.

Thực hiện hiệu quả hoạt động điều trị nghiện ma túy tự nguyện

Thứ Ba, 13/12/2016, 08:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Trước thực trạng số người nghiện ma túy có chiều hướng gia tăng, hoạt động mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trên các địa bàn dân cư ngày càng diễn biến phức tạp, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ các hoạt hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020.

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 2.500 đối tượng ở 128/159 xã, phường, thị trấn liên quan đến ma túy. Xu hướng nghiện phổ biến là heroin, ma túy tổng hợp dạng đá, thuốc lắc và gần đây xuất hiện chất gây nghiện dạng thảo mộc có tên gọi “cỏ mỹ”, “mặt quỷ”. Thành phần người nghiện chủ yếu là nam giới tập trung ở độ tuổi lao động 18-40. Thực hiện Kế hoạch số 1051/KH-UBND ngày 25-8-2014 về thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, tỉnh ta đã triển khai nhiều chương trình hoạt động nhằm giảm tác hại của người nghiện ma túy, giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép, góp phần bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội.

Hiện tại, toàn tỉnh mới chỉ có 1 Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội có 22 cán bộ nhân viên. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm này, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi một số hạng mục của Trung tâm gồm các khu: cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện, điều trị Methadone.

Theo kế hoạch, toàn tỉnh tập trung cho việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của trung tâm để chuyển đổi phù hợp với mô hình điều trị nghiện ma túy tự nguyện. Cụ thể sẽ xây dựng thêm tường bao ngăn cách và có lối đi riêng với khu điều trị cai nghiện bắt buộc, xây dựng thêm khu nhà điều trị nghiện thay thế bằng thuốc Methadone cho đối tượng nghiện.

Mặt khác, sắp xếp, đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ viên chức lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của một trung tâm điều trị nghiện đa chức năng để bảo đảm các điều kiện theo quy định về điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và điều trị cắt cơn giải độc, trị liệu phục hồi hành vi nhân cách cho người nghiện.

Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội cũng sẽ được tăng cường nhiều nguồn lực để triển khai có hiệu quả hoạt động tư vấn miễn phí cho người nghiện và gia đình người nghiện về pháp lý, về tác hại của ma túy, dự phòng nghiện, cai nghiện, hướng dẫn thủ tục tiếp nhận để được tham gia điều trị tự nguyện; thực hiện tốt cắt cơn giải độc, điều trị nội trú, ngoại trú, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như: điều trị ARV, điều trị nhiễm trùng cơ hội... và hỗ trợ việc học văn hóa, học nghề, giải quyết việc làm... cho người nghiện.

Từ tháng 12-2013 đến nay, tỉnh ta đã tiếp nhận điều trị cho 521 lượt học viên vào điều trị cai nghiện dưới mọi hình thức (gồm: Điều trị tại Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh 117 học viên, trong đó có 17 lượt học viên bắt buộc, 100 lượt học viên tự nguyện; cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng 8 học viên; cai nghiện thay thế bằng thuốc Methadone 396 học viên). Toàn tỉnh hiện có 3 cơ sở tiếp nhận đối tượng nghiện ma túy điều trị thay thế bằng thuốc Methadone và đã có 396 lượt đối tượng tham gia điều trị, trong đó 164 lượt học viên đã hoàn thành chương trình điều trị Methadone.

 Cung cấp bơm kim tiêm sạch cho các đối tượng nghiện ma túy ở các địa bàn trọng điểm về ma túy, một trong những hoạt động nhằm làm giảm sự lây truyền HIV qua đường tiêm chích từ các đối tượng nghiện ma túy.
Cung cấp bơm kim tiêm sạch cho các đối tượng nghiện ma túy ở các địa bàn trọng điểm về ma túy, một trong những hoạt động nhằm làm giảm sự lây truyền HIV qua đường tiêm chích từ các đối tượng nghiện ma túy.

Những năm qua, cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng là hình thức được nhiều gia đình lựa chọn, song hiệu quả của mô hình này lại không mấy khả quan. Đến nay, toàn tỉnh chỉ xây dựng được 2 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị tái hòa nhập cộng đồng tại Trạm y tế phường Đồng Sơn (thành phố Đồng Hới) và Trạm y tế thị trấn Nông trường Lệ Ninh (huyện Lệ Thủy) nên hoạt động tư vấn sức khỏe, tiếp cận người nghiện ma túy còn nhiều hạn chế.

Trong giai đoạn 2012 – 2015, toàn tỉnh đã thực hiện mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở 21 xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy, thành lập được 27 tổ công tác cai nghiện ở cấp xã, trong đó 15 xã hoạt động từ nguồn kinh phí của tỉnh và 6 xã hoạt động từ nguồn kinh phí của huyện Lệ Thủy. Từ năm 2012 đến nay, các tổ công tác đã ra quyết định và tổ chức cai nghiện cho 219 người nghiện; dù đạt được một số kết quả bước đầu song thiếu bền vững, hầu hết các đối tượng đều tái nghiện sau cai (chiếm trên 85%).

Nguyên nhân của vấn đề trên một phần là do tình trạng kỳ thị của cộng đồng đối với người nghiện vẫn còn cao, dẫn đến những hệ lụy khác liên quan đến việc tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện. Hoạt động cai nghiện ở nhiều xã, phường, thị trấn chủ yếu mới tập trung ở khâu tuyên truyền, vận động, ra quyết định cai nghiện, chưa tập trung đầu tư sâu vào khâu rà soát đánh giá nhu cầu, lập kế hoạch cai nghiện cho từng người. Việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ sau cai nghiện chưa được chú trọng. Tổ công tác cai nghiện hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm vì vậy còn gặp nhiều khó khăn trong bố trí thời gian sinh hoạt cũng như triển khai các hoạt động chuyên môn sâu của tổ, nhất là các hoạt động liên quan đến quản lý, tư vấn cho người cai nghiện, tổ chức điều trị cắt cơn giải độc ...  

Thực tế cho thấy, các địa phương bước đầu đã có sự quan tâm đầu tư nguồn lực để triển khai công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, nhưng việc bố trí ngân sách cho công tác này vẫn còn rất hạn hẹp, chưa thể hiện được tính chủ động trong dự toán ngân sách hàng năm. Hiện tại mới chỉ có huyện Lệ Thủy bố trí được ngân sách mở rộng được địa bàn thí điểm. Quá trình rà soát thống kê, tập hợp số liệu người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân là do người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, họ thường vắng mặt nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nhất là các đối tượng thường xuyên đi làm ăn xa, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý người nghiện ma túy. Kinh phí cho hoạt động cai nghiện còn hết sức hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động này chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Đến nay Quảng Bình vẫn chưa có máy xét nghiệm tìm chất ma túy, do đó việc lập hồ sơ ra quyết định cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn.

Một nguyên nhân nữa khiến cho công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng gặp nhiều rào cản là một số cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chưa có quyết tâm cao trong công tác cai nghiện tại gia đình và ngay cả bản thân người nghiện, thậm chí người thân của họ vì các nguyên nhân như mặc cảm, ngại bị kỳ thị... nên đã không mặn mà với hình thức cai nghiện này. Người nghiện sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện trở về, dù đã được đào tạo nghề vẫn khó khăn trong tìm kiếm việc làm nên dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp và tái nghiện. Khó nữa là chuyên môn, kinh nghiệm về, điều trị cai nghiện của đội ngũ y, bác sỹ tại cộng đồng còn hạn chế, cơ sở vật chất tại các trạm y tế cấp xã chưa bảo đảm an toàn cho công tác cắt cơn giải độc cho người nghiện.

Nhằm đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn toàn tỉnh, thời gian tới toàn tỉnh tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển đổi Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh theo hướng tăng dần điều trị nghiện tự nguyện, giảm điều trị nghiện bắt buộc, đưa điều trị thay thế Methadone vào triển khai tại trung tâm. Việc thành lập thêm các cơ sở điều trị và thành lập các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng cũng sẽ được chú trọng nhằm thực hiện thành công các nội dung của Kế hoạch Số 1051/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020.

Nhật Văn