.

8 cách trị đau dạ dày

Thứ Sáu, 02/12/2016, 15:37 [GMT+7]

Chữa đau dạ dày tá tràng có thêm hướng tích cực là dùng cây cỏ thiên nhiên để tránh được nhiều tác dụng phụ.

  Nội soi dạ dày để lấy mẫu làm xét nghiệm tại BV Nguyễn Tri Phương - Ảnh: Đặng Lê
Nội soi dạ dày để lấy mẫu làm xét nghiệm tại BV Nguyễn Tri Phương - Ảnh: Đặng Lê

Nhiều công trình nghiên cứu được thực hiện tại nhiều nước tiên tiến để trích và chiết xuất các hoạt chất từ cây cỏ. Đã có 8 loại thảo dược được chứng minh có khả năng ức chế H.pylori (vi khuẩn Helicobacter pylori là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng).

Chè dây: hoạt chất flavonoid trong chè dây có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn mạnh, được các nhà khoa học trong nước chiết xuất và nghiên cứu lâm sàng tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108, Bệnh viện YHCT trung ương, kết quả cho thấy chè dây có tác dụng kháng H.pylori mạnh.

Gừng: nghiên cứu thành công của Đại học Illinois Chicago, ngoài công dụng hỗ trợ tiêu hóa, hô hấp, tim mạch, nước chiết gừng còn có tác dụng ngăn cản sự phát triển của H.pylori.

Tinh dầu cỏ xạ hương: là gia vị ngàn đời của người Hi Lạp, Ai Cập và Ý, theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng và các nhà khoa học ở Technion (The Israel Institute of Technology), trong số 21 loại tinh dầu có khả năng kháng khuẩn mạnh thì tinh dầu cỏ xạ hương được xếp thứ 3 có tác dụng kháng H.pylori.

Cam thảo: trong y học cổ truyền cam thảo được dùng để chữa viêm loét dạ dày, ở châu Âu cam thảo dùng để bảo vệ màng nhày trong niêm mạc dạ dày chống loét. Nghiên cứu thành công của Institute of Medical Microbiology and Virology, Kiel, Germany cho thấy dịch chiết cam thảo ức chế H.pylori đã kháng với clarithromycine. Thêm vào đó, nghiên cứu của Toho University, Chiba, Japan, cũng chứng minh dịch cam thảo ức chế được H.pylori đã kháng với cả 2 loại kháng sinh là clarithromycine và amoxycilline.

Curcumin từ nghệ vàng: hoạt chất từ nghệ với tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa mạnh rất hiệu quả trong điều trị viêm loét dạ dày. Curcumin được các nhà khoa học của các nước tiên tiến gồm Mỹ, Ý và Đức chứng minh có tác dụng tiêu diệt loại xoắn khuẩn này.

Kha tử: trong y học Vệ Đà, kha tử được xem là thảo dược có tác dụng làm lành các vết loét, chữa rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng da và trị u bướu. Dịch chiết kha tử có tác dụng chống oxy hóa mạnh và kết quả nghiên cứu tại University of Tehran, Iran cho thấy kha tử có khả năng ức chế hoạt động của H.pylori.

Ngô thù du: kết quả nghiên cứu hợp tác giữa Nhật Bản và Triều Tiên cho thấy thảo dược này ngăn chặn được H.pylori.

Berberin (được phân lập từ các cây hoàng liên, hoàng bá, hoàng đằng và vàng đắng...) dân gian hay dùng để chữa bệnh nhiễm khuẩn đường ruột có tác dụng kháng cả khuẩn H.pylori.

Theo DS Lê Kim Phụng (Tuổi trẻ)