.

Tăng cường các giải pháp nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ Tư, 09/11/2016, 14:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Những năm gần đây, thực trạng MCBGTKS xảy ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương, dự báo những hệ lụy khôn lường, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội trong tương lai. Ðể ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, ngành Dân số tỉnh ta đã và đang tăng cường các giải pháp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Theo số liệu báo cáo thống kê của Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố trong những năm gần đây, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh đều cao hơn mức bình thường, cụ thể trên toàn tỉnh năm 2015 là 115 bé nam/100 bé nữ, trong đó có một số địa bàn đang ở mức báo động như huyện Minh Hóa 125 bé trai/100 bé gái, Quảng Trạch 125 bé trai/100 bé gái, Tuyên Hóa 120 bé trai/100 bé gái, Đồng Hới 112 bé trai /100 bé gái, Ba Đồn 112 bé trai /100 bé gái...

Năm 2015, năm đầu tiên tỉnh ta được Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ cho phép triển khai thực hiện mô hình “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” tại 5 huyện, thị xã, thành phố. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của mô hình, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, đơn vị trực tiếp thực hiện và chỉ đạo thực hiện các hoạt động đã tích cực xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động cụ thể như: tổ chức hội thảo triển khai các hoạt động can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; lồng ghép tuyên truyền về giới tính khi sinh với các hoạt động của ban, ngành, đoàn thể; tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn và vận động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cho đội ngũ cán bộ DS-KHHGĐ ở cơ sở nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thái độ, hành vi và không tìm kiếm các dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi...

Công tác cổ động, tuyên truyền giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh đã được chú trọng.
Công tác cổ động, tuyên truyền giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh đã được chú trọng.

Năm 2016, các địa phương tiếp tục duy trì các mô hình, đồng thời tổ chức các hoạt động truyền thông lồng ghép, tư vấn và vận động người dân tại các địa bàn khu dân cư để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi hạn chế tìm kiếm các dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi.

Ngoài ra, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các cá nhân, đơn vị cung cấp dịch vụ y tế và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng, ngăn chặn tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với Đoàn trường trung cấp Y tế Quảng Bình tổ chức diễu hành, cổ động tuyên truyền về vấn đề giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái (11-10) năm 2016.

Các thông điệp trong chiến dịch tuyên truyền gồm: đầu tư cho trẻ em vị thành niên là đầu tư cho sự phát triển bền vững; hãy để trẻ em gái được học tập, chăm sóc sức khỏe và không bị bạo hành; hãy để trẻ em gái vị thành niên được hưởng các quyền của mình, được hiện thực hóa mong ước của các em và thay đổi thế giới của chúng ta; thực hiện bình đẳng giới góp phần bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh; hãy để việc sinh con trai, con gái theo cách tự nhiên; không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi.

Trên các trục đường chính của thành phố Đồng Hới, huyện Bố Trạch, huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin các địa phương treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về các hoạt động nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tổ chức các buổi tuyên truyền tại các xã, phường, thị trấn cho cộng đồng dân cư, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và nam, nữ trước khi kết hôn về các chính sách liên quan đến công tác DS-KHHGĐ, Luật Bình đẳng giới, quy định về nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính khi sinh...

Xác định truyền thông là một trong những nội dung quan trọng của công tác DS-KHHGĐ, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Đài PT-TH Quảng Bình, Báo Quảng Bình, Đài TT-TH các huyện, thị xã, thành phố... xây dựng các phóng sự, các bài viết tuyên truyền những nội dung cần thiết về vấn đề dân số trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay.

Tuy nhiên, để từng bước giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và hạn chế những hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, trước hết cần thực hiện đồng bộ các giải pháp; ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, tổ chức đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội hiện nay. Và giải pháp lâu dài là phải thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi, giúp giảm bớt gánh nặng của con cháu trong việc phụng dưỡng các cụ và sự lo lắng khi về già của những người cao tuổi không có con trai.

Thanh Hoa