.

"Chìa khóa" bảo vệ sức khỏe

Thứ Ba, 15/11/2016, 08:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) còn gọi là tiểu đường, là bệnh mạn tính do tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin mà nó sản xuất. Đây là căn bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đái tháo đường không những ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh, mà còn là gánh nặng kinh tế cho gia đình người bệnh và toàn xã hội.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, bệnh đái tháo đường là “kẻ giết người” thầm lặng vì diễn biến âm thầm của bệnh làm cho người bệnh dễ nảy sinh tâm lý chủ quan. Tuy nhiên, khi bệnh chuyển nặng có thể gây nên các biến chứng đe dọa tính mạng, làm suy yếu sức khỏe, giảm chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ. Người bệnh dễ mắc các biến chứng về tim mạch, mắt, suy thận, tổn thương hệ thần kinh, nhiễm trùng, tổn thương các chi, có thể dẫn đến phải cắt cụt chi.

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, tỉnh ta đã và đang nỗ lực thực hiện công tác phòng chống bệnh ĐTĐ. Bằng việc đẩy mạnh công tác giám sát, sàng lọc người mắc ĐTĐ tại cộng đồng và các hoạt động tư vấn phòng chống ĐTĐ, tỉnh ta còn chú trọng xây dựng mạng lưới làm công tác dự phòng ĐTĐ từ tỉnh đến cơ sở, từng bước nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh cho người dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ người mắc ĐTĐ trong cộng đồng.

Thời gian qua, ngành Y tế mà vai trò hạt nhân là Trung tâm phòng chống Sốt rét- Nội tiết tỉnh đã  tập trung đẩy mạnh các hoạt động dự phòng, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: tổ chức các đợt truyền thông cao điểm về phòng chống bệnh ĐTĐ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; phát tờ rơi, áp phích, tranh cổ động, tăng cường tư vấn...

Xét nghiệm máu là biện pháp hữu hiệu giúp cán bộ y tế và người dân phát hiện sớm bệnh ĐTĐ để có biện pháp chăm sóc sức khỏe hợp lý.
Xét nghiệm máu là biện pháp hữu hiệu giúp cán bộ y tế và người dân phát hiện sớm bệnh ĐTĐ để có biện pháp chăm sóc sức khỏe hợp lý.

Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Nội tiết tỉnh luôn chú trọng công tác khám sàng lọc tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm những người mắc ĐTĐ và tiền ĐTĐ để quản lý, tư vấn, điều trị kịp thời cho người bệnh. Từ hoạt động này, người dân được kiểm tra đường huyết, tư vấn các biện pháp giữ gìn sức khỏe, chế độ ăn uống, tập luyện nâng cao thể lực, nhất là những người có nguy cơ cao (béo phì, tăng huyết áp, ít vận động) để họ chủ động hiểu rõ về bệnh và các biến chứng nguy hiểm của bệnh, hướng họ đến với những dịch vụ y tế phù hợp nhằm hạn chế sự phát triển của bệnh trong cộng đồng dân cư.

Trung tâm còn tổ chức các đợt tập huấn về kỹ năng sàng lọc ĐTĐ và tiền ĐTĐ, kỹ năng tư vấn về dinh dưỡng, luyện tập phòng chống ĐTĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên khoa, chuyên trách ở tuyến tỉnh, huyện và tuyến xã, phường; đồng thời thực hiện có hiệu quả việc quản lý các đối tượng tiền ĐTĐ ở cơ sở.

Trong quá trình khám, điều trị cho người bệnh tại đơn vị, cán bộ y tế Trung tâm phòng chống Sốt rét-Nội tiết tỉnh luôn lồng ghép hoạt động theo dõi, tư vấn, quản lý bệnh nhân (có sổ theo dõi) để có kế hoạch quản lý, tư vấn, chăm sóc, điều trị, giúp người bệnh ngăn ngừa biến chứng, giảm chi phí điều trị và nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống bệnh ĐTĐ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, bên cạnh các yếu tố khách quan gây bệnh ĐTĐ như di truyền, lão hóa, thì nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh là do lối sống thiếu lành mạnh với các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, tình trạng hút thuốc và lạm dụng rượu bia.

Theo kết quả điều tra quốc gia các yếu tố nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam 2015 (STEPS 2015) và Điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá trong người trưởng thành ở Việt Nam (GATS 2015) do Bộ Y tế công bố gần đây có 57,2% dân số trưởng thành ở nước ta ăn thiếu rau, trái cây so với mức khuyến cáo 400g/1 ngày của WHO. Khuyến cáo về hoạt động thể lực của WHO là cường độ trung bình ít nhất 150 phút/1 tuần thì gần 1/3 dân số Việt Nam không đạt được mức.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng các chất rượu, bia, thuốc lá vẫn ở mức cao. Việt Nam có 15,6 triệu người hút thuốc là (tương đương 45,3%) và thuộc nhóm các nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao trên thế giới. Tỷ lệ người dân thừa cân, béo phì là 15,6%, đặc biệt là tại khu vực thành thị, chiếm 21,3%. Điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh Đái tháo đường trong thời gian tới. Đáng lo ngại là bệnh Đái tháo đường type 2 trước đây chỉ xảy ra ở người lớn, nhưng thời gian gần đây, bệnh đã được phát hiện ở trẻ em.

ĐTĐ là một bệnh mãn tính, diễn tiến thầm lặng nhưng có nhiều biến chứng nguy hiểm làm ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống. Điều đáng lo ngại là rất nhiều người có thể đã mắc ĐTĐ nhưng không hề biết đến khi được phát hiện thì bệnh đã nặng khiến cho việc điều trị gặp khó khăn hơn và rất tốn kém về kinh phí.

Vì lẽ đó, để chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân, mọi người cần phải chủ động, tích cực phòng chống ĐTĐ ngay bây giờ. Và để giúp người dân có kiến thức phòng bệnh, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, sàng lọc người mắc ĐTĐ tại cộng đồng và các hoạt động tư vấn phòng chống ĐTĐ, chú trọng xây dựng mạng lưới làm công tác dự phòng ĐTĐ từ tỉnh đến cơ sở, từng bước nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh cho người dân tại các cơ sở y tế nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ người mắc ĐTĐ tại cộng đồng.

Nh.V-L.H