.

Lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV

Thứ Hai, 14/11/2016, 14:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Bảo hiểm y tế  là một trong những giải pháp tài chính bền vững trong chăm sóc sức khỏe cho người dân ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

Bảo hiểm y tế giúp giảm gánh nặng tài chính cho người tham gia bảo hiểm khi không may bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn... phải điều trị. Chi phí cho việc điều trị một số bệnh có thể lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, vượt quá khả năng chi trả của hầu hết người bệnh và trở thành gánh nặng cho cả gia đình.

Với người nhiễm HIV, nguy cơ ốm đau nhiều hơn người khác và phải điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) liên tục và suốt đời. Trong thời gian tới, không còn thuốc viện trợ cấp miễn phí và quỹ bảo hiểm y tế sẽ thanh toán tiền thuốc ARV cũng như các chi phí khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân. Nếu không tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), người nhiễm HIV rất khó có đủ khả năng chi trả.

Các chuyên gia ước tính một người nhiễm HIV khi điều trị bằng thuốc ARV thì quỹ bảo hiểm y tế phải chi trả khoảng 6-13 triệu đồng/người/năm cho tiền thuốc ARV và các chi phí xét nghiệm, thuốc nhiễm trùng cơ hội... Chưa kể các chi phí khám chữa bệnh khác...

Trong bối cảnh các nguồn viện trợ cho HIV/AIDS đang bị cắt giảm, Chính phủ Việt Nam xác định giải pháp tài chính bền vững và lâu dài nhất là chuyển đổi nguồn tài chính cho chăm sóc và điều trị HIV/AIDS sang chi trả qua BHYT.

Để thực hiện lộ trình tham gia BHYT cho người nhiễm HIV, ngành Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội tổ chức ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS; xây dựng quy trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân HIV/AIDS lồng ghép với quy trình khám chữa bệnh của đơn vị. Khoa khám bệnh đang thực hiện việc khám chữa bệnh điều trị HIV/AIDS, bổ sung nhiệm vụ khám chữa bệnh HIV/AIDS theo quy chế bệnh viện về khám chữa bệnh ngoại trú để được BHYT thanh toán. Đơn vị cung cấp dịch vụ và quản lý khám chữa bệnh HIV/AIDS sử dụng hệ thống quản trị mạng từ khâu tiếp nhận, khám bệnh, chẩn đoán, chỉ định xét nghiệm, kê đơn, cấp phát thuốc; tổ chức tư vấn cho bệnh nhân sự cần thiết của thẻ BHYT và việc thực hiện cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT.

Tại phòng khám Trung tâm phòng, chống HIV tỉnh, sau một thời gian tích cực tuyên truyền, vận động đã có 107 bệnh nhân HIV  trong tổng số 116 bệnh nhân HIV/AIDS đang được quản lý, điều trị tham gia BHYT, đạt 92,2%. Song hành lang pháp lý BHYT cho người nhiễm HIV còn nhiều vướng mắc, khó khăn và lo ngại của người nhiễm HIV khi tham gia BHYT.

Nhiều người cho rằng, việc tham gia và khám chữa bệnh bằng BHYT ảnh hưởng đến bí mật thông tin cá nhân hoặc gia tăng kỳ thị phân biệt đối xử. Bảo mật thông tin cá nhân người bệnh nói chung và người nhiễm HIV nói riêng đã được quy định bởi Luật Khám chữa bệnh và các quy định pháp luật khác. Việc người nhiễm HIV có thẻ BHYT khi khám chữa bệnh không làm thay đổi quy định này. Chỉ có người nhiễm HIV và thầy thuốc mới biết được tình trạng nhiễm HIV, do vậy không ảnh hưởng đến vấn đề lộ thông tin cá nhân hay tình trạng nhiễm HIV của một bệnh nhân.

Khám chữa bệnh bằng BHYT cũng không làm gia tăng kỳ thị và phân biệt đối xử. Khi người nhiễm HIV đến khám tại các phòng khám bệnh sẽ hòa chung và quy trình khám chữa bệnh chung của phòng khám như mọi bệnh nhân khác, không ai biết được một người nhiễm HIV dựa trên quy trình chung này. Do vậy không thể làm gia tăng việc kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV mà chính là giúp người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng, xem HIV như một bệnh truyền nhiễm khác, giảm kỳ thị phân biệt đối xử.

Anh K. một trong những bệnh nhân có HIV đang điều trị thuốc kháng vi rút tại Trung tâm cho rằng, anh đi lao động làm ăn xa nhà nên không tham gia bảo hiểm y tế được. Tuy nhiên, anh K. hoàn toàn có thể tham gia bảo hiểm y tế khi anh đăng ký tạm trú tại cơ quan công an nơi đang tạm trú để lao động và có thể tham gia BHYT theo Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, hoặc tham gia bảo hiểm y tế tại quê nhà nơi có hộ khẩu thường trú và theo quy định hiện nay đã thông tuyến khám chữa bệnh đến tuyến huyện. Do vậy, người nhiễm HIV lao động xa nhà vẫn có thể sử dụng thẻ để khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế nơi lao động tương đương với tuyến của nơi ghi trên thẻ bảo BHYT hoặc cơ sở y tế khác nếu không có cơ sở tương đương.

Trong bối cảnh sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS vẫn còn nặng nề, việc thực hiện chính sách BHYT cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nhiễm HIV/AIDS, để không có đối tượng nào bị bỏ rơi trong giai đoạn chuyển giao thực hiện quy định của pháp luật.

Lan Hường
(Khoa Truyền thông TTPC HIV/AIDS)