.

Trạm y tế giữa lòng dân

Thứ Tư, 16/11/2016, 13:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Đồng bào sống trên tuyến đường vào các bản vùng Lòm, xã Trọng Hóa (Minh Hóa) đã được học chữ Bác Hồ, được Bộ đội Biên phòng bảo vệ, che chở. Gần đây, ở khu vực này đã được Nhà nước xây dựng một trạm y tế và có những người thầy thuốc đang ngày đêm tận tâm chăm sóc sức khỏe cho bà con.

Năm 2015, UBND huyện Minh Hóa quyết định trích ngân sách 3 tỷ đồng để xây dựng, đưa vào hoạt động thêm cơ sở 2 Trạm y tế xã Trọng Hóa tại bản Dộ. Trạm được xây dựng theo hệ thống nhà cấp 4, có tất cả 5 phòng và được trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho bà con.

Về nhân lực, huyện đã cử đội ngũ cán bộ y, bác sỹ gồm 3 người có năng lực từ các trạm trong huyện đến làm việc, trong đó có 2 cán bộ người bản địa biết tiếng nói và văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Trạm được trang bị một máy phát điện bằng xăng và nhiều trang thiết bị phục vụ cho công tác khám và điều trị cho bà con vùng Lòm.

Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa, Hồ Phin cho biết: Toàn xã có 18 bản, gần 800 hộ dân, phần lớn bà con là người Khùa và người Mày. Trước đây, đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên cuộc sống đồng bào dần được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, một số bản ở vùng Lòm như: Cha Cáp, Tà Vờng, Dộ, Sy, Lòm... muốn đến được trạm y tế xã phải đi hơn 40 km đường núi dốc nên việc khám chữa bệnh những năm qua hết sức khó khăn.

Bên cạnh đó, đặc thù tập quán chữa bệnh của đồng bào chủ yếu dựa vào việc cúng bái, chữa bằng thuốc nam nên ít khi bà con ra trạm y tế khám chữa bệnh; chỉ khi nào bệnh quá nặng, có thông tin báo ra thì trạm y tế xã mới cử cán bộ vào vận động bà con ra trạm điều trị hoặc chuyển lên tuyến trên. Nhưng quãng đường đi lại quá xa và khó đi nên nhiều bệnh nhân khi đến được bệnh viện tuyến trên đã trở nên nguy kịch, thậm chí tử vong.

Cán bộ cơ sở 2 của Trạm y tế xã Trọng Hóa đang khám cho bệnh nhân.
Cán bộ cơ sở 2 của Trạm y tế xã Trọng Hóa đang khám cho bệnh nhân.

Từ hạn chế về nhận thức cũng như điều kiện khám và điều trị bệnh khiến sức khỏe của bà con vùng Lòm thường bị đe dọa, thậm chí có nhiều trường hợp tử vong. Điển hình như trường hợp chị Hồ Thị Phung, ở bản Sy sinh con tại nhà, bị băng huyết. Trạm y tế ở quá xa nên không thể đưa đến kịp để cấp cứu, may có các bạn tình nguyện viên chuyên ngành Y đang làm công tác tình nguyện cấp cứu kịp thời nên cứu sống được người mẹ, còn đứa con đã bị chết.

Đầu năm 2014, tại vùng Lòm bùng phát bệnh sốt rét. Lúc này, nhiều người dân bị mắc bệnh nhưng do trạm y tế xã quá xa, phương tiện đi lại không có nên bà con không đến khám và điều trị. Trước tình hình trên, UBND xã Trọng Hóa phối hợp với trạm y tế chở người dân ra trạm điều trị ban đầu rồi chuyển lên Bệnh viện đa khoa huyện.

Tháng 7- 2015, cơ sở 2 của Trạm y tế xã Trọng Hóa đã đưa vào hoạt động trong niềm vui phấn khởi của bà con. Từ khi đi vào hoạt động, trạm đã khám và điều trị trên 900 lượt bệnh nhân, chủ yếu các bệnh: sốt rét, nhiễm khuẩn đường hô hấp và một số bệnh ngoài da. Có ngày, trạm tiếp nhận hàng chục người đến khám và điều trị.

Bác sỹ Cao Xuân Tiêm, phụ trách trạm cho biết: “Chúng tôi đã đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động bà con đến khám và chăm sóc sức khỏe; vận động bà con giữ gìn vệ sinh môi trường, đi ngủ hay đi rừng phải mắc màn chống muỗi để hạn chế bệnh sốt rét. Trong các đợt cao điểm, chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Y tế dự phòng huyện, Phòng Y tế, trạm trung tâm tăng cường cả lực lượng lẫn thuốc chữa bệnh để khám và phát cho bà con”.

Chị Hồ Thị Hằng, ở bản Tà Vờng cho hay: “Cách đây 5 tháng, tôi trở dạ và chuẩn bị sinh con. Lúc đó, đêm khuya nhưng không có xe để đến trạm y tế nhưng các y, bác sỹ vẫn tận tình đến nhà để đỡ đẻ cho tôi”. Trước đó do chưa có trạm y tế nên chị Hằng đã tự sinh con ở nhà và bị băng huyết. May cho chị là người thân kịp thời đưa đi cấp cứu nên qua khỏi, còn đứa con thì không cứu được.

Anh Hồ Thoong, ở bản Dộ cũng cho hay: “Có lần tôi đi rừng bị đá cắt chân, vết thương khá sâu và chảy rất nhiều máu. Rất may là có người đưa đến trạm y tế cấp cứu kịp thời và phát thuốc điều trị nên giờ tôi đã lành lặn”.

Bác sỹ Đinh Xuân Thái, Trưởng trạm y tế xã Trọng Hóa cho biết: “Từ khi đi vào hoạt động, cơ sở 2 của Trạm y tế xã Trọng Hóa đã khám và điều trị hàng trăm lượt bệnh nhân. Trong đó, có 2 đợt bệnh nhân tăng đột biến do sốt rét và nhiễm khuẩn đường hô hấp với số lượng bệnh nhân trên 50 người. Đảng ủy và chính quyền địa phương, các đơn vị đóng trên địa bàn, cơ quan y tế cấp trên đã tập trung phối hợp huy động lực lượng, phương tiện, con người điều trị cho bà con; phun các loại hóa chất ngăn không cho các mầm bệnh phát triển. Chỉ sau một thời gian ngắn, bệnh đã được không chế, không có bệnh nhân nào phải chuyển tuyến hay tử vong”.

Ông Cao Văn Chương, Trưởng phòng Y tế huyện Minh Hóa cho biết: “Xây dựng trạm y tế cơ sở 2 tại bản Dộ đã góp phần giải quyết được những khó khăn trong việc điều trị và chăm sóc sức khỏe của nhân dân vùng Lòm, giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Trạm y tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe và sơ cứu ban đầu cho bà con khi họ đau ốm, bệnh tật”.

Ông Hồ Khiên, Trưởng bản Tà Vờng chia sẻ: “Điểm trạm y tế bản Dộ rất phù hợp với lòng dân. Giờ đây, dân bản đau ốm không cần mời thầy mo, thầy cúng hay dùng lá cây rừng để điều trị. Sức khỏe của bà con được chăm sóc, điều trị tốt, cán bộ còn về tận nơi tiêm phòng thường xuyên”. Có thể nói, nhờ có điểm trạm y tế bản Dộ nên sức khỏe của người dân vùng Lòm xã Trọng Hóa đã được quan tâm, chăm sóc chu đáo hơn. Với tấm lòng yêu nghề, tận tụy, những “Chiến sĩ áo trắng” cơ sở 2 của Trạm y tế xã Trọng Hóa đã chiếm được sự tin cậy của bà con, giúp người dân yên tâm hơn mỗi khi đau ốm.

Xuân Vương