.

Hiệu quả thiết thực từ mô hình "Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng"

Chủ Nhật, 08/01/2017, 10:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, mô hình “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” tại tỉnh ta đã mang lại các kết quả thiết thực, góp phần cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống và phát huy vai trò của người cao tuổi trong cộng đồng xã hội.

Việc chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi là trách nhiệm không chỉ thuộc về mỗi gia đình mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Theo thống kê, hiện nay, Quảng Bình có 102.700 người cao tuổi, trong đó, người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo là gần 21.000 người, đa số ở vùng nông thôn, miền núi. Tuy chính quyền, các cấp các ngành đã quan tâm đến đối tượng người cao tuổi trong toàn tỉnh nhưng trong điều kiện hiện nay, công tác chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi còn gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2012, Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình "Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng", thí điểm tại 5 xã thuộc huyện Tuyên Hóa và thành phố Đồng Hới, nhằm cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi, phát huy và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi hiện nay.

Việc triển khai mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này, đã cung cấp thông tin, kiến thức về DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Mô hình thông tin về phương pháp chăm sóc, chế độ sinh hoạt về tinh thần, vật chất để khuyến khích người cao tuổi sống khỏe, sống có ích, gương mẫu và vận động con cháu xây dựng gia đình ít con, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Năm 2016, các điểm thực hiện mô hình “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” đã lồng ghép và tổ chức được 10 buổi sinh hoạt với các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao, vui chơi, giải trí, trao đổi các kỹ năng, cách phòng chống bệnh tật, tăng cường sức khỏe, thu hút hơn 400 lượt người tham gia.

Tập thể dục dưỡng sinh là một hoạt động thường xuyên của các CLB người cao tuổi trên địa bàn tỉnh.
Tập thể dục dưỡng sinh là một hoạt động thường xuyên của các CLB người cao tuổi trên địa bàn tỉnh.

Tại thôn Nam Sơn, xã Mai Hóa (Tuyên Hóa), mô hình được lồng ghép vào hoạt động của CLB người cao tuổi thôn, cho nên khi được triển khai, các hoạt động được tổ chức linh hoạt và phong phú. Nhiều nội dung tuyên truyền được lồng ghép với sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí. Đặc biệt, đội ngũ chuyên trách và cộng tác viên của mô hình rất chú trọng đến công tác tư vấn cho người cao tuổi về các nội dung thiết thực, như: hiểu biết về tâm sinh lý, quá trình lão hóa và nhu cầu cơ bản của người cao tuổi; một số chính sách, chế độ hiện hành đối với người cao tuổi; một số bệnh lý hay gặp ở người cao tuổi và cách phòng tránh...

Bà Nguyễn Thị Hồng, Chủ nhiệm CLB người cao tuổi thôn Nam Sơn cho biết, từ khi lồng ghép mô hình “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” vào CLB đến nay, CLB sinh hoạt rất hiệu quả và có nhiều hoạt động thiết thực hơn cho người cao tuổi. Nhiều buổi sinh hoạt được cán bộ Trung tâm y tế dự phòng, cán bộ của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện tư vấn, cung cấp kiến thức để người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe khi bị bệnh tật. Ngoài ra, các thành viên CLB còn chia sẻ cho nhau kinh nghiệm trong việc dạy dỗ, giúp con cháu thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Được biết, CLB người cao tuổi thôn Nam Sơn còn có quỹ hơn 100 triệu nhằm giúp các hội viên nghèo vay vốn làm kinh tế. Hàng năm, CLB lấy tiền lãi để sinh hoạt CLB, thăm hỏi các hội viên bị ốm đau, bệnh tật, các cụ già neo đơn...

Bên cạnh những kết quả đạt được mô hình vẫn bộc lộ những hạn chế. Mô hình chưa được nhân rộng ra các xã khác nhằm cải thiện sức khỏe, tinh thần cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi. Kinh phí cho các hoạt động chăm sóc người cao tuổi còn hạn chế, thực tế cho thấy, hiện nay đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi vẫn còn nhiều khó khăn và thiếu thốn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Mức hỗ trợ cho người cao tuổi còn thấp; hoạt động của Hội Người cao tuổi ở cơ sở cũng như việc tổ chức các hoạt động chăm sóc người cao tuổi ở một số nơi vẫn còn đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi; chưa phát huy và khai thác hết vai trò của người cao tuổi trong xã hội.

Để góp phần nâng cao chất lượng dân số, trong thời gian tới, mô hình cần tiếp tục được duy trì, mở rộng và thường xuyên tổ chức tập huấn cho tình nguyện viên, Ban chủ nhiệm CLB, mạng lưới tình nguyện viên để có kiến thức tư vấn chăm sóc người cao tuổi. Đồng thời, cần tăng cường công tác phối hợp với các cấp các ngành để quan tâm chăm sóc, tư vấn khám sức khỏe, khám bệnh cấp thuốc phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi.

Thanh Hoa