.

Ứng dụng thủy trị liệu trong điều trị bằng y học cổ truyền

Thứ Ba, 29/11/2016, 08:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Thủy trị liệu là một trong những biện pháp vật lý trị liệu - phục hồi chức năng dưới hình thức sử dụng lực tác động của nước để massage, điều hòa hệ thống tuần hoàn cho mạch máu, thần kinh của cơ thể. Thủy trị liệu còn mang đến sự thư giãn cho người dùng, giúp mọi người dễ đi vào giấc ngủ, tái tạo các tế bào da, giúp làn da đào thải độc tố tốt hơn, mang đến làn da mịn màng săn chắc, là phương pháp trị liệu dễ chịu nhất tạo cho bệnh nhân cảm giác sảng khoái trong liệu trình điều trị.

Thuỷ trị liệu là phương pháp sử dụng nước tác động lên mặt ngoài của cơ thể để chữa bệnh. Nước là một môi trường thuận tiện để trao đổi nhiệt lượng với cơ thể, tạo sức ép và sự kích thích cơ học lên trên mặt da để thực hiện sự đề kháng hay trợ giúp với các cử động chủ động.

Các biện pháp thủy trị liệu bao gồm: ngâm nước toàn thân hay ngâm nước từng bộ phận (ngâm chân, ngâm tay), tắm tác dụng với kích thích cơ học, tắm hơi nóng... có thể ngâm nước nóng, nước lạnh hay kết hợp giữa nóng và lạnh trong điều trị. Tùy vào tình trạng bệnh lý của người bệnh mà thầy thuốc sẽ có chỉ định phù hợp. Tác dụng thủy trị liệu tạo thuận lợi đối với các cử động khớp, làm giảm cường độ co cơ cần thiết; tốt cho người bị bệnh khớp mạn tính, những người bị đau nhức khớp nhất là khi thời tiết thay đổi hoặc yếu cơ do bệnh lý thần kinh, giúp phục hồi chức năng khớp, cơ và thần kinh, tăng cường lưu thông máu, do chịu áp lực thay đổi của nước, giúp cho phục hồi chức năng hô hấp và tim mạch, có lợi cho tiêu hóa, giúp thư giãn, giảm stress, dễ đi vào giấc ngủ và ngủ sâu.

Ngâm nước từng bộ phận là một trong các biện pháp thủy trị liệu.
Ngâm nước từng bộ phận là một trong các biện pháp thủy trị liệu.

Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh đang áp dụng phương pháp thủy trị liệu có thuốc ngâm từng bộ phận dựa vào cơ chế ấm nóng cùng tác dụng của các vị thuốc hòa tan trong nước mang lại hiệu quả chữa bệnh cao. Nước nóng: có công dụng tăng tiết mồ hôi, tăng tuần hoàn ngoại vi làm giảm huyết áp, giảm xung độtthần kinh, tăng nhịp tim, tăng thân nhiệt, tăng thải mồ hôi, tạo thư giãn cơ làm giảm đau, giảm co thắt cơ... Sau khi thăm khám, bác sỹ sẽ có những chỉ định phù hợp với tình trạng người bệnh.

Ngâm từng bộ phận được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân không có khả năng chịu được tác dụng ngâm nước toàn thân hoặc chỉ có yêu cầu điều trị cục bộ. Vùng điều trị có thể là tay, chân. Cũng như các phương pháp điều trị khác thì thủy trị liệu dùng thuốc cũng có nhưng chỉ định và chống chỉ định. Các chỉ định: đau khớp, viêm khớp mãn tính, đau dây thần kinh,viêm đa rễ, đa dây thần kinh, liệt thần kinh 7 ngoại biên... Chống chỉ định tuyệt đối: viêm cấp, mới chấn thương; vết thương nhiễm khuẩn. Tắc động tĩnh mạch cấp tính, ung thư. Chống chỉ định tương đối; giảm tuần hoàn ngoại vi; giảm cảm giác trẻ em và người bệnh tâm thần; bệnh tim mạch, hô hấp và thận (không điều trị toàn thân).

Các phương pháp thủy trị liệu có thuốc: Ngâm tay bằng nước nóng có tác dụng: giãn mạch, giảm đau, giảm co cứng cơ, nhịp tim tăng nhẹ. Tăng nhiệt độ ở các chi, tăng tiết mồ hôi.

Ngâm chân bằng nước nóng giúp đổi hướng lưu thông máu từ những vùng bị bệnh, việc ngâm chân giúp máu lưu thông ở não và ngực, thậm chí chữa cả chuột rút, giảm viêm sưng, tác dụng: Tăng tuần hoàn cục bộ, tạo xung huyết da, giảm sung huyết trong các cơ ở vùng xương chậu và vùng trên thân mình, thư giãn cơ khi cơ co cứng đồng thời giảm đau.

Ngày nay, thủy trị liệu không chỉ dùng trong chữa bệnh mà còn hỗ trợ làm đẹp da và làm săn chắc cơ thể, được phái nữ biết đến và sử dụng thường  xuyên hơn, kết hợp cùng các liệu trình spa phổ biến khác.
Với mục tiêu đạt chất lượng cao trong điều trị cho người bệnh, việc ứng dụng các phương pháp điều trị của y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại đạt được hiệu quả cao trong điều trị mang lại niềm tin cho người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh.

Bác sĩ Phạm Thị Thùy Linh