.

Phương pháp thủy trị liệu y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe sinh sản

Thứ Năm, 05/01/2017, 10:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Viêm âm hộ, âm đạo là hai bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ, là tình trạng viêm các bộ phận sinh dục ngoài, bệnh thường do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc vi nấm.

Ngoài ra, viêm âm đạo, âm hộ còn có thể gặp do giảm lượng ostrogen hoặc do các chất gây viêm, như: kem diệt tinh trùng, bao cao su, xà phòng hoặc tắm trong bồn với các loại sữa tắm gây di ứng.

Viêm âm hộ, âm đạo do vi khuẩn chiếm tỷ lệ khoảng 40-50% các trường hợp viêm âm đạo, âm hộ. Theo các nghiên cứu mới nhất, có khoảng 11-42% phụ nữ đã bị viêm âm đạo, âm hộ ít nhất là một lần trong cuộc đời. Bệnh này gặp nhiều nhất ở những phụ nữ có nhiều bạn tình và gặp ít hơn ở những phụ nữ chưa có quan hệ tình dục. Bệnh viêm âm đạo, âm hộ do vi khuẩn không được xem là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) dù cho người bệnh có thể mắc qua quan hệ tình dục. Viêm âm đạo, âm hộ do vi khuẩn có hơn 90% vi khuẩn được tìm thấy là họ Lactobacillus, số lượng vi khuẩn hiện diện âm đạo bị viêm cao gấp từ 100-1.000 lần so với âm đạo bình thường.

Viêm âm hộ, âm đạo do nấm thường chiếm tỷ lệ 20-25%, thường là do nấm Candida, có khoảng 76% số phụ nữ bị nhiễm nấm ít nhất là một lần trong đời. Nguyên nhân này có thể do bệnh nhân dùng kháng sinh bừa bãi gây ra sự bùng phát của nấm Candida, bệnh rất hiếm gặp ở trẻ em trước tuổi dậy thì và những phụ nữ độc thân.

Viêm âm đạo, âm hộ do trichomonas chiếm khoảng 15-22% các trường hợp bị viêm, khác với hai loại nguyên nhân trên, bệnh do trichomonas được xem là một bênh lây nhiễm qua đường tình dục.

Triệu chứng: Các triệu chứng viêm âm đạo, âm hộ là tiết dịch âm đạo (khí hư, huyết trắng), ngứa; ngứa và  kích ứng nhiều hay ít tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Người ta thấy rằng, đặc trưng có mùi tanh của dịch loãng, trắng đục hoặc xám, kèm theo ngứa và cảm giác nóng rát nhất là sau giao hợp là viêm do vi khuẩn. Viêm do nấm thường biểu hiện ngứa, rát, giao hợp đau và dịch tiết âm đạo đặc, đóng cục, màu trắng. Viêm do trichomonas thì: tiểu buốt, giao hợp đau, dịch tiết âm đạo màu xanh hoặc xám, hôi thối có lúc có bọt

Điều trị theo phương pháp thủy trị liệu:

Đây là một liệu pháp điều trị đặc biệt của y học cổ truyền, để điều trị các chứng bệnh phụ khoa trong đó có viêm âm đạo, âm hộ. Phương pháp này được khẳng định tính hiệu quả cao, tiện lợi, với chi phí thấp và có thể áp dụng rất rộng rãi cho mọi đối tượng. Thuốc để điều trị là các loại thảo dược có tác dụng cân bằng độ PH, kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm, chống phù nề, giảm tiết, giảm đau, ngứa giúp cho vùng bị viêm nhanh chống phục hồi như: Sa sàng tử, hoàng liên, hoàng bá, hoàng cầm, bạch chỉ...

Dụng cụ dùng cho thủy trị liệu là chậu gỗ hoặc chậu nhựa đường kính 45cmx chiều sâu 15cm (kích cỡ có thể lớn hơn tùy thuộc cho cơ thể của mỗi người), một đôi dép nhựa (để cách nhiệt), một cái khăn bông để lau sau điều trị, nước thuốc đã sắc.

Quy trình điều trị:

-  Nước thuốc ngâm đã được nấu, sắc tại buồng sắc thuốc khoa Dược được chuyển đến phòng điều trị thủy trị liệu.

- Đổ nước thuốc vào chậu và pha thêm nước sạch đến khi còn ấm nhiệt độ khoảng 30- 45oC (tránh bị gây bỏng).

- Bệnh nhân ngồi ngâm mông vào chậu ngâm và bàn chân đi bằng dép nhựa (tránh bị lạnh và kém hiệu quả vì truyền nhiệt qua bàn chân xuống nền nhà).

- Thời gian ngâm khoảng 25-30 phút, nếu nước nguội thì bệnh nhân có thể ngồi dậy tiếp tục đổ thêm nước thuốc đang nóng vào chậu ngâm và thực hiện lại như trên.

- Kết thúc ngâm, bệnh nhân tự lau khô, lên giường nằm thư giãn theo phương pháp dưỡng sinh (thầy thuốc sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân)

Chống chỉ định: Phương pháp này không được áp dụng cho các trường hợp bệnh nhân sau:

- Không áp dụng phương pháp này cho người có vết thương nơi mông, hạ vị, sinh dục chưa được liền da.

- Người bị bệnh tiểu đường có tổn thương thần kinh ngoại vi mất cảm giá nóng lạnh.

BsCKII. Trần Ngọc Quế
 (Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh)