.
Kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống Dân số Việt Nam (26-12-1961- 26-16-2016)

55 năm công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình - Vì sự phát triển bền vững

Thứ Hai, 26/12/2016, 12:15 [GMT+7]

(QBĐT) - 55 năm với những bước đi thăng trầm nhưng đầy tự hào, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Hiện nay, công tác dân số-KHHGĐ đang bước vào giai đoạn mới chuyển trọng tâm chính sách từ dân số-kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, đó là các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số, nhằm bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Bước ngoặt lớn cho chính sách dân số Việt Nam

55 năm qua (26-12-1961-26-12-2016), công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là yếu tố cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Các quan điểm, định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước về DS-KHHGĐ đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về chính sách DS-KHHGĐ; Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22-3-2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ; Kết luận số 119-KL/TW ngày 4-1-2016 của Ban Bí thư  về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX ngày 22-3-2005 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Từ năm 2006 đến nay, nước ta đã duy trì tổng tỷ suất sinh ổn định trong khoảng 2,0-2,1 con (năm 2015 là 2,10 con). Với quy mô dân số và số người tăng thêm bình quân hàng năm như hiện nay, Việt Nam đã thực hiện vượt mức chỉ tiêu chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020. Quy mô dân số không vượt quá 93 triệu người vào năm 2015 và 98 triệu người vào năm 2020, tiến tới ổn định quy mô dân số khoảng 115-120 triệu người vào giữa thế kỷ 21. Chất lượng dân số từng bước được nâng lên với chỉ số phát triển con người (HDI) tăng từ 0,573 điểm năm 2005 lên 0,638 điểm năm 2013, xếp thứ 121/187 nước tham gia xếp hạng. Tuổi thọ của người Việt Nam tăng từ 72 tuổi năm 2005 lên 73,2 tuổi năm 2014 và hiện ở mức cao hơn so với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Những thành quả bước đầu góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện thắng lợi các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập với khu vực và thế giới, dân số Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu chưa từng có trong lịch sử phát triển nhân khẩu và lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam. Mức sinh và mức chết giảm đã làm cho Việt Nam chấm dứt thời kỳ cơ cấu dân số trẻ, bước vào thời kỳ cơ cấu dân số "vàng" và tiếp theo là giai đoạn "già hoá dân số". Các dòng di cư diễn ra ngày càng mạnh với cường độ lớn và số lượng người di cư ngày càng đông...

Bên cạnh những lợi thế của thời kỳ chuyển đổi nhân khẩu, nhiều thách thức và những vấn đề mới nảy sinh trong công tác dân số có ý nghĩa quan trọng, có ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Đó là mức sinh biến động chưa ổn định và khoảng cách chênh lệch mức sinh giữa các khu vực chưa được khắc phục; cơ cấu dân số có sự biến đổi, mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao. Theo kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, Việt Nam đã bước vào thời kỳ mà các nhà nhân khẩu học và kinh tế gọi là thời kỳ cơ hội dân số vàng, già hóa dân số với tốc độ rất nhanh; tình trạng di cư diễn ra mạnh mẽ làm thay đổi cơ cấu và phân bố dân cư...

Nỗ lực của Quảng Bình khi chưa đạt mức sinh thay thế

Đứng trước xu thế chính sách dân số chuyển dần từ dân số-kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, trong khi các tỉnh, thành đã đạt mức sinh thay thế đang tập trung nguồn lực nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ cấu dân số và nâng cao chất lượng dân số thì Quảng Bình hiện vẫn đang là một trong những tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế; tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng mất cân đối ở một số địa phương; chất lượng dân số còn hạn chế, nhiều vấn đề về sức khỏe sinh sản chưa được giải quyết... Bởi vậy, đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện công tác dân số trên cả 3 lĩnh vực quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số.

Quảng Bình với mức sinh còn cao, tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm chậm và chưa thật vững chắc, đang có chiều hướng gia tăng trở lại ở một số địa phương, số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ năm 2010 là 2,39 con tăng lên 2,52 con năm 2015; tỷ số giới tính khi sinh có biểu hiện mất cân đối. Chất lượng dân số hiện đang ở mức thấp so với các tỉnh, thành trong cả nước, vẫn thuộc nhóm các tỉnh có chỉ số phát triển con người ở mức trung bình. Tuổi thọ có tăng nhưng vẫn thấp hơn so với tuổi thọ của toàn quốc. Tỷ lệ người cao tuổi tăng cao nhưng chế độ an sinh xã hội chưa bảo đảm, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi còn thiếu về số lượng và chất lượng. Thực tế cho thấy, hiện nay, chất lượng dân số chưa có những cải thiện đột phá. Hệ thống y tế đã được nâng cấp, song ở một số nơi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Tình trạng người nghèo bị bệnh chưa được điều trị đúng mức vẫn còn. Tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em và phụ nữ phải lao động nặng nhọc còn khá phổ biến ở nông thôn, miền núi. Tỷ lệ dinh dưỡng trong bữa ăn của cộng đồng đã được nâng cao, song lại xuất hiện tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm...

Bên cạnh với tuyên truyền, vận động đối tượng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại nhằm đạt các chỉ tiêu dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, góp phần vào giảm tỷ suất sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên . Đồng thời với việc thực hiện hiệu quả hoạt động của các mô hình, đề án với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số như “sàng lọc trước sinh và sơ sinh” nhằm phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh; “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”, “Giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” , “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng”, “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” và “Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52)”. Từ khi được triển khai vào thực tiễn đến nay, các mô hình, đề án đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào nỗ lực nâng cao chất lượng dân số, nhất là ở những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện các mô hình, đề án về nâng cao chất lượng dân số tại tỉnh còn gặp khó khăn như: Số sản phụ chủ động đi sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn thấp, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng biển và ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Kiến thức và khả năng tuyên truyền, tư vấn của cán bộ ở cơ sở còn hạn chế. Trang thiết bị phục vụ cho các mô hình, đề án vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu nhất là về khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Định mức chi cho việc thực hiện các kỹ thuật, như lấy máu gót chân, vận chuyển máu... còn thấp, khó khăn cho các đơn vị nên nhiều đơn vị chưa thực hiện đủ chỉ tiêu được giao; nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động mô hình, đề án hạn chế, phân bổ chậm; công tác đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ thực hiện đề án, mô hình chưa thường xuyên và còn hạn chế.

Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1025/KH-UBND ngày 4-7-2016 về việc thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản (DS/SKSS) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016-2020, trong đó đánh giá kết quả thực hiện công tác DS/SKSS giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch hoạt động giai đoạn 2016-2020 với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trên cả 3 lĩnh vực quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số, cụ thể như: Phấn đấu đạt mức sinh thay thế vào năm 2020 và duy trì tốc độ dân số hợp lý, khống chế tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh; tăng cường tiếp cận các dịch vụ có chất lượng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh, ưu tiên những vùng khó khăn nhằm thu hẹp sự khác biệt về các chỉ số sức khỏe bà mẹ và trẻ em giữa các vùng miền; giảm nhu cầu chưa được đáp ứng về sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho nhóm đối tượng VTN/TN... Việc tập trung thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu được đề ra trong 5 năm tới (2016-2020) sẽ đưa công tác DS/SKSS tỉnh nhà có những bước tiến đáng kể trong giai đoạn mới, góp phần quan trọng để ổn định quy mô dân số, giải quyết các vấn đề về cơ cấu dân số và nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của mỗi người dân.

55 năm qua, công tác DS- KHHGĐ của cả nước nói chung và của tỉnh ta đã bước qua nhiều thăng trầm, dù biết rằng vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, nhất là đốivới một tỉnh nghèo như Quảng Bình nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể liên quan, sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ dân số nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần; phấn đấu đạt mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trên địa bàn toàn tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển..., chúng ta tin tưởng rằng công tác dân số-KHHGĐ của tỉnh sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình để đạt được mục tiêu cao đẹp-mục tiêu vì sự phát triển toàn diện của mỗi con người.

Nguyễn Thị Ngọc Hà
(PGĐ Sở Y tế, CCT Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh)