.

Nơi khơi nguồn nhân ái

Thứ Ba, 17/02/2015, 08:33 [GMT+7]

(QBĐT) - “Hãy dành những gì tốt nhất cho trẻ em” không còn là câu khẩu hiệu ở Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba-Đồng Hới mà đã được cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Và từ nhiều năm nay, khoa Nhi của bệnh viện là nơi thể hiện rõ nét nhất những nỗ lực của đơn vị trong công tác chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân nhi. Đáng trân trọng hơn là lòng nhân ái được khơi nguồn từ chính đội ngũ cán bộ y tế-những “người mẹ áo trắng” nơi đây để rồi làm nên bao điều kỳ diệu cho cuộc sống.

Nơi ươm mầm hạnh phúc

Với phương châm “dành những gì tốt nhất cho trẻ em”, khoa Nhi của bệnh viện được đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, tận tâm với nghề. Nhờ vậy, bệnh viện đã cứu sống rất nhiều trẻ em nhập viện trong tình trạng “thập tử nhất sinh”. Nhiều kỹ thuật mới được triển khai và mang lại hiệu quả cao trong công tác điều trị như kỹ thuật thay máu điều trị vàng da sơ sinh, kỹ thuật thay huyết tương, đóng ống động mạch bằng thuốc, kỹ thuật hồi sức sơ sinh sau phẫu thuật, cắt nối ống khí quản...

Có những trường hợp bệnh nhân mới vài ngày tuổi nhập viện trong tình trạng xuất huyết não, suy hô hấp do bị uốn ván, trẻ sinh non chỉ nặng chừng 0,8kg hoặc mắc các chứng bệnh khác tưởng chừng không thể qua khỏi nhưng đã được cứu sống từ đôi tay kỳ diệu của những người thầy thuốc. Thành công trong việc áp dụng các kỹ thuật cao tại khoa Nhi được các bệnh viện lớn đánh giá cao, là địa chỉ để các đồng nghiệp đến từ nhiều đơn vị y tế trong nước tham quan, học hỏi.

Bác sĩ Hà Công Thanh đang kiểm tra tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân nhi.
Bác sĩ Hà Công Thanh đang kiểm tra tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân nhi.

Thạc sĩ, bác sĩ Hà Công Thanh, Trưởng khoa Nhi cho biết: Có những thời điểm, đơn nguyên sơ sinh có tới 40-45 bệnh nhân, rất nhiều cháu trong tình trạng nguy kịch phải theo dõi đặc biệt nên các bác sĩ, điều dưỡng của khoa phải “căng sức” ra mới có thể làm tốt nhiệm vụ. Do đặc thù bệnh tật của các cháu là phải bảo đảm tuyệt đối việc vô trùng nên các y, bác sĩ nơi đây ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn phải kiêm luôn vai trò của người mẹ từ các khâu như thay tã, vệ sinh và cả việc dỗ dành, hát ru khi trẻ quấy khóc.

Và nói như chị Trần Thị Hoài Thông, điều dưỡng trưởng của khoa thì chỉ khi các bé bú được, tăng cân và khóc khỏe, cán bộ y tế trong khoa mới thở phào nhẹ nhõm. Mỗi bệnh nhi nặng sau quá trình điều trị thành công được trở về gia đình, bác sĩ Thanh thường ghi lại địa chỉ, điện thoại của người nhà bệnh nhân để tiếp tục theo dõi và tư vấn cho gia đình những kiến thức cơ bản trong chăm sóc, nuôi dưỡng.

Phần thưởng mà bác sĩ Thanh cùng những đồng nghiệp của mình nhận được là những lời biết ơn chân thành và cả những giọt nước mắt của sự hạnh phúc. Họ luôn giữ lại bên mình cảm giác ấy để rồi tự nhắc nhở mình rằng phải không ngừng cố gắng để tiếp tục ươm mầm hạnh phúc từ chính những giọt nước mắt và nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ.

Và khơi nguồn nhân ái, bao dung

Không chỉ được biết đến là địa chỉ đáng tin cậy trong chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhi, khoa Nhi còn là nơi cưu mang những trẻ sơ sinh bị gia đình bỏ rơi hay gặp các hoàn cảnh thương tâm khác. Bé Nguyễn Thị Tình Thương hiện đang sống với ông bà nội ở xã Lộc Ninh, (TP.Đồng Hới) sinh ra trong một gia đình nghèo, bố bị mù lại đi làm ăn xa, mẹ bị bệnh quá nặng và đã mất ngay sau ca phẫu thuật để đón bé chào đời. Từ đó, bệnh viện trở thành nhà của bé. Cán bộ y tế của khoa Nhi là những người thân cận kề bên bé.

Bé được các “mẹ” đặt cho cái tên rất đẹp “Ngọc Hà” và lớn lên khỏe mạnh từng ngày trong vòng tay yêu thương của những người thầy thuốc. Lúc mới sinh ra, bé chỉ nặng 1,4kg. Các điều dưỡng trong khoa đã thay nhau chăm sóc bé, lo cho bé từng miếng ăn, giấc ngủ bằng tình thương yêu của người mẹ. Ai cũng muốn bù đắp cho bé những mất mát mà bé phải gánh chịu. Ngày bé chia tay các mẹ để về sống với ông bà nội cũng là lúc bé đã tròn 7 tháng tuổi.

Nụ cười hạnh phúc của những “người mẹ áo trắng” khi “các con” khỏe mạnh từng ngày.
Nụ cười hạnh phúc của những “người mẹ áo trắng” khi “các con” khỏe mạnh từng ngày.

Cảm phục trước nghĩa cử cao đẹp của người thầy thuốc, ông bà nội của Ngọc Hà đã đặt lại tên cho bé là Nguyễn Thị Tình Thương như một sự tri ân đối với những người đã thắp lửa niềm tin cho bao cảnh đời kém may mắn trong cuộc sống này.

Phan Thùy Nhi-một bệnh nhi bị mẹ bỏ rơi khi mới hai ngày tuổi cũng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng bằng tình thương yêu vô bờ bến của những người thầy thuốc. Không như bao đứa trẻ khác, khi sinh ra Thùy Nhi đã mang trên mình rất nhiều dị tật bẩm sinh, trái tim nằm bên phải, bàn tay, chân bị khoèo và suy hô hấp nặng. Xót thương cho hoàn cảnh của bé, toàn bộ cán bộ y tế đã dành cho bé sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt. Một góc nhỏ bên cạnh bàn làm việc của các điều dưỡng buồng đơn nguyên sơ sinh bệnh lý trở thành ngôi nhà thân thương của bé.

Ngay cả cái tên Thùy Nhi cũng được các bác sĩ nơi đây đặt cho với ý nghĩa bé là con gái của khoa Nhi và mang họ của bác sĩ Phan Thanh Hoài-người nhận làm cha đỡ đầu của bé. Điều dưỡng Hoài Thông kể: Những ngày đầu nuôi nấng, chăm sóc Nhi, anh chị em trong khoa gặp rất nhiều khó khăn vì sức khỏe của bé quá yếu, ăn ngủ kém lại đau ốm thường xuyên. Bệnh nhân đông, công việc của anh chị em không lúc nào rảnh nhưng mỗi khi bé khóc, bé quấy là các chị lại thay nhau ẵm bồng, dỗ dành. Tiếng à ơi nơi bệnh viện luôn cất lên hàng đêm.

Giờ đây, Thùy Nhi đã có một gia đình trọn vẹn với người ông là bác sĩ Hà Công Thanh, bà là điều dưỡng Trần Thị Hoài Thông, bố là bác sĩ Phan Thanh Hoài cùng những người mẹ trẻ hết lòng vì bé. Tình cảm dành cho Nhi cứ thế ngày một nhân lên và chỉ xa bé một, hai ngày là những người làm ông, bà, bố, mẹ của bé lại nhớ. Ai có dịp đi công tác xa về đều mua quà cho bé, hôn bé và hạnh phúc khi thấy bé bập bẹ tập nói với những tiếng đầu tiên là  “ba, mẹ”...

Từ tấm lòng vàng của những lương y nơi đây đã khơi nguồn nhân ái để nhiều người biết đến cùng đồng lòng, chung sức quan tâm, giúp đỡ Thùy Nhi và những bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn. Ban Giám đốc và cán bộ y tế trong toàn bệnh viện đã dành nhiều sự quan tâm, ưu ái cho Nhi. Với mong muốn Thùy Nhi có thể chiến thắng bệnh tật hiểm nghèo, bệnh viện đã kêu gọi sự giúp đỡ của các chuyên gia y tế để phẫu thuật bàn chân cho em.

Đáng nhớ nhất là ngày 13-3-2014, Giáo sư René D. Esser (Bệnh viện Polyclinique du Ternois, Pháp) cùng kíp phẫu thuật đến từ Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) và Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới đã tiến hành phẫu thuật cho bé. Song do dị tật của bé quá nặng nên dẫu đã cải thiện phần lớn nhưng để bé có thể tự đi lại được vẫn còn là điều hết sức khó khăn.

Và cứ thế, ngày lại qua ngày, Thùy Nhi lớn lên từ tiếng “à ơi” nơi bệnh viện. Từng lời ru ấm áp được cất lên từ những người mẹ dẫu không sinh ra bé nhưng đã mang đến cho Nhi sự sống để rồi sau này Nhi có quyền ước mơ, hy vọng...

Nhật Văn