.

Tạo điều kiện giúp người nhiễm HIV được khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế

Thứ Hai, 28/11/2016, 08:53 [GMT+7]

Hiện nay, tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) bình quân chỉ đạt khoảng 40%, bằng 1/2 so với mức 79% (tỷ lệ người dân nói chung của cả nước) có thẻ BHYT.

Quang cảnh hội nghị sáng 27-11 tại Đà Nẵng.
Quang cảnh hội nghị sáng 27-11 tại Đà Nẵng.

Đó là số liệu được đưa ra tại hội nghị triển khai Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thanh toán thuốc kháng vi-rút (ARV) được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng vi-rút HIV do Bộ Y tế tổ chức tại Đà Nẵng.

Đây là quyết định được đưa ra kịp thời nhằm tạo điều kiện cho người nhiễm HIV được tiếp cận khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT, trong đó, quy định rất rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành đối với Trung ương và sở, ngành ở địa phương cũng như quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, thành bố trí kinh phí mua thẻ BHYT cho 100% người nhiễm HIV.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay, tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT bình quân chỉ đạt khoảng 40%, chỉ bằng 1/2 so với mức 79% (tỷ lệ người dân nói chung của cả nước) có thẻ BHYT. Các nguyên nhân khiến tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT thấp như: Điều kiện kinh tế rất khó khăn, không có tiền mua thẻ BHYT; nhiều người nhiễm HIV sống lang thang, không có hộ khẩu, không có nơi cư trú ổn định nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ BHYT của Nhà nước (kể cả là người nghèo); lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nếu tham gia BHYT...

Theo ước tính, từ năm 2017 bắt đầu thực hiện chi trả thuốc ARV từ nguồn BHYT, chiếm khoảng 15% số bệnh nhân; tăng dần trong những năm tiếp theo và phấn đấu đạt 70% bệnh nhân điều trị HIV/AIDS được thanh toán qua BHYT vào năm 2020. Số kinh phí thực hiện cho thuốc ARV từ nguồn BHYT chiếm khoảng 1.050 tỷ đồng, chiếm 36,0% tổng kinh phí ARV.

Bộ Y tế cũng chỉ rõ một số khó khăn khi tỷ lệ tiếp cận BHYT của người nhiễm HIV thấp do người nhiễm HIV phần lớn là người nghèo, nhưng không được hưởng chính sách hộ nghèo do thường xuyên đi làm ăn xa, không đủ tiền mua BHYT. Nhiều người nhiễm HIV không có đủ giấy tờ hợp lệ để mua BHYT. Đặc biệt là những người vi phạm pháp luật. Sợ lộ danh tính khi mua BHYT và sử dụng thẻ BHYT khi khám, chữa bệnh và thời gian qua do người nhiễm HIV được điều trị ARV miễn phí nên chưa thấy sự cần thiết của BHYT.

Được biết, từ năm 2017, nhiều khoản viện trợ cho các đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam bị cắt giảm, với lộ trình đến năm 2018 sẽ cắt giảm hoàn toàn các khoản viện trợ. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước chỉ có 100 tỷ đồng cho ARV, và chỉ cấp thuốc ARV cho các đối tượng ưu tiên theo luật. Trong khi đó, chi phí điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS lại rất lớn và thời gian kéo dài.

Theo Anh Đào (Nhân Dân)