quả, hệ luỵ ảnh hưởng đến chất lượng dân số của thế hệ tương lai. Giao thông đi lại còn khó khăn, nên mô hình sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở huyện chưa được hiệu quả, quy trình kỹ thuật lấy mẫu máu và chuyển gửi mẫu giấy thấm đến Trung tâm sàng lọc chuẩn đoán trước sinh, sơ sinh của Trường đại học Y Dược Huế còn chậm, làm ảnh hưởng đến chất lượng sàng lọc.

Trong thời gian tới, Minh Hóa xác định các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể phải vào cuộc mạnh mẽ để tạo chuyển biến trong công tác DS-KHHGĐ. Theo đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; cần tổ chức phát động ký cam kết thi đua hàng năm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; UBND các xã, thị trấn quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động DS-KHHGĐ.

Thanh Hoa