.

Tập trung các hoạt động tư vấn, hỗ trợ điều trị cho người nhiễm HIV

Thứ Năm, 21/05/2015, 12:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Hỗ trợ tinh thần cho người bệnh là một trong những hoạt động được Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh hết sức chú trọng. Việc thành lập và phát huy hiệu quả của Phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, xây dựng các chương trình truyền thông phù hợp đã mang lại hiệu quả rõ nét trong việc hỗ trợ tinh thần cho người bệnh, hướng họ đến với các dịch vụ y tế để được chăm sóc sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Xuất phát từ thực tế người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS thường mặc cảm, che giấu bản thân vì sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử do căn bệnh này có liên quan đến tệ nạn xã hội (tiêm chích ma túy, mại dâm) và có tính chất lây truyền nên việc tiếp cận, chia sẻ, tư vấn cho người bệnh là hết sức cần thiết. Đây được xem là biện pháp hỗ trợ tinh thần giúp người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS vượt qua khủng hoảng  ban đầu để đối diện với cuộc sống mới.

Từ thực tế cho thấy, sự đau khổ, tuyệt vọng làm cơ thể suy sụp nhanh chóng, không ít trường hợp đã tìm đến cái chết, hoặc rơi vào tình trạng trầm cảm, sa sút trầm trọng cả mặt tinh thần lẫn thể chất khi biết tin mình bị nhiễm HIV dù tuổi đời còn rất trẻ.

Từ khi thành lập đến nay, cán bộ y tế Trung tâm phòng chống HIV/AIDS luôn chú trọng đến hoạt động này. Những khách hàng đặc biệt (người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS, người có nguy cơ lây nhiễm HIV) luôn nhận được những câu trả lời thích đáng, giải tỏa được những băn khoăn, thắc mắc để có định hướng đối với việc chăm sóc sức khỏe và thiết lập cuộc sống mới.

Cán bộ y tế Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh đang thăm hỏi, tư vấn sức khỏe tại nhà cho người nhiễm HIV.
Cán bộ y tế Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh đang thăm hỏi, tư vấn sức khỏe tại nhà cho người nhiễm HIV.

Không chỉ tư vấn cho người bệnh  kiến thức cơ bản về bệnh HIV/AIDS, cách chăm sóc, điều trị, chế độ dinh dưỡng, cán bộ y tế còn tạo cho người bệnh niềm tin để chiến thắng bệnh tật, đồng thời giới thiệu họ đến với các dịch vụ y tế thân thiện, các hoạt động xã hội tích cực phù hợp với hoàn cảnh và tình trạng sức khỏe.

Chị N.T.T một bệnh nhân AIDS đang điều trị ARV tại đơn vị tâm sự: “Đã từng tìm đến cái chết rồi phải sống trong tuyệt vọng... nhưng rồi lại tìm thấy bình yên và hạnh phúc. Từng nghĩ, bị nhiễm HIV là án tử, lại bị người đời xa lánh, kỳ thị, song khi được cán bộ y tế chia sẻ, cung cấp kiến thức về bệnh, được động viên khích lệ tinh thần và tham gia điều trị, tôi đã tự tìm được lối đi để tiếp tục sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội...”.

Nhiều bệnh nhân khác cũng có chung tâm trạng như chị N.T.T khi biết tin mình hoặc người thân nhiễm bệnh, họ đã tự tìm được lối đi cho mình sau khi được các bác sĩ tư vấn và hỗ trợ về mặt tinh thần. Vì thế, từ chỗ người bệnh ngại xuất hiện trước đám đông, ngay cả các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm muốn biết tình trạng thật của bản thân cũng không dám đến cơ sở y tế vì sợ người khác nghi ngờ mình mắc bệnh thì bây giờ họ đã chủ động tìm đến để được lắng nghe và chia sẻ.

Song song với việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, các biện pháp can thiệp nhằm giảm thiểu tác hại nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, hoạt động hỗ trợ, chăm sóc người nhiễm HIV/ AIDS tại cộng đồng và tư vấn điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó có tư vấn điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV ngày càng được chú trọng. Qua đó đã giúp cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS nâng cao sức khỏe, tự lao động để bảo đảm chất lượng cuộc sống, giảm gánh nặng cho xã hội. Đây chính là hiệu quả rất tích cực từ  hoạt động tư vấn, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân AIDS bằng thuốc ARV.

Chia sẻ với chúng tôi anh V.N ở huyện Quảng Ninh cho biết: “Thời gian đầu biết mình bị nhiễm HIV, tôi vô cùng hoang mang, lo sợ nên không dám tiếp xúc với ai. Tinh thần hoảng loạn, ăn, ngủ kém nên sức khỏe sa sút trầm trọng. Được gia đình động viên, tôi đã đến cơ sở y tế và chính nơi đây đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Biết HIV không dễ lây và có thể sống khỏe, sống lâu dù đang mang bệnh nếu sống lạc quan, dinh dưỡng đầy đủ và tuân thủ điều trị, tôi như được tiếp thêm luồng sinh khí mới để bước tiếp. Và thật không ngờ, chỉ sau một thời gian ngắn, tôi tăng cân, da dẻ hồng hào, không còn đau ốm lặt vặt. Tôi cũng tự tin hơn rất nhiều khi nói về mình nên đã tự nguyện tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/ AIDS ở địa phương...”.

Nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động tư vấn, hỗ trợ điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho cộng đồng. Bên cạnh đó,  Trung tâm phòng chống HIV/AIDS sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc rà soát, quản lý đối với người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS, người nghiện ma túy để động viên, tư vấn họ tiếp cận với phương pháp điều trị bằng thuốc ARV đối với bệnh nhân AIDS đủ điều kiện và điều trị bằng Methadone cho người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.

Nhật Văn