.
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS 1-12

Tư vấn sức khỏe cộng đồng: Một biện pháp can thiệp dự phòng có hiệu quả

Thứ Sáu, 27/11/2015, 10:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Phòng tư vấn sức khỏe cộng đồng Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2009. Sau nhiều năm hoạt động với nội dung tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, chương trình đã mang lại kết quả về dự phòng  lây nhiễm HIV trong cộng đồng trên địa bàn. Đến nay, chương trình được mở rộng thêm về nội dung tư vấn điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone  cho người nghiện chích ma túy. Đây là những  biện pháp can thiệp dự phòng cơ bản và cũng là điểm khởi đầu cho các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ HIV/AIDS toàn diện.

Tư vấn nhằm giúp cho con người giải toả những thắc mắc trong lòng, nhưng tư vấn cho người có HIV, người nghiện chích ma túy thì không chỉ giúp khách hàng có câu giải đáp mà còn giúp họ thay đổi nhận thức và hành vi... Tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện nhằm cung cấp thông tin cần thiết về HIV/AIDS, xét nghiệm HIV và lợi ích của xét nghiệm; giúp người được tư vấn biết cách phòng bệnh cho bản thân; hỗ trợ xã hội và y tế đối với người bị nhiễm, giảm phân biệt đối xử và kỳ thị đối với người nhiễm và ngăn chặn lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng. Tư vấn điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, giúp cho khách hàng có được kiến thức về Methadone, những tác hại của heroin đối với người nghiện, và đặc biệt  tư vấn viên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống tình cảm của bệnh nhân để hỗ trợ một phần nào đó về mặt tâm lý của người bệnh. Từ đó, khuyến khích mọi người tuân thủ điều trị Methadone, điều trị ARV, chuẩn bị tâm  lý điều trị lâu dài, suốt đời, và khóa được cảm giác do heroin mang lại.

Vấn xét nghiệm HIV tự nguyện tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS.
Tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS.

Để bảo đảm cho người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tư vấn sức khỏe cộng đồng, nhất là đối với các đối tượng có hành vi nguy cơ cao, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã không ngừng mở rộng địa bàn cung cấp các dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện đến tất cả các trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện đa khoa huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Thông qua các cán bộ y tế, cộng tác viên của chương trình, nhân viên tiếp cận cộng đồng - hỗ trợ điều trị HIV/AIDS đã cung cấp những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, đường lây truyền, các biện pháp phòng tránh, sử dụng các hành vi an toàn, phòng lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS.

Thời gian qua, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã tăng cường phối hợp với các đơn vị, ban ngành liên quan như Mặt trận, Hội Phụ nữ, Tỉnh đoàn, Công an, Bộ đội Biên phòng... tổ chức tuyên truyền, cấp phát tờ rơi, tài liệu tranh ảnh có nội dung truyên truyền về HIV/AIDS.

Đặc biệt thông qua hoạt động của nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng - hỗ trợ điều trị HIV/AIDS đã tăng cường các hoạt động truyền thông trực tiếp đến các nhà hàng, khách sạn, các tụ điểm khu vui chơi, giải trí tiếp cận các đối tượng nguy cơ cao để họ có điều kiện tiếp cận đến các dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện, chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

Từ đầu năm đến nay, phòng tư vấn sức khỏe cộng đồng đã tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, tư vấn điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone cho gần 1.000 trường hợp, qua đó, phát hiện 17 đối tượng dương tính với HIV, nâng tổng số trường hợp nhiễm HIV đến cuối tháng 10 năm 2015 lên 270 người. Thông qua các điểm dịch vụ, các khách hàng không may bị nhiễm HIV/AIDS đều được đưa vào quản lý để chăm sóc và điều trị sớm tại phòng khám ngoại trú của trung tâm. Hiện nay Bộ Y tế đã thống nhất với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ đưa dần các dịch vụ chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế. Vì vậy, việc tăng cường  tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS  hiểu rõ quyền lợi và tham gia bảo hiểm y tế để bảo đảm cho việc điều trị lâu dài, giảm bớt khó khăn về tài chính hết sức thiết thực.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các hoạt động của tư vấn xét nghiệm tự nguyện, điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone còn gặp nhiều khó khăn. Một số bệnh nhân điều trị Methadone chưa tuân thủ điều trị, đến điều trị Methadone chỉ là giải pháp tạm thời khi chưa có tiền để chích heroin. Những người có hành vi nguy cơ cao do tâm lý mặc cảm, sợ bị phát hiện khi đến xét nghiệm HIV, sợ kết quả nhận được là dương tính với HIV/AIDS. Người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS sợ đối xử phân biệt kỳ thị của người thân và xã hội. Ngoài ra họ còn sợ bị mất việc làm, trong khi họ vẫn khỏe mạnh và lao động bình thường. Có trường hợp khi đến họ vẫn khai tên tuổi, địa chỉ nhưng khi kết quả dương tính thì mới hiểu ra những danh tính họ khai báo như vậy là không đúng với sự thật, hoặc đối tượng đến tư vấn và làm xét nghiệm theo hình thưc vô danh  sau khi có kết quả dương tính, đối tượng không quay lại nhận kết quả. Đặc biệt có đối tượng có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng, sau khi xét nghiệm đã có kết quả dương tính nhưng lại không quay lại lấy kết quả xét nghiệm để được quản lý và có biện pháp điều trị thích hợp.

Từ nhận thức, vượt qua mặc cảm đến hành động tự nguyện, khách hàng tìm đến phòng tư vấn sức khỏe cộng đồng để  được tư vấn xét nghiệm HIV, tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone là cả một quá trình không đơn giản. Phòng tư vấn sức khỏe cộng đồng Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh ngày càng nỗ lực để người dân, nhất là đối với các đối tượng có hành vi nguy cơ cao tự nguyện tìm đến chương trình và xem đây là một địa chỉ tin cậy, một biện pháp  can thiệp dự phòng có hiệu quả. Sự chung tay góp sức của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là ý thức, trách nhiệm và sự tự giác của mọi người nhằm phát hiện sớm người nhiễm HIV, có biện pháp dự phòng, hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS.

Lan Hường
(Khoa truyền thông TTPC HIV/AIDS)