.

Thực hiện chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá: Vẫn còn những khó khăn

Thứ Hai, 05/12/2016, 10:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, thời gian qua, tỉnh ta đã tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của luật và vận động người dân từ bỏ thói quen hút thuốc lá để giữ gìn sức khỏe. Tuy nhiên việc triển khai chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn thách thức, tình trạng hút thuốc lá, nhất là ở những nơi công cộng vẫn là vấn đề khá phổ biến.

Khói thuốc lá được ví như "kẻ giết người thầm lặng" vì nó gây nên rất nhiều căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của con người. Tuy nhiên, việc hút thuốc lá lại là thói quen khá phổ biến của nhiều người và rất dễ gây nghiện. Tại Việt Nam, hơn 45% nam giới trưởng thành là người lớn hút thuốc và phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động. Mỗi năm cả nước có hơn 4 vạn người chết vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Ngoài những tổn hại về kinh tế, 7.000 chất hóa học, 69 chất gây ung thư từ khói thuốc lá thải vào môi trường cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người kể cả những người không hút thuốc lá.

Xác định việc xây dựng môi trường không khói thuốc là mục tiêu lớn nhất của chương trình PCTHTL, tỉnh ta đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTHTL và đề ra nhiều giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả chương trình PCTHTL trên địa bàn tỉnh.

Trong hoạt động PCTHTL, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe để từ đó dần bỏ thói quen hút thuốc lá.

Hưởng ứng việc "Xây dựng môi trường không khói thuốc", nhiều cơ quan, đơn vị đã gương mẫu đi đầu trong phong trào này, nhất là lực lượng vũ trang trong tỉnh. Đến các đơn vị như Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh... một điều dễ nhận thấy là không gian xanh mát, đường đi lối lại sạch sẽ, thoáng mát và không hề có dấu hiệu của tàn thuốc. Các đơn vị đã tập trung thực hiện nghiêm túc quy định "Cơ quan không khói thuốc lá" và hướng đến "Nói không với thuốc lá" bằng việc vận động cán bộ, chiến sĩ không hút thuốc lá, hoặc từ bỏ thuốc lá, xem đó là một trong các tiêu chí để xếp loại thi đua khen thưởng cuối năm.

Ngoài ra, ngành Y tế và các đơn vị trường học cũng có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các nội dung của luật. Hầu hết căng tin, nhà ăn của bệnh viện, trường học đều không bán thuốc lá, nhiều pa nô, áp phích được lắp đặt để tập trung sự chú ý của mọi người vào các thông tin liên quan đến tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe. Đặc biệt, việc giáo dục, tuyên truyền cho học sinh, sinh viên “Nói không với thuốc lá" được các nhà trường hết sức chú trọng. Thực tế cho thấy, học sinh, sinh viên là các đối tượng rất dễ “nghiện” thuốc lá bởi nhiều lý do như bạn bè lôi kéo, bắt chước, tâm lý thích thể hiện, tò mò, coi hút thuốc như việc khẳng định mình là người lớn...

Và theo đánh giá của ngành Y tế, trẻ em hút thuốc sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất và tinh thần, dễ mắc viêm đường hô hấp mãn tính. Thời gian hút thuốc càng dài thì tác hại càng lớn, lượng nicotin trong thuốc lá dự trữ trong cơ thể sẽ càng cao. Bởi vậy, xây dựng ý thức "Nói không với thuốc lá" cho học sinh, sinh viên không chỉ để bảo vệ chính sức khỏe của các em mà việc ngăn chặn hút thuốc lá từ khi còn trẻ sẽ hạn chế đáng kể việc hình thành thói quen hút thuốc lá trong tương lai. Để ngăn chặn khói thuốc trong học đường, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng đã có quy định cấm hút thuốc lá trong các nhà trường, đồng thời tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về tác hại của hút thuốc lá đối với sức khỏe nhằm giúp học sinh, sinh viên chủ động nói không với thuốc lá và trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho học sinh, sinh viên để vận động gia đình, người thân, bạn bè không hút hoặc từ bỏ thuốc lá.

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định song tình trạng hút thuốc lá vẫn còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi, nhất là những địa điểm công cộng như nhà ga, bến xe, thậm chí cả trong công sở. Một số cán bộ, công nhân, viên chức và người dân còn xem nhẹ tác hại của việc hút thuốc lá vì chưa thấy hậu quả ngay trước mắt, coi đó là thói quen trong cuộc sống nên chưa quyết tâm từ bỏ. Việc xử phạt đối với người hút thuốc lá tại những nơi có quy định cấm hút thuốc còn nhiều hạn chế, khó khăn. Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng chưa được thường xuyên, đồng bộ, sản phẩm thuốc lá vẫn được bày bán khắp nơi, giá thuốc lá còn khá rẻ, ngay cả người thu nhập thấp, thanh thiếu niên cũng có khả năng mua.

Vì vậy, để Luật PCTHTL đi vào cuộc sống và chương trình PCTHTL của tỉnh có hiệu quả, thời gian tới cần phải tăng cường hơn nữa vấn đề thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Mặt khác, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc, từ đó thay đổi hành vi trong mỗi người nhằm thực hiện thành công các nội dung của chương trình PCTHTL.

NH.V