.

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh: Vẫn còn lắm những khó khăn

Thứ Tư, 28/12/2016, 15:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” do Chi cục Dân số - KHHGĐ đã phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng dân số ở tỉnh ta. Tuy nhiên, việc triển khai đề án trên địa bàn toàn tỉnh thời gian qua còn gặp không ít khó khăn.

Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm Quảng Bình có khoảng 250 trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên nhiều lần nếu như không có biện pháp can thiệp kịp thời.

Được sự hỗ trợ của Tổng cục Dân số- KHHGĐ thuộc Bộ Y tế, năm 2009, tỉnh ta đã triển khai Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” tại 4 huyện với 47 xã thí điểm, đến nay mô hình đã nhân rộng trên toàn tỉnh. Qua 7 năm thực hiện (2009-2015), chương trình đã thực hiện sàng lọc, chẩn đoán trước sinh ban đầu bằng siêu âm cho 2.598 phụ nữ mang thai 3 tháng đầu và 3 tháng giữa. Tổng số trẻ được lấy mẫu máu sàng lọc sau khi sinh là 1.857 trẻ. Năm 2016, có 110 bà mẹ mang thai được siêu âm sàng lọc, 181 trẻ sơ sinh được lấy mẫu máu gót chân để sàng lọc, trong đó phát hiện và tư vấn điều trị cho 4 trẻ được chẩn đoán xác định thiếu men G6PD, 1 trẻ có nguy cơ suy giáp bẩm sinh.

Thực hiện đề án, các địa phương đã tập trung đẩy mạnh việc truyền thông, vận động tại cộng đồng. Đối tượng được tuyên truyền là tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó, phụ nữ mang thai từ 35 tuổi trở lên, thai phụ có tiền sử sảy thai tự nhiên, thai chết lưu hoặc có con chết sớm sau sinh, cặp vợ chồng kết hôn cận huyết, thai phụ thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, tiền sử gia đình có người mắc các dị tật hoặc bệnh di truyền... Ngoài việc tập huấn kiến thức, kỹ năng cho cán bộ y tế, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh còn cung cấp các trang thiết bị, dụng cụ lấy mẫu máu cho các trung tâm y tế huyện, thị xã.

Hội thảo đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh.
      Hội thảo đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh.

Tuy nhiên, vấn đề chăm sóc thai sản, khám sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tại tỉnh ta vẫn còn khó khăn từ nhiều phía. Khó khăn thứ nhất là nhận thức của người dân về việc chăm sóc thai sản. Nhiều sản phụ còn có thái độ thờ ơ và chưa quan tâm đến chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh, đặc biệt là các sản phụ vùng nông thôn, miền núi; kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn của cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số còn hạn chế nên việc người dân biết đến chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn thấp; nhiều thai phụ đi khám thai chỉ với mục đích để biết trai hay gái.

Khó khăn thứ hai là điều kiện trang thiết bị y tế. Hiện nay, trang thiết bị, phục vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại các đơn vị y tế trong toàn tỉnh còn thiếu như: máy siêu âm màu 3D tốc độ cao, máy xét nghiệm sinh hóa máu... Hiện chương trình sàng lọc chủ yếu được thực hiện ở một số đơn vị y tế tuyến trung ương, tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến huyện và các cơ sở y tế đã được chuyển giao kỹ thuật. Còn hơn 90% trạm y tế và các Trung tâm y tế dự phòng vẫn chưa thực hiện được các kỹ thuật của sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Hầu hết các đơn vị y tế chưa triển khai kỹ thuật sàng lọc trên mẫu máu khô của thai phụ mà chủ yếu là siêu âm, xét nghiệm công thức máu bình thường. Ở khu vực miền Trung, kỹ thuật sàng lọc trên mẫu máu khô thai phụ được thực hiện tại Trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh thuộc bệnh viện Đại học Y Dược Huế, các tuyến cơ sở lấy mẫu máu, tổng hợp dữ liệu và gửi về Trung tâm sàng lọc để phân tích. Minh Hóa, Tuyên Hóa là 2 huyện thực hiện mô hình sàng lọc trước sinh và sơ sinh gặp nhiều khó khăn nhất, do thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất; nhân lực; thời gian gửi mẫu máu qua đường bưu điện từ huyện Minh Hoá, Tuyên Hóa về Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh của Trường đại học Y - Dược Huế có thể bị chậm nên hiệu quả chưa cao.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ y tế chưa tiếp cận đầy đủ các nghiệp vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh, thiếu nhân lực chuyên sâu về sàng lọc trước sinh và sơ sinh... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện đề án.

Trong thời gian tới, để đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh thực sự đi vào cuộc sống cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của các cấp, các ngành, nhất là người dân cần nâng cao nhận thức, hiểu biết của mình về công tác này. Đặc biệt, cần tăng cường xã hội hóa dịch vụ này để nhiều trẻ trước sinh và sơ sinh được sàng lọc hơn, từ đó mới có thể phát hiện sớm bệnh và hạn chế tối đa việc để lại di chứng bệnh tật ở trẻ nhằm nâng cao chất lượng dân số.

Thanh Hoa