.

Đông y điều trị bệnh viêm loét dạ dày- tá tràng

Thứ Tư, 15/02/2017, 19:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Viêm loét dạ dày - tá tràng (đông y gọi là vị quản thống) là tình trạng niêm mạc dạ dày- tá tràng bị tổn thương, là một bệnh mạn tính, hay tái phát mang tính chu kỳ. Bệnh viêm loét niêm mạc dà dày- tá tràng xảy ra theo cơ chế có thể do tác động quá mức sinh lý của acid HCL và men pepsin, làm mất sự cân bằng giữa cơ chế bảo vệ của cơ thể nên sinh ra bệnh. Đây là bệnh khá phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới, theo các thông kê mới nhất, bệnh chiếm gần khoảng 26% dân số, gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở tuổi thanh niên và trung niên. Loét dạ dày tỷ lệ nam/nữ  bằng nhau, loét hành tá tràng nam/nữ là 2/1, bệnh gặp ở thành phố, đô thị nhiều hơn vùng ở nông thôn.  

Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng do nhiều nguyên nhân gây ra.

 

Theo y học hiện đại: Do yếu tố thần kinh (stress) căng thẳng quá ngưỡng chịu đựng và kéo dài của cơ thể; do kích thích dây thần kinh số X (thần kinh phế vị); do vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) là loại vi khuẩn sống ở lớp niêm mạc dạ dày và gây ra viêm, theo thống kê có đến gần 95% gây ra bệnh viêm niêm mạc dạ dày; do tác dụng của thuốc giảm đau, chống viêm, đặc biệt do nhóm non steroid và steroid gây ra. Yếu tố gia đình cũng được đưa ra bàn luận, trên thực tế, người ta thấy rằng ở những gia đình có bố, mẹ bị viêm loét dạ dày- tá tràng thì những người con bị mắc bệnh này cao gấp 3 lần so với những đối tượng khác. Ăn uống cũng có thể gây ra bệnh như ăn phải hóa chất (uống nhầm acid), thức ăn mất cân đối chất dinh dưỡng, thời gian ăn không hợp lý, ăn nhiều chất gây tổn thương niêm mạc dạ dày (chua, cay...). Ngoài ra còn do số ít bệnh khác gây ra như viêm túi mật, viêm tụy, xơ gan.

Lý luận đông y cho rằng: Do tâm lý bị kích thích (vui, buồn, sợ hãi, lo lắng...) các yếu tố này tích lũy lâu ngày gây ra can khí uất kết, mất khả năng sơ tiết làm rối loạn cơ khí, hoành nghịch phạm vị làm cho can vị bất hòa dẫn đến rối loạn sự thăng thạnh giáng trọc của tỳ vị gây ra đau, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn. Ngoài ra còn có thể do ăn uống thất thường, ăn nhiều thức ăn sống lạnh làm tỳ vị bị tổn thương, mất khả năng kiện vận, cơ hội thuận lợi cho hàn tà xâm nhập gây khí trệ, huyết ứ gây ra căn bệnh này.

Triệu chứng: Bệnh nhân thường có biểu hiện các triệu chứng như đau bụng vùng thượng vị: thường đau theo chu kỳ và nhịp điệu, đau như rát như bỏng hoặc có lúc như kim châm, có lúc cảm giác khó tả, mức độ đau còn tùy thuộc vào từng bệnh nhân. Vị trí đau cũng khác từng bệnh nhân, nếu loét dạ dày, vị trí đau lệch về bên trái đường trắng giữa, lan lên ngực và ra sau mũi ức; nếu loét tá tràng thì đau lệch về bên phải đường trắng giữa, lan ra sau lưng, đau âm ỉ nhưng cũng có khi đau trội lên thành cơn, đau theo giờ nhất định trong ngày. Thời gian đau: loét dạ dày đau xuất hiện sau ăn 1-2h, loét tá tràng đau thường xuất hiện sau khi ăn 4-6h (bụng đói). Trong thực tế còn có một thể viêm loét nhưng không gây đau (thể loét câm), thể này tình cờ phát hiện được do thủng dạ dày – tá tràng hoặc do chảy máu. Rối loạn tiêu hóa: biểu hiện ợ hơi, ợ chua, đầy bụng chậm tiêu, ăn kém, buồn nôn hoặc nôn, táo bón hoặc phân lỏng thất thường (loét tá tràng thường hay bị táo bón). Suy nhược thần kinh (có thể có tỷ lệ khoảng 30%) biểu hiện: hay cáu gắt, nhức đầu, mất ngủ, trí nhớ giảm sút...

Biến chứng và tiên lượng;

Biến chứng: Bện viêm loét dạ dày- tá tràng gây ra nhiều biến chứng như chảy máu, thủng do ổ loét, hẹp môn vị, viêm quanh tá tràng thể sùi và nguy cơ ung thư hóa cao đặc biệt ổ loét ở bờ công nhỏ.

Tiên lượng: Bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng phương pháp, đúng phác đồ, thì ổ loét có thể liền sẹo, bệnh khỏi hoàn toàn. Nếu không được điều trị tốt bệnh sẽ diễn biến kéo dài và sinh ra các biến chứng như đã nêu ở trên.

Phương pháp điều trị theo nguyên lý y học cổ truyền: trên lâm sàng, y học cổ truyền bệnh viêm loét dạ dày- tá tràng chia thành 2 thể chính: can khí phạm vị và can vị bất hòa.

1. Thể can khí phạm vị: Chứng bệnh: bụng trên đầy chướng, đau vùng thượng vị, đau xuyên ra 2 bên hông, ợ hơi, ợ chua, táo bón, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm huyền.

Pháp điều trị: Sơ can lý khí, hòa vị, chỉ thống

Phương điều trị:

a. Bài thuốc

Bài 1: Sài hồ sơ can tán gồm: sài hồ 8g, bạch thược 12g, chích cam thảo 4g, chỉ xác 8g, hương phụ 8g, xuyên khung 8g, ngày  một thang sắc uống.

Bài 2: Tả kim hoàn hợp với nhị trần thang gồm: Hoàng liên (sao gừng) 240g, ngô thù du (tẩm nước muối sao) 40g, bán hạ 12g, trần bì 12g phục linh 12g, cam thảo 4g, ngày một thang sắc uống.

Bài 3: Đây là bài thuốc nghiệm phương, thành phần gồm: Bách hợp 32g, ô dược 6g, ngọa lăng tử 160g, cam thảo 60g, tán bột, ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g.

b. Châm cứu (điện châm): Châm các huyệt nội quan, túc tam lý, thái xung, trung quản, dương lăng tuyền, hợp cốc, vị du.

Thủ pháp: Bình bổ, bình tả, lưu kim 25-30 phút, ngày châm một lần.

2. Thể tỳ vị hư hàn: Chứng bệnh: đau âm ỉ, nôn ra nước trong, tay, chân lạnh, đại tiện lỏng, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế không lực.

Pháp điều trị: Ôn trung tán hàn kiện vị

Phương điều trị:

a. Bài thuốc

Bài 1: Hoàng kỳ kiến trung thang gia vị: Quế chi 12g, mộc hương 4g, thược dược 24g, đại táo 2 trái, hoàng kỳ 24g, bào khương 8g, chích thảo 4g, mạch nha 5g (sắc xong cho vào nước thuốc). Ngày một thang sắc uống.

Bài 2 (nghiệm phương): Xuyên tiêu 4g, lương khương 12g, cam thảo 8g, ngày 1 thang sắc chia 3 lần uống trong ngày.

b. Châm cứu (điện châm): Châm các huyệt tỳ du, vị du, trung quản, chương môn, nội quan, tức tam lý...
Thủ pháp: Châm bổ, lưu kim 25-30 phút, ngày châm một lần.

Ngoài ra y học cổ truyền còn tùy theo chứng trạng mà chia thêm một vài thể nhỏ như: thể ứ huyết ngưng trệ, thể ăn uống không điều độ ... và có phương pháp chữa cho từng thể riêng.

Trần Ngọc Quế
 (BSSK cấp II, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh)