.
Kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2017):

Nỗ lực chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân

Thứ Hai, 27/02/2017, 08:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong bối cảnh, tình hình mới, ngành Y tế đã và đang triển khai hàng loạt các giải pháp cụ thể, trong đó, tập trung đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế; thực hiện chuẩn hóa chất lượng bệnh viện, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đây là một trong những nhiệm vụ căn bản và là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm củng cố niềm tin, giúp người bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại.

Năm 2016 là năm Quảng Bình phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách do những ảnh hưởng nghiêm trọng của các đợt lũ, lụt và đặc biệt là sự cố ô nhiễm môi trường biển. Tuy vậy, cùng với quyết tâm và nỗ lực không ngừng, ngành Y tế Quảng Bình đã khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, hướng tới phục vụ người bệnh chất lượng hơn, hiệu quả và công bằng hơn. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao được ứng dụng thành công trong chẩn đoán, điều trị bệnh ở các tuyến. Hệ thống y tế ngày càng được củng cố và mở rộng, đội ngũ cán bộ y tế được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... 

Một trong những kết quả đáng ghi nhận của ngành Y tế Quảng Bình năm vừa qua là đã thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, quyết tâm không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là trong đợt lũ lụt lịch sử vào tháng 10-2016. Cùng với việc tăng cường bám cơ sở, bám địa bàn để giám sát dịch bệnh, giúp dân khử trùng nguồn nước, thực hiện vệ sinh môi trường, ngành Y tế đã đồng hành cùng người dân vùng lũ trong rất nhiều hoạt động.

Với quyết tâm, dù khó khăn đến mấy cũng không để xảy ra dịch bệnh và tạo mọi điều kiện tốt nhất để bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ cho nhân dân, ngành Y tế đã cùng với người dân vùng bị thiên tai từng bước khắc hậu quả lũ lụt, tập trung triển khai các hoạt động nhân đạo, từ thiện, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con vùng lũ. Mặt khác, ngành đã kêu gọi, vận động và tranh thủ sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, các cá nhân, tổ chức hảo tâm và huy động sức đóng góp của mỗi cán bộ trong ngành để có nguồn lực thực hiện chương trình khám chữa bệnh nhân đạo cho nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, giúp họ sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.

Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, như: lao, mắt, tâm thần, da liễu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Hoạt động quân dân y kết hợp tại các địa phương biên giới, miền núi đã phát huy hiệu quả thiết thực. Công tác phòng chống HIV/AIDS, an toàn vệ sinh thực phẩm, dân số - KHHGĐ và sức khỏe sinh sản cũng đã được ngành triển khai đồng bộ. Trong năm 2016 vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy và Tuyên Hoá đã khai trương cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, bước đầu đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận.

Mổ thoát vị bẹn đặt lưới nhân tạo theo kỹ thuật mới tại Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch
Mổ thoát vị bẹn đặt lưới nhân tạo theo kỹ thuật mới tại Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch

Đặc biệt, trong năm qua,  sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân. Ðể thiết thực ủng hộ ngư dân vượt qua khó khăn và yên tâm bám biển, mở rộng ngư trường khai thác nguồn thuỷ hải sản an toàn cho người tiêu dùng, ngành Y tế Quảng Bình đã cử cán bộ tham gia phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xác nhận nguồn gốc hải sản đánh bắt vùng biển xa; phối hợp với Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lấy 798 mẫu thực phẩm, nước biển, nước sinh hoạt để kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, ngành cũng đã vận động cán bộ, công chức, viên chức tham gia tiêu thụ sản phẩm thuỷ hải sản đã được chứng nhận bảo đảm nguồn gốc và an toàn thực phẩm. Sử dụng nguồn thuỷ hải sản sạch cũng là một cách để giúp bà con ngư dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, ngành Y tế đã tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Đề án 1816. Các bệnh viện đã chú trọng triển khai áp dụng các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, phương pháp mới vào điều trị. Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện đúng quy định khám bệnh, chữa bệnh BHYT, không ngừng cải tiến quy trình để nâng cao chất lượng, bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT. Các chỉ tiêu chuyên môn đều được các bệnh viện thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra, công suất sử dụng giường bệnh đạt trên 138% đã minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của đội ngũ các y bác sỹ ngành Y tế Quảng Bình, sự tin tưởng cao của người dân đối với các dịch vụ y tế.

Cùng với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, ngành Y tế Quảng Bình còn quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Toàn ngành hiện có 3.365 cán bộ (chưa kể Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới), trong đó có 633 bác sỹ, 40 dược sỹ đại học và sau đại học. Tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học và trên đại học đạt gần 32%.

Ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện 2 mục tiêu cơ bản của chính sách quốc gia về thuốc ở tất cả các cơ sở y tế trong toàn tỉnh và chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt chủ trương "Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt" có hiệu quả. Hệ thống kinh doanh, bảo quản thuốc đạt yêu cầu góp phần bảo đảm chất lượng thuốc cung ứng, phục  vụ nhân dân.

Song hành với các lĩnh vực điều trị và phòng chống dịch bệnh, ngành còn chú trọng đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào "Thực hiện quy tắc ứng xử trong ngành Y tế" thi  đua “Lao động giỏi, với năng suất, chất lượng, hiệu quả”, “Lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến”, “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” để mỗi cá nhân, tập thể phấn đấu và nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Thông qua các phong trào thi đua, mỗi cán bộ y tế đều nêu cao vai trò trách nhiệm trong chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. 

“Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” được ngành Y tế Quảng Bình xác định là một trong những nhiệm vụ nhằm củng cố niềm tin và sự hài lòng của bệnh nhân và gia đình, là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đẩy mạnh công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Để thực hiện tốt nội dung này, ngành đã tổ chức các hoạt động tập huấn, nâng cao kỹ năng giao tiếp, thực hiện đường dây nóng, duy trì hòm thư góp ý, xây dựng phong cách, thái độ, phục vụ văn minh, thân thiện...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hiện nay một trong những khó khăn mà ngành Y tế Quảng Bình gặp phải là tình trạng thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn sâu thuộc các chuyên ngành mũi nhọn. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu trong thực hiện các hoạt động chuyên môn, chưa giải quyết được tình trạng quá tải ở các bệnh viện.

Một số trạm y tế có cơ sở vật chất hư hỏng, xuống cấp hoặc quy mô không đáp ứng theo yêu cầu cơ sở y tế đạt chuẩn quốc gia. Công tác bảo quản vắc xin ở tuyến dưới còn gặp khó khăn trong việc thực hiện, dây truyền lạnh bảo quản một số nơi còn chưa bảo đảm. Việc quản lý và kiểm nghiệm chất lượng vắc xin sinh phẩm còn có một số bất cập, thiếu sự thống nhất. Hệ thống xử lý chất thải chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nên công tác xử lý chất thải y tế chưa bảo đảm theo quy chuẩn.

Năm 2017, bên cạnh các mặt thuận lợi, ngành Y tế Quảng Bình sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn về cơ chế, ngân sách đầu tư và bối cảnh thực hiện. Tuy nhiên, với quyết tâm tiếp tục xây dựng hệ thống y tế từng bước hoàn chỉnh và đồng bộ từ tuyến tỉnh đến cơ sở, ngành Y tế tỉnh phấn đấu nỗ lực thực hiện nâng cao chất lượng theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; giảm tỷ lệ bệnh, tật và tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

BS Nguyễn Đức Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình