.

Chẩn đoán sớm căn bệnh ung thư có thể cứu sống được tính mạng

Chủ Nhật, 05/02/2017, 09:33 [GMT+7]

Chẩn đoán sớm căn bệnh ung thư có thể cứu sống được tính mạng và làm giảm chi phí điều trị, đặc biệt là tại những nước đang phát triển - nơi đa số ca ung thư bị phát hiện khi đã quá muộn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: doctorportal.com.au)
Ảnh minh họa. (Nguồn: doctorportal.com.au)

Đó là thông điệp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhân Ngày Thế giới phòng chống ung thư 4-2.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, trước thềm Ngày Thế giới phòng chống ung thư, WHO đã công bố những chỉ dẫn mới để tuyên truyền về các triệu chứng khác nhau của căn bệnh ung thư để người dân có thể được điều trị kịp thời và hiệu quả.

Bác sỹ Etienne Krug, người đứng đầu bộ phận kiểm soát các căn bệnh không lây nhiễm của WHO, cho biết nhiều người đã đang phải chịu đau đớn một cách đáng tiếc và bị tử vong sớm do tới giai đoạn cuối mới được chẩn đoán ung thư và không được được điều trị thỏa đáng.

Theo ông, thông qua việc thực thi những chỉ dẫn mới của WHO, ngành y tế có thể cải thiện khả năng chẩn đoán ung thư sớm và đảm bảo người bệnh được điều trị kịp thời, nhất là đối với các căn bệnh ung thư vú, tử cung và dạ dày.

Theo số liệu của WHO, mỗi năm có 8,8 triệu người tử vong do căn bệnh ung thư, chủ yếu là ở những nước có thu nhập thấp hoặc trung bình. Con số này cao gấp hai lần số người chết do căn bệnh HIV/AIDS, lao và sốt rét cộng lại.

Ước tính tới năm 2030, các nước đang phát triển chiếm hơn 2/3 số ca tử vong do liên quan đến căn bệnh ung thư.

Chi phí điều trị bệnh ung thư và năng suất lao động bị sụt giảm dẫn đến tổng thiệt hại kinh tế hàng năm là 1.160 tỷ USD. Trong khi đó, việc phát hiện sớm có thể làm giảm chi phí điều trị.

Theo WHO, những nghiên cứu tại các quốc gia có thu nhập cao cho thấy việc điều trị cho bệnh nhân ung thư được chẩn đoán sớm sẽ ít tốn kém hơn từ 2-4 lần so với những bệnh nhân được điều trị ở những giai đoạn muộn hơn.

Theo các chỉ dẫn mới của WHO, để có thể tiến hành chẩn đoán sớm, cần phải củng cố và trang bị cho các dịch vụ y tế và huyến luyện nhân viên.

Theo Cơ quan năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IEAE), hiện trên toàn thế giới có khoảng 5.000 máy xạ trị. Đơn cử như tại Nam Phi, 80% trong tổng số khoảng 1 tỷ dân không được tiếp cận máy xạ trị và các dịch vụ liên quan đến căn bệnh ung thư.

Phát biểu tại một sự kiện ở Vienna, Áo, nhân Ngày Thế giới phòng chống ung thư, Tổng Giám đốc IAEA, ông Yukiya Amano, cho biết cơ quan này đang nỗ lực để máy xạ trị và các loại thuốc điều trị được phổ biến rộng rãi hơn.

Theo ông Amano, để đáp ứng được nhu cầu điều trị ung thư của các nước đang phát triển, cần có thêm 10.000 bác sỹ chuyên khoa ung thư, 6.000 nhà vật lý y tế, và 20.000 bác sỹ chuyên khoa về trị liệu.

Giảm bớt 1/3 số người chết trẻ do ung thư và các căn bệnh kinh niên khác là một trong số những mục tiêu phát triển bền vững mà thế giới quyết tâm đạt được vào năm 2030./.

Theo TTXVN/Vietnam+