.

Phát kính và phẫu thuật mắt miễn phí cho học sinh hoàn cảnh khó khăn

Thứ Tư, 25/05/2016, 08:56 [GMT+7]
Nhân viên y tế kiểm tra mắt cho trẻ em. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhân viên y tế kiểm tra mắt cho trẻ em. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với mong muốn học sinh, sinh viên chăm sóc đôi mắt chủ động hơn, đồng thời được tiếp cận với các phương pháp điều trị tật khúc xạ hiện đại với chi phí phù hợp nhất, Bệnh viện Mắt quốc tế DND (Hà Nội) triển khai chương trình Mắt sáng hướng tương lai nhằm chăm sóc sức khỏe đôi mắt cho học sinh-sinh viên.

Đây là một trong những hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường của bệnh viện thực hiện trong nhiều năm qua.

Thông qua chương trình, học sinh sinh viên sẽ được tham dự hội thảo khoa học, khám sàng lọc phát hiện và điều trị tật khúc xạ (cận, loạn, viễn).

Đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bệnh viện sẽ xem xét miễn phí phẫu thuật điều trị tật khúc xạ bằng các phương pháp hiện đại.

Trong ​năm nay, bệnh viện cấp phát 30.000 thẻ khám miễn phí, 1.000 kính miễn phí, phẫu thuật miễn phí về tật khúc xạ cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn...

Từ năm 2011, các bác sỹ của bệnh viện đã tiến hành khám sàng lọc các bệnh về mắt miễn phí cho trên 40.000 học sinh của một số trường học tại 9 quận, huyện của Hà Nội như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Nam Từ Liêm...

Kết quả cho thấy tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ (cận, viễn, loạn thị) chiếm khoảng 20-25%. Sau 5 năm, cũng tại các địa bàn này, các bác sỹ của bệnh viện tiến hành khám sàng lọc cho thấy số học sinh bị tật khúc xạ đã gia tăng đáng kể lên khoảng 35%. Đặc biệt ở các trường chuyên, lớp chọn, số học sinh bị tật khúc xạ chiếm 60-70%.

Các bác sỹ chuyên khoa mắt cảnh báo, với những trẻ khi có dấu hiệu tật khúc xạ (hay mỏi mắt, nheo mắt) nếu không được quan tâm khám, phát hiện sớm sẽ khiến thị lực ngày càng suy giảm. Sau 14 tuổi, khả năng phục hồi của các trường hợp bị nhược thị là rất thấp.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc cho trẻ, các bậc phụ huynh cần quan sát, thấy con nheo mắt, kêu mỏi (với trẻ đến tuổi đi học) hoặc trẻ đứng sát tivi, cầm đồ vật lên xem hay dí sát vào mắt (với trẻ chưa đến tuổi đi học) thì có thể đó là các dấu hiệu của thị lực kém.

Khi đó, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám bác sỹ chuyên khoa mắt để được tư vấn, chữa trị kịp thời.

Theo Thùy Giang (Vietnam+)