.

Thúc đẩy lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân

Thứ Sáu, 29/04/2016, 08:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa an sinh to lớn đối với đời sống cộng đồng. Vì vậy, tỉnh ta đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu đạt tỉ lệ bao phủ trên 77,8% dân số tham gia BHYT trong năm 2016 và phấn đấu đến năm 2020 đạt tỉ lệ bao phủ trên 83% dân số.

Thu hút người dân tham gia BHYT

Để thực hiện có hiệu quả nội dung trên, Bảo hiểm xã hội tỉnh (BHXH) đã tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về quyền lợi của BHYT. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc khẳng định vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT, nhất là BHYT trong hệ thống an sinh xã hội. Qua đó, giúp nhân dân hiểu sâu hơn về chế độ, chính sách BHYT, BHXH; đồng thời, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia các loại hình BHXH, BHYT thuộc các đối tượng cận nghèo, học sinh, sinh viên. Một trong những nhiệm vụ được chú trọng là toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phổ biến sâu rộng các nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, thành lập tổ thường trực nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc trong việc triển khai thực hiện luật đối với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, phòng y tế và các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh.

Đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại là một trong những hoạt động được ngành Y tế chú trọng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại là một trong những hoạt động được ngành Y tế chú trọng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, toàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế giúp người dân được hưởng thụ một cách tốt nhất các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, xem đây là một trong những giải pháp để vận động người dân tham gia BHYT. Ngành Y tế đã tập trung các hoạt động cải cách qui trình khám chữa bệnh, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực. Hầu hết các cơ sở y tế đều được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới và mua sắm trang thiết bị đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh theo hạng bệnh viện. Thông qua Đề án 1816, Bệnh viện Trung ương Huế và các bệnh viện tuyến Trung ương đã chuyển giao nhiều kỹ thuật chuyên sâu cho các bệnh viện, chất lượng khám chữa bệnh tại tất cả các tuyến trên địa bàn tỉnh ngày một tăng lên. Đáng chú ý là các bệnh viện đa khoa trong tỉnh đã chú trọng hơn đến việc ứng dụng các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới, hiện đại, đầu tư nâng cấp, cải thiện chất lượng bệnh viện và triển khai các dịch vụ y tế tiên tiến.

Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, các đơn vị y tế còn đặc biệt chú trọng đến các hoạt động nhằm trau dồi y đức, thực hiện nghiêm túc các nội dung của Bộ quy tắc ứng xử do Bộ Y tế ban hành. Nhờ đó mà chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân ở các tuyến được cải thiện đáng kể.

Hiện tại, toàn tỉnh có 14/14 cơ sở khám chữa bệnh đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT. Hàng năm BHXH tỉnh và Sở Y tế luôn có sự phối hợp trong thực hiện tốt công tác giám định BHYT nhằm bảo vệ quyền lợi khám chữa bệnh BHYT theo quy định mới cho người bệnh có BHYT. Sở Y tế và BHXH tỉnh cũng đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. Qua đó, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong công tác khám, chữa bệnh bằng BHYT trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẻ BHYT được tiếp cận các dịch vụ y tế một cách tốt nhất. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai thường xuyên nên đã xử lý và chấn chỉnh kịp thời những đơn vị sai phạm trong khám, chữa bệnh BHYT.

Với sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan, việc huy động người dân tham gia BHYT đã có những chuyển biến đáng mừng. Tính đến hết quý I năm 2016, toàn tỉnh có 692.575 lượt người được tham gia khám chữa bệnh bằng BHYT, đạt 93.9% kế hoạch. Tổng số thẻ BHYT năm 2015 đã phát hành là 677.605 (đạt 77% dân số toàn tỉnh), tăng so với năm 2014 là 72.599 thẻ (tỷ lệ tham gia BHYT tăng 8%). Quảng Bình được đánh giá là một trong 10 địa phương có tốc độ tăng đối tượng tham gia BHYT cao trên toàn quốc.

Còn đó những khó khăn

Chính sách BHYT là lý tưởng với mọi bệnh nhân, nhưng trên thực tế lại không đủ sức thu hút các đối tượng tham gia do không ít người dân chưa hiểu hết được giá trị của tấm thẻ BHYT. Với nhiều người, mức đóng BHYT hiện nay là khá cao, nhất là các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng không thuộc diện nghèo để được cấp thẻ BHYT. Tỉ lệ tham gia BHYT hộ gia đình ở các đối tượng hộ gia đình cận nghèo còn thấp, dù đối tượng này đã được hỗ trợ 70% mức đóng song với họ 30% số còn lại vẫn là con số không nhỏ. Tình trạng doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHYT vẫn diễn ra phổ biến, kéo dài nhiều năm qua và chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm cũng là một rào cản trong việc tăng số người tham gia BHYT. Bên cạnh đó, chất lượng khám chữa bệnh ở một số cơ sở y tế, nhất là cơ sở khám chữa bệnh ban đầu chưa đáp ứng nhu cầu, chưa tạo được lòng tin trong nhân dân dẫn đến tình trạng vượt tuyến, khiến chi phí thanh toán đa tuyến tăng cao.

Công tác tuyên truyền về các chính sách BHYT chưa thực sự được đẩy mạnh và sâu rộng đến người dân, nhiều người dù tham gia BHYT vẫn chưa hiểu rõ các quyền lợi mình được hưởng hay nghĩa vụ mình phải thực hiện. Khó khăn nữa là việc đấu thầu thuốc riêng lẻ tại các cơ sở khám chữa bệnh như hiện nay dẫn đến sự chênh lệch bất hợp lý về chủng loại thuốc, giá thuốc giữa các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh và giữa các tỉnh. Sự phối hợp giữa BHXH huyện - Bệnh viện đa khoa - Phòng Y tế chưa đồng bộ nên hiệu quả công tác chưa cao.

Để thực hiện BHYT toàn dân trong giai đoạn 2016- 2020, thiết nghĩ, công tác tuyên truyền cần phải thường xuyên, liên tục và phổ biến bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, chú trọng đến các nhóm có độ bao phủ cao như học sinh, sinh viên, người cận nghèo, nông, lâm, ngư nghiệp, người có mức sống trung bình... để người dân hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHYT. Đồng thời, cần có sự quan tâm vào cuộc của các ngành, các cấp có liên quan, đặc biệt là ngành Y tế trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo đảm cho người tham gia BHYT được thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng cao.

BHYT toàn dân là một chính sách quan trọng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, một trong những nhiệm vụ chiến lược trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Với quyết tâm cao và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, hy vọng rằng, tỉnh ta tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, sớm khắc phục các tồn tại hạn chế nhằm  thực hiện thắng lợi mục tiêu BHYT toàn dân theo lộ trình đã đề ra.

Nhật Văn-Lê Hồng